Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Taliban lùng sục từng nhà, chất vấn quan hệ với Mỹ

Những người Afghanistan định cư tại nước ngoài cho biết người thân của họ ở quê nhà đã bắt đầu trở thành mục tiêu của Taliban.

Taliban Afghanistan anh 1

Những người Afghanistan kịp rời khỏi quê nhà trước khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước tự gọi bản thân họ là thiểu số may mắn. Dẫu vậy, trong lòng họ ngập tràn mặc cảm tội lỗi, xen lẫn tức giận và nỗi kinh hoàng.

Sau 20 năm, hàng chục nghìn người Afghanistan đã tái định cư ở Mỹ. Hàng nghìn người chỉ vừa mới đến bên kia bờ Đại Tây Dương trong vài tuần qua.

Với gia đình bỏ lại sau lưng, những người Afghanistan định cư ở nước ngoài khiếp sợ trước viễn cảnh chính quyền mới của Taliban sẽ trả thù người thân của họ, nhất là khi những thông tin đầu tiên về tình hình ở Kabul được truyền ra bên ngoài, theo New York Times.

Taliban tra hỏi từng nhà dân

"Không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu Taliban tìm đến. Từ trong tim, chúng tôi lo sợ cho cha mẹ, anh chị em mình", Rizwan Sadat, một trong những người Afghanistan được di tản đến Mỹ cuối tuần trước, nói.

Lúc này, không gì có thể trấn an những người Afghanistan đã rời khỏi quê nhà, dù Taliban hứa sẽ thành lập một chính phủ hòa hợp dân tộc và ân xá cho người của chế độ cũ.

Mohammad Sahil, người từng làm việc cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ tại Afghanistan, được tái định cư ở Sacramento vài năm trước. Sahil nói hình ảnh những người dân Kabul tuyệt vọng đu bám vào máy bay chuẩn bị cất cánh là thảm kịch mà người Mỹ chỉ có thể thấy trong phim kinh dị.

Taliban Afghanistan anh 2

Một tay súng Taliban ở Kabul. Ảnh: AFP.

"Nhưng đó là hiện thực với người Afghanistan chúng tôi. Chúng tôi mất ăn, mất ngủ, không thể tập trung làm việc (khi nghĩ về người thân ở quê nhà)", ông Sahil nói.

Ít nhất 132.000 người nhập cư gốc Afghanistan đang sống tại Mỹ, chưa kể số trẻ em thế hệ kế tiếp được sinh ra trên đất Mỹ.

Người Afghanistan đến Mỹ trong những làn sóng di cư khi Taliban lần đầu giành quyền kiểm soát đất nước cuối thập niên 1990, và sau khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh năm 2001.

Ngay cả những người Afghanistan đã sống gần như cả cuộc đời ở Mỹ cũng cho biết họ đau thắt lòng khi chứng kiến Taliban một lần nữa trở lại nắm quyền, bởi quá rõ sự tàn bạo của lực lượng này.

Vài ngày qua, những người Afghanistan còn ở lại Kabul nói với người thân đã định cư ở nước ngoài về thời khắc hoảng loạn, nỗi sợ hãi bao trùm bởi không biết điều gì đang chờ đợi phía trước.

Các nhân chứng ở trong nước cho biết Taliban gõ cửa từng nhà tra khảo về quan hệ của họ với người Mỹ. Có những người đã phải ngủ lang từ nhà này qua nhà khác để tránh bị thẩm vấn, theo New York Times.

Nhiều gia đình phải xóa ảnh, tin nhắn của người thân ở nước ngoài khỏi điện thoại, bởi lo sợ chúng sẽ bị Taliban thu giữ.

Một phụ nữ sống ở California cho biết cuộc gọi của bà với chị dâu ở Kabul đã bị gián đoạn bởi hàng loạt tiếng súng.

Chết trên đường di tản

Shah Mohammad Niazy, cộng tác viên của quân đội Mỹ ở Afghanistan, cho biết họ hàng của ông chết trong đám đông hỗn loạn tìm cách lên máy bay di tản ở sân bay Hamid Karzai.

"Họ bị khó thở, thiếu dưỡng khí. Người họ hàng của tôi chết trước khi máy bay kịp cất cánh", Niazy nói.

Những người Afghanistan sống tại Mỹ cho biết họ rất muốn đưa thêm thành viên gia đình di tản khỏi Kabul để đến Mỹ. Nhưng tất cả hiểu điều này cực kỳ khó.

Yasar Ghafoori, cựu phiên dịch viên cho quân đội Mỹ ở Afghanistan hiện sống ở Sacramento, nói ông đã lên kế hoạch vay mượn 20.000 USD để xin cấp visa và mua vé máy bay cho 34 thành viên gia đình đến Mỹ. Ghafoori cho biết Mỹ từng là thiên đường của cuộc đời ông.

"Nhưng sẽ không còn là như vậy nếu không có gia đình bên cạnh. Người thân là tất cả với tôi", Ghafoori nói.

Taliban Afghanistan anh 3

Người Afghanistan định cư ở Fremont bật khóc trước tình hình ở quê nhà. Ảnh: New York Times.

Ghafoori cho biết ông đã hối thúc cha mẹ và các anh chị em sớm rời khỏi nhà của họ ở tỉnh Nangarhar, "bỏ lại tất cả tài sản" để đến Kabul di tản, còn bản thân sẽ lo tất cả tiền bạc, giấy tờ.

Farhad Yousafzai, người có 2 em trai mắc kẹt ở Afghanistan, cho biết tìm đường di tản là điều rất khó khăn. Để có thể đưa các em lên máy bay tới Thổ Nhĩ Kỳ, Yousafzai phải trả khoản tiền lớn để mua vé máy bay thông qua giao dịch chợ đen.

Ngay cả khi đã cầm tấm vé trên tay, hãng hàng không vẫn đe dọa hủy vé của họ để dành chỗ cho người sẵn sàng trả nhiều tiền hơn.

Hôm 16/8, xuất hiện những đoạn video trong đó người dân Afghanistan bám vào máy bay Mỹ đưa người di tản khi chiếc máy bay cất cánh. Đã có người rơi từ trên không trung xuống mặt đất.

Tình hình hỗn loạn đến mức Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier phải thốt lên rằng "những hình ảnh tuyệt vọng ở sân bay Kabul thật đáng xấu hổ đối với giới chính trị phương Tây" và Afghanistan là một “thảm kịch nhân loại mà chúng ta cùng chịu trách nhiệm”.

"Chỉ có thể cầu nguyện"

Ở Mỹ, đa phần người Afghanistan định cư tại thành phố Fremont, gần thung lũng Silicon. Thành phố này có nhiều cửa hàng đồ ăn và chợ truyền thống Afghanistan, cũng như một số thánh đường Hồi giáo.

Maiwand Market là khu siêu thị mà người Afghanistan ở Fremont thường lui tới. Hôm 16/8, những người tới siêu thị truyền tay nhau những hình ảnh và đoạn video gây sốc về tình hình ở Kabul.

"Quả là một bi kịch khủng khiếp", Sayed Sayedi, một người gốc Afghanistan hiện sống ở Fremont, nói.

Afghanistan đã là cái hố chiến tranh suốt 40 năm qua, nhưng nhiều người nước này vẫn choáng váng trước tốc độ Taliban giành lấy quyền kiểm soát đất nước.

Taliban Afghanistan anh 4

Hình ảnh người dân tìm mọi cách lên được máy bay ở Kabul. Ảnh: AFP.

Một cô gái trẻ tên Maya cho biết cô đang tìm mọi cách để liên lạc với người thân ở Kabul, giúp họ được di tản tới Mỹ. Mỗi khi gọi điện thoại về nhà mà không ai trả lời, kịch bản tồi tệ nhất là diễn ra trong đầu cô. Giờ đây, tất cả những gì Maya có thể làm là chờ đợi trong tuyệt vọng.

"Tôi chỉ còn có thể cầu nguyện", Maya nói.

Ro Khanna, hạ nghị sĩ đại diện hạt 17 tại tiểu bang California, khu vực bao gồm thành phố Fremont, cho biết văn phòng ông nhận được tới tấp những cuộc gọi yêu cầu giải thích vì sao Washington chuẩn bị quá tệ hại trước sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan.

Hạ nghị sĩ Khanna ra mặt chỉ trích cách mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thực hiện kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan.

"Câu hỏi mà cử tri lặp đi lặp lại với tôi là vì sao họ không thể di tản người dân trước khi rút hết quân. Điều gây sốc và đau lòng nhất là Nhà Trắng không quan tâm đúng mức về số phận của các đồng minh của chúng ta, của những người Afghanistan dễ bị tổn thương, của phụ nữ và trẻ em", ông Khanna nói.

Khi những thông tin và hình ảnh đau lòng tới tấp bay về Mỹ, những người định cư vẫn cố bám víu lấy hy vọng mong manh nhất, rằng Taliban phải hiểu Afghanistan không còn giống với đất nước mà lực lượng này từng cai trị cuối thập niên 1990.

Tiểu thuyết gia Khaled Hosseini, tác giả hai cuốn sách "Người đua diều" và "Nghìn mặt trời rực rỡ", cho biết một tầng lớp trí thức thành thị, trong đó có nhiều phụ nữ, đã giúp Afghanistan trở thành "một đất nước rất khác".

"Tôi hy vọng Taliban nhận ra rằng đòn roi, dây xích, súng đạn và giá treo cổ không phải là cách điều hành một đất nước", ông Hosseini nói.

Taliban 2.0 có thay đổi khi thế hệ thủ lĩnh trẻ trỗi dậy?

Dù Taliban tuyên bố đã thay đổi so với 20 năm trước, các chuyên gia hoài nghi rằng chế độ cai trị hà khắc và tàn bạo của tổ chức này sẽ quay trở lại.

Anh đạt cột mốc hơn 75% người trưởng thành tiêm vaccine Covid-19

Chiến dịch tiêm chủng tại Anh đã lập cột mốc mới khi nước này đã tiêm đủ 2 liều vaccine Pfizer hoặc AstraZeneca cho hơn 75% người trưởng thành.

Chính phủ Anh lại xấu mặt vì tội ác từ thời thực dân

Liên Hợp Quốc đã yêu cầu chính phủ Anh có biện pháp "khắc phục hậu quả và đền bù" cho tội ác mà chính quyền thực dân gây ra với các bộ lạc người bản địa ở Kenya.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm