Từ dinh tổng thống, Taliban dự định tuyên bố thành lập "Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan (Islamic Emirate of Afghanistan)", theo AP.
Tuy nhiên, theo Reuters, tuyên bố này của các tướng lĩnh Taliban chỉ mới một chiều và chưa có xác nhận từ chính phủ hiện tại. Việc liên lạc với các quan chức ở Kabul để xác tín thông tin cũng trở nên khó khăn hơn.
Trong diễn biến khác, quan chức tại Đại sứ quán Nga ở Kabul nói nước này sẵn sàng hợp tác với chính phủ lâm thời của Afghanistan, Interfax ngày 15/8 đưa tin.
Trong bối cảnh Taliban kiểm soát gần như toàn bộ đất nước, nhiều khả năng chính phủ lâm thời Afghanistan sẽ do Taliban chi phối.
Tuy nhiên, hãng thông tấn RIA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow chưa công nhận Taliban là đại diện hợp pháp của Afghanistan.
Trước đó, người phát ngôn Đại sứ quán Nga cho biết không cần thiết di tản khẩn cấp khỏi thủ đô Kabul. Đại sứ quán Nga tiết lộ Moscow có tham gia vào tiến trình đàm phán chính trị ở Afghanistan.
Máy bay quân sự trên bầu trời Kabul ngày 15/8. Ảnh: Reuters. |
Trong bối cảnh Taliban chuẩn bị tiếp quản thủ đô, một số quốc gia phương Tây đã đóng cửa đại sứ quán ở Kabul.
Chính phủ Đức thông báo đóng cửa đại sứ quán ở Kabul từ 15/8, đồng thời di tản khẩn cấp tất cả công dân Đức và nhân viên địa phương.
Trong khi đó, Canada cho biết tạm thời dừng hoạt động cơ quan ngoại giao ở Kabul. Nhân viên ngoại giao nước này đang trên đường trở về nhà.
Hà Lan thông báo đại sứ quán nước này được dời về một địa điểm gần sân bay quốc tế ở Kabul. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hà Lan cho biết đang nhanh chóng di tản thông dịch viên và nhân viên bản địa từng làm việc cho Hà Lan.
Trong khi đó, Thụy Điển cho biết sẽ rút toàn bộ nhân lực đại sứ quán nước này trong ngày 16/8.
Trong ngày 15/8, Tổng thống Ashraf Ghani đã rời khỏi Afghanistan để tới Tajikistan. Hiện chưa rõ điểm đến cuối cùng của ông Ghani.
Sau thời gian đóng bên ngoài thành phố, Taliban cho biết đã tiến vào thủ đô Kabul để ngăn chặn cướp bóc.