Đối với nhiều người, trở thành game thủ chuyên nghiệp để kiếm tiền dường như là giấc mơ có thật. Được trả tiền để chơi game suốt ngày trên một dàn máy hiện đại, gear "khủng", cơ hội đi đấu giải quốc tế nếu chơi giỏi.
Tuy nhiên, thực tế rất ít ai có thể hưởng thụ những điều đó. Nghề game thủ đòi hỏi kỹ năng, sức chịu đựng, lòng quyết tâm cao độ để bắt kịp lối sống của một game thủ chuyên nghiệp.
Mỗi chúng ta hẳn đều có một tựa game cực kỳ yêu thích, chơi đi chơi lại mãi không chán. Tuy vậy, sẽ như thế nào nếu phải dành hầu hết thời gian để chơi nó (khoảng 80 giờ mỗi tuần trong vài năm liền), hạn chế thời gian cho những hoạt động khác?
Một căn phòng tập luyện của game thủ eSports chuyên nghiệp. Ảnh: TechRadar. |
Để tìm hiểu một ngày của game thủ diễn ra như thế nào, phóng viên Stephen Lambrechts từ TechRadar đã ghé thăm trụ sở Gen.G eSports tại Seoul (Hàn Quốc), công ty quản lý đội tuyển eSports từng giành nhiều giải vô địch thế giới ở các game Liên Minh Huyền Thoại (League of Legends), Heroes of the Storm và PUBG.
Tổ chức eSports lớn thứ 7 thế giới; trang bị đến tận "răng"
Được mệnh danh là "thánh địa eSports", tại Hàn Quốc, game thủ chuyên nghiệp được nhìn nhận là một nghề nghiệp thực thụ, nghiêm túc. Đầu năm nay, Gen.G nhận khoản đầu tư 46 triệu USD từ ngôi sao Hollywood Will Smith để đầu tư trang thiết bị, chuẩn bị tốt cho những giải đấu mà các đội tuyển của Gen.G sắp tham gia.
Trụ sở của Gen.G eSports. Ảnh: TechRadar. |
Tiền thân là KSV eSports, Gen.G (viết tắt của Generation Gaming) thành lập năm 2017 và nhanh chóng mở rộng ra toàn cầu với các văn phòng đặt ở Los Angeles (Mỹ) và Thượng Hải (Trung Quốc).
Gen.G quản lý 11 đội tuyển, xếp thứ 7 trong danh sách tổ chức eSports lớn nhất thế giới của Forbes.
Trong lúc tham quan, Stephen Lambrechts choáng ngợp bởi những căn phòng sạch sẽ, bên trong toàn là máy tính chơi game với phần cứng đời mới nhất, sử dụng ổ cứng SSD và hệ thống tản nhiệt nước. Không thể thiếu những món như màn hình cao cấp, đèn RGB và logo Gen.G eSports.
Những chiếc máy tính trang bị đầy đủ, phần cứng đời mới, đèn RGB bắt mắt. Ảnh: TechRadar. |
Dù cấu hình máy rất mạnh, phóng viên của Tech Radar khá ngạc nhiên khi nhiều game thủ chuyên nghiệp cho rằng gear (thiết bị ngoại vi như chuột, bàn phím, tai nghe...) mới là yếu tố quan trọng hơn so với CPU hay GPU mạnh.
"Mọi trang thiết bị đều quan trọng, nhưng tôi cho rằng bàn phím, miếng lót chuột mới là thứ quan trọng nhất bởi chúng chẳng khác gì vũ khí mà chúng ta cầm ra trận vậy", đội trưởng Seong-Jin Lee (Cuvee), chia sẻ.
Cuvee cũng cho rằng ghế chơi game "xịn" hay màn hình đẹp, theo quan điểm của anh, chỉ để tăng độ sang trọng hơn là những vật dụng thiết yếu:
"Với chiếc ghế, miễn là nó đủ thoải mái, còn với màn hình, tôi sẽ hài lòng nếu nhìn được những gì diễn ra trên đó".
Phần lớn thời gian trong ngày để tập luyện
Chắc hẳn ai cũng muốn biết một ngày của game thủ chuyên nghiệp như thế nào, và đây là câu trả lời của Cuvee:
"Khi thức dậy, tôi tắm rửa, ăn sáng rồi bắt tay vào luyện tập ngay đến trưa. Sau khi ăn trưa, tôi nghỉ 1-2 tiếng rồi tiếp tục tập đến tối. Tôi ăn nhanh bữa tối, quay lại ngồi tập đến khi đi ngủ".
Jihun Lee, Giám đốc quản lý bộ phận game thủ của Gen.G eSports cho biết trung bình một game thủ chuyên nghiệp dành 12-15 giờ mỗi ngày để tập luyện nếu có giải đấu, còn khi không có giải, họ tập ít nhất 8 giờ mỗi ngày.
Trung bình, một game thủ chuyên nghiệp dành 12-15 tiếng mỗi ngày để luyện tập nếu có giải đấu
Thường ngày, các game thủ sẽ đến trụ sở Gen.G vào buổi sáng muộn, đôi lúc bắt đầu tập vào giữa trưa cho đến qua một giờ sáng mới xong.
Tất nhiên, thời gian tập của các game thủ sẽ chỉ tập trung vào một game chuyên môn duy nhất của họ, không "đả động" gì đến những game khác.
"Tôi có một quy định rất nghiêm ngặt, bất cứ khi nào các game thủ còn trong thời gian tập luyện, họ phải tập trung vào game chuyên môn của họ. Đương nhiên họ có thể chơi mọi game khác khi về nhà hay đi du lịch", Lee cho biết.
"Đa số game thủ còn trẻ, chưa phát triển ý thức chuyên nghiệp. Nếu bị phân tâm bởi những game khác, tôi lo rằng họ không thể tập trung vào công việc đang làm", anh này nói.
Làm gì khi không thi đấu?
Những game thủ eSports chuyên nghiệp thường có sự nghiệp khá ngắn, đa số bắt đầu khi còn thiếu niên rồi kết thúc khi tốt nghiệp đại học (tầm 22 tuổi). Trong những năm gần đây, "tuổi nghề" của game thủ eSports đã kéo dài hơn.
"Trong quá khứ, chúng ta cho rằng độ tuổi 'chín' của một game thủ là 18-23. Tuy nhiên hiện tại có nhiều thể loại game khác nhau, với những tiến bộ trong công nghệ và gameplay, tôi tin rằng một game thủ chuyên nghiệp sẽ kéo dài sự nghiệp hơn, có thể lên đến 29 tuổi", Lee cho biết.
Lee tiếp lời: "Tôi nghĩ đây là sự phát triển tích cực. Trong quá khứ, tôi từng lo những game thủ giải nghệ khi còn trẻ chưa thể biết họ có thể làm gì để cống hiến hết mình cho sự nghiệp. Với việc game thủ chuyên nghiệp ngày nay có sự nghiệp dài hơn, tôi hy vọng nhìn thấy nhiều thay đổi tích cực hơn trong lĩnh vực này".
Gen.G đã tìm ra cách giúp các game thủ tiếp tục công việc khi nghỉ đấu giải hoặc giã từ sự nghiệp. Nhiều căn phòng nhỏ trong khu phức hợp của họ dành riêng để stream game. Mỗi căn phòng đều có dải đèn màu sắc, logo từ các nhà tài trợ gắn khá lớn.
Một phòng stream game với đầy đủ mọi trang bị. Ảnh: TechRadar. |
Lee khuyến khích các game thủ stream vì một số lý do: "Từ góc nhìn của game thủ, họ sẽ phải suy nghĩ xem công việc tiếp theo là gì khi từ giã đội tuyển. Bây giờ có rất nhiều cơ hội để họ tiếp tục sự nghiệp, một trong số đó là làm streamer".
Lee cũng thừa nhận những streamer có thể mang đến Gen.G khoản doanh thu bù đắp cho những chi phí khác khi họ có thể giao lưu trực tiếp với các fan.
Lời khuyên cho thế hệ kế tiếp
Khi đã chia sẻ cuộc sống của một game thủ chuyên nghiệp, Lee cũng có vài lời nhắn đến những người muốn dấn thân vào lĩnh vực này.
"Tôi thấy nhiều người nghĩ rằng chỉ cần đam mê là có thể làm game thủ chuyên nghiệp, nhưng thực tế không nhiều người có thể chịu thử thách, vượt qua những áp lực. Tôi khuyên họ nên tham khảo ý kiến từ cha mẹ, giáo viên hoặc những người có kinh nghiệm để đưa ra quyết định phù hợp".
Lee thừa nhận con đường trở thành game thủ eSports chuyên nghiệp không hề bằng phẳng, nhưng tin rằng nếu có lòng quyết tâm, hướng đi rõ ràng thì không gì là không thể cả.