Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tài xế Grab muốn doanh thu trên 150 triệu đồng/năm mới tính thuế

Lái xe Grab 2 bánh cho rằng thu nhập trên 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế chưa hợp lý, đề xuất nâng mức này. Đại diện Cục thuế TP.HCM cho biết sẽ nghiên cứu để trình cấp cao hơn.

Chiều 6/9, đại diện Cục Thuế TP.HCM có buổi đối thoại các tài xế Grab về nghĩa vụ nộp thuế năm 2019 tại TP.HCM.

Hàng loạt câu hỏi liên quan đến cách tính thuế, thu nhập phải nộp thuế được các tài xế công nghệ đưa ra. Nhiều tài xế 2 bánh (GrabBike, GrabExpress và GrabFood) cũng lên tiếng cho rằng mức chiết khấu và khấu trừ thuế của Grab là quá cao so với thu nhập của họ.

Anh Đỗ Ngọc Thịnh, tài xế GrabBike, nêu ý kiến: "Mức thu mà cục thuế áp dụng lên đến 4,5% doanh thu là quá cao. Tôi cho rằng chưa hợp lý, cơ quan thuế cần xem xét lại, có chính sách sửa đổi mức thu phù hợp hơn".

Anh Thịnh khẳng định không phản đối việc nộp thuế cũng như Grab thu hộ, nộp hộ tiền thuế cho tài xế. Tuy nhiên, mức thu 4,5% doanh thu lại không được giảm trừ gia cảnh, không được hưởng các chính sách như những người nộp thuế bình thường là thiếu công bằng.

Tai xe Grab muon doanh thu tren 150 trieu dong/nam moi tinh thue anh 1
Các tài xế cho rằng mức thu nhập phải chịu thuế thấp, trong khi mức thu thuế lại cao. Ảnh minh họa.

Theo thông báo của Grab, những lái xe đạt doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ có nghĩa vụ đóng thuế khoảng 4,5 triệu đồng/năm. Trong đó áp dụng thuế suất gồm 1,5% thuế TNCN và 3% thuế GTGT.

Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan thuế xem xét nâng mức doanh thu phải chịu thuế. Một số lái xe 2 bánh đề xuất thu nhập trên 150 triệu đồng/năm mới phải đóng thuế.

Cũng tại buổi đối thoại, ông Phạm Mi Sên (tài xế GrabBike, 50 tuổi) có đơn kiến nghị trình cơ quan thuế về điều chỉnh lại các khoản thu thuế đối với Grab 2 bánh. Ông Sên đưa ra 3 vấn đề là định danh lại ngành nghề hoạt động; áp dụng thuế VAT và cấp mã số thuế, giấy xác nhận nghĩa vụ nộp thuế.

Trong đó, vấn đề định danh ngành nghề kinh doanh được nhiều tài xế quan tâm. Ông Sên cho rằng điều kiện làm việc trên các loại phương tiện khác nhau, hơn nữa lái xe 2 bánh đối mặt với các nguy cơ về tai nạn giao thông cao hơn trong khi các trang bị đảm bảo an toàn lại kém hơn nên việc Grab 2 bánh được định danh tương đồng với các phương tiện vận chuyển khác và áp dụng chung một biểu thuế là chưa hợp lý.

Trả lời trước đó bằng văn bản, đại diện Grab khẳng định hãng tiến hành thu hộ thuế cho cơ quan thuế, theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thuế chứ không phải chính sách mới. Bên cạnh đó, Grab chưa chuẩn bị tốt về mặt truyền thông, dẫn đến những băn khoăn, hiểu chưa chính xác về chính sách thuế.

Trả lời tại cuộc đối thoại, ông Nguyễn Văn Thiện - Trưởng phòng tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế Cục Thuế TP.HCM - khẳng định Grab đã thực hiện thu hộ thuế đúng quy định của cơ quan thuế.

Theo Cục thuế TP.HCM, phương pháp tính thuế cá nhân kinh doanh là tính thuế trực tiếp trên doanh thu và các khoản hỗ trợ, không khấu trừ chi phí phục vụ kinh doanh. Do đó, tài xế sẽ không được khấu trừ các chi phí xăng, sửa hay bảo dưỡng xe,…

Đối với mức doanh thu áp dụng thu thuế 100 triệu đồng/năm, ông Thiện cho biết quy định này được đưa ra từ năm 2015, theo thời gian đến nay cũng có sự trượt giá. Cơ quan thuế sẽ ghi nhận những ý kiến đóng góp từ các tài xế 2 bánh để trình cấp cao hơn.

“Có thể từ mức 100 triệu đồng nghiên cứu làm sao để nâng mức đó lên, ví dụ doanh thu 150-200 triệu đồng/năm mới phải nộp thuế. Hay cơ quan thuế sẽ xem xét phương án đề xuất trừ chi phí ra trước khi tính thuế", ông Thiện nói.

Còn về ngành nghề kinh doanh, các tài xế Grab 2 bánh thuộc cá nhân kinh doanh chứ không phải gọi là làm công ăn lương. Vì vậy, thuế sẽ được tính theo kiểu "cá nhân kinh doanh".

Grab khấu trừ thuế 60.000 đồng/ngày, tài xế yêu cầu làm rõ

Sáng 27/8, nhiều tài xế Grab tại TP.HCM tập trung trước trụ sở công ty để phản đối mức khấu trừ thuế 60.000 đồng/ngày. Chiều cùng ngày, Grab đã điều chỉnh chính sách.


Văn Hưng

Bạn có thể quan tâm