Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những thằng nhóc 'nghiện game' mang vinh quang về cho eSports Việt Nam

AWC 2019 không chỉ lần đầu tiên chứng kiến một đội tuyển Việt Nam vô địch eSports cấp độ thế giới, nó còn vỗ về nền thể thao điện tử nước nhà vốn chia rẽ và chịu nhiều thiệt thòi.

Trong dòng người xếp hàng chuẩn bị vào bên trong cung thể thao Tiên Sơn hôm 14/7 có một gia đình 3 thế hệ, 6 người gồm ông nội, bố và 4 em nhỏ. Gia đình ông Nguyễn Văn Khởi (43 tuổi) đã lặn lội từ Thái Bình vào Đà Nẵng chỉ với một mục đích: Cho các con và cháu đi xem giải vô địch Liên quân thế giới AWC 2019.

“Chú dắt bọn trẻ vào là để xem AWC, du lịch chỉ là phụ”, ông Khởi tuyên bố.

"Chơi game giỏi chắc chắn là tài năng"

"Học giỏi hay chơi game giỏi đều được, miễn có ích cho xã hội. Đôi khi học giỏi lại phải đi làm thuê cho người khác, chưa kể chuyện trái ngành trái nghề. Còn chơi game mà kiếm ra tiền thì đúng là “sướng”. Quan điểm của chú, học giỏi chưa chắc thông minh, nhưng chơi game giỏi thì chắc chắn là tài năng",  ông Khởi nói.

"Game không xấu, nó giúp người chơi phát triển trí tuệ theo cách riêng. Không những kích thích sáng tạo, game còn tạo ra cộng đồng cho mọi người giao lưu với nhau".

"Không phải cứ đi học mới là giỏi. Bản thân chú không chơi game, nhưng con cháu trong nhà thích thì mình ủng hộ, mình tìm hiểu để xem sở thích của bọn nó xấu tốt như nào. Từ đó đưa bọn chúng vào nề nếp để sở thích đó đi theo chiều hướng tốt", ông Khởi lý giải cho nhận định của mình.

“Tuy nhiên, hãy chơi game làm sao mang tiền về cho bố mẹ. Lần này chú dắt bọn trẻ đi để học hỏi. Chú muốn bọn chúng sau này đều là tuyển thủ game chuyên nghiệp“.

Ông Nguyễn Văn Ly chung ý kiến với con trai. Trong con mắt cụ ông 70 tuổi, việc các cháu mình chơi game dường như là cách đơn giản nhất để bắt kịp với xu hướng 4.0 mà ông vẫn thường nghe nói trên "TV ở nhà". 

Xưng "tớ", ông Ly cho biết bản thân cảm thấy choáng ngợp với không khí tại cung thể thao Tiên Sơn trước trận bán kết đầu tiên. Dáng người mảnh khảnh, ông quay lại hàng chờ, hòa vào xung quanh là bao nhiêu đứa trẻ cũng trạc tuổi cháu ông.

"Mày có giỏi thì chơi game mà kiếm sống"

“Xuân Bách đang đuổi theo, Xuân Bách tung 'Lôi điểu', Xuân Bách hạ gục được đối phương, 'Double kill' dành cho người đi đường giữa của Việt Nam”, sự phấn khích của bình luận viên kéo theo chuỗi âm thanh hỗn loạn, giòn giã từ các khán đài cung thể thao Tiên Sơn.

Đó không phải lần đầu tiên người đi đường giữa của Team Flash khiến những ai yêu thích eSports, đặc biệt là bộ môn Liên quân sống trong những cảm xúc như thế.

Cách sàn đấu chừng 50 m, lẫn trong đám đông khán giả có mặt tại Tiên Sơn là đôi vợ chồng nắm chặt tay nhau, không rời mắt theo từng diễn biến trận đấu trên màn hình lớn.

Trước đó 2 năm, nếu đôi vợ chồng ấy cứng rắn hơn trong quyết định của con mình, kết cục của Team Flash - đội giành chức vô địch eSports cấp độ thế giới đầu tiên của Việt Nam - có lẽ đã rất khác.

“Cô là cán bộ viên chức, chú là hiệu trưởng một trường cấp 2, ban đầu rất ngại khi nghe họ hàng, hàng xóm xung quanh dè bỉu cha mẹ như thế lại để con chơi điện tử”, ông bà Trần Đình Thọ và Phí Thị Phu nhớ lại những ngày đầu cậu con trai Trần Xuân Bách nằng nặc bỏ đại học để trở thành game thủ.

“Mày có giỏi thì đi chơi game mà kiếm sống”, bà Phu không nhớ bao lần mình buông những lời như thế với cậu con trai út.

Tuy nhiên, bà nhớ vanh vách tất cả giai đoạn thi đấu, những danh hiệu mà Xuân Bách có được: “Cuối 2017 tham dự AIC ở Hàn Quốc, sau đó bị cấm thi đấu 6 tháng, rồi ASIAD hạng 3 ở Indonesia, á quân AIC 2018, quán quân Đấu trường danh vọng và bây giờ là vô địch thế giới”.

Cách đây 2 năm, nếu bố mẹ Xuân Bách cứng rắn ngăn cản con, có thể Việt Nam đã không có cup vô địch eSports thế giới

“Trong gia đình chỉ 'lòi' ra mình em đam mê game. Khi cả nhà ai cũng học hành đàng hoàng. Anh em còn là thạc sĩ. Giờ bỗng dưng em nói với bố mẹ con muốn bỏ đại học để đi chơi game. Tuy rất khó khăn, nhưng quyết định này khiến em hài lòng", Xuân Bách chia sẻ.

Tuyển thủ sinh năm 1997 hồi tưởng lại những ngày đầu đi theo con đường game chuyên nghiệp: “Ban đầu em chưa thể sống bằng game, phải đi chạy vạy đây đó, làm thêm chỗ này chỗ kia để thực hiện quyết tâm không sống dựa vào gia đình”.

“Mỗi khi có đám tiệc, họ hàng quây quần lại, em biết bố mẹ ngại khi ai đó hỏi thằng Bách dạo này học gì hay đi làm rồi. Bố mẹ chỉ biết nói đỡ em bảo lưu đi làm chung chung chứ không dám nói rõ là chơi game".

“Khoảng thời gian ấy khó khăn đến mức nhiều lần em muốn bỏ cuộc để quay lại đại học. Em nhớ mãi một buổi sáng, bố đến tận giường, vừa khóc vừa van xin em đi học trở lại. Lúc ấy em lung lay lắm rồi".

Ở tuổi 19, Xuân Bách có gần như tất cả những vinh quang cao quý nhất mà mọi game thủ eSports tại Việt Nam mơ ước. Tuy nhiên, ông bà Thọ, Phu vẫn canh cánh nỗi lo tương lai sau khi giã từ nghiệp game thủ của con trai. “Cô chú vẫn muốn nó có tấm bằng đại học".

Những trận chiến bước ra từ "phòng net"

Đã qua lâu rồi cái thời khi nhắc đến game online, người ta nghĩ ngay đến những câu chuyện tiêu cực xuất hiện trên báo chí. Ngày nay, nói đến eSports là nói đến các tuyển thủ thu nhập trên 8 con số, những giải đấu đầu tư kỹ lưỡng với quy mô tiền thưởng có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Liên quân mobile vô địch thế giới AWC 2019 là sự kiện mà ở đó, lần đầu tiên người hâm mộ tận mắt nhìn thấy giải đấu eSports đầu tư như thế nào.

Bốn màn hình lớn được chia đều để người xem mọi hướng không bỏ lỡ bất kỳ diễn biến nào của trận đấu. Khu vực dành cho 4 bình luận viên trong nước và quốc tế tách biệt với sàn đấu của tuyển thủ. Bộ phận chịu trách nhiệm livestream và hậu đài cũng phân chia rõ ràng.

Không dừng lại đó, cảm xúc người xem được ban tổ chức khéo léo đẩy lên cao trào bằng hệ thống âm thanh, hiệu ứng ánh sáng sau các pha “highlight” hoặc tiêu diệt mục tiêu lớn. Có khu vực tác nghiệp cho báo chí.

Tuy nhiên, không phải không có điểm trừ. Phần lớn trận đấu diễn ra muộn hơn so với thời gian được công bố, khiến một số trận vòng bảng phải kéo dài đến nửa đêm.

Trên tất cả, AWC 2019 với sự đăng quang của đội tuyển Việt Nam đã hoàn thành tốt một việc: Kéo người dân đến gần hơn với eSports - đứa con sinh sau đẻ muộn chịu nhiều thiệt thòi của thể thao Việt Nam.

Đây là giải đấu tạo ra cột mốc mới trong lịch sử thể thao điện tử Việt Nam khi có 651.924 người xem trực tiếp tại cùng thời điểm, tự phá vỡ kỷ lục của chung kết Đấu trường danh vọng mùa xuân 2019 cách đây chưa đầy 2 tháng với 497.025 lượt xem.

Tính riêng tại khu vực Đông Nam Á và Đài Bắc Trung Quốc, AWC 2019 có khoảng 74,5 triệu lượt xem với hơn 855.000 người xem trực tiếp tại cùng thời điểm, tăng lần lượt 126% và 36% so với chung kết thế giới năm ngoái diễn ra tại Mỹ.

SEA Games 2019 diễn ra tại Philippines sẽ chứng kiến hàng loạt bộ môn thể thao điện tử được đưa vào tranh tài gồm Liên quân mobile, Mobile Legends Bang Bang, Dota 2, Star Craft, Tekken 7 và Hearthstone.

“Chưa bao giờ vui mừng và tự hào như lúc này”, bà Phu xúc động sau khi chứng kiến tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch. Còn với gia đình ông Khởi, chuyến đi hơn 700 km đến cung thể thao Tiên Sơn, Đà Nẵng không thể có cái kết tuyệt vời hơn.

HLV Team Flash: 'Chúng tôi sẽ mang HCV SEA Games về cho Việt Nam'

Vị huấn luyện viên sinh năm 1993 không giấu được niềm tự hào về thành tích lịch sử mà các học trò đã làm được tại AWC 2019.

Đại Việt

Ảnh: Lê Trọng

Bạn có thể quan tâm