Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tại sao quan chức WHO khuyến cáo trái ngược về mũi tiêm thứ 3?

Trao đổi với Zing, hai chuyên gia cùng đồng ý rằng công tác chống dịch toàn cầu có thể bị tác động tiêu cực nếu các nước thu nhập cao ưu tiên tiêm mũi vaccine tăng cường.

tiem chung mui 3 anh 1

"Thật rủi ro khi chuyển sang tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ ba trước khi có chứng cứ xác đáng cho thấy cần làm vậy trong mọi trường hợp", giáo sư Catherine Bennett, Trưởng khoa Dịch tễ học thuộc Đại học Deakin (Australia), trả lời Zing.

Ông Shabir Madhi, giáo sư tiêm chủng học và Trưởng khoa Khoa học Sức khỏe thuộc Đại học Witwatersrand (Nam Phi), cũng có chung nhận định với bà Bennett.

"Việc các nước thu nhập cao tiếp tục sử dụng vaccine ở quy mô lớn sẽ khiến người dân các nước thu nhập thấp mất đi cơ hội kịp thời tiếp cận vaccine", ông nói.

Giáo sư Bennett và Madhi đưa ra nhận định như trên trong lúc một số nước dự định hoặc đã bắt đầu tiêm tăng cường cho người dễ tổn thương hoặc có hệ miễn dịch yếu. Ngược lại, một số nước thu nhập thấp và trung bình còn gặp khó khăn với mũi tiêm thứ nhất do hạn chế nguồn cung.

Đầu tháng 8, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus kêu gọi các nước thu nhập cao tạm ngừng tiêm mũi vaccine tăng cường cho tới ít nhất cuối tháng 9 để tập trung cung cấp vaccine cho nước nghèo.

Thế nhưng, tới ngày 30/8, Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cho rằng "mũi tiêm thứ ba không phải là mũi tiêm xa xỉ cướp đi cơ hội của người đang chờ tiêm mũi đầu" mà là "một cách giữ an toàn cho những người dễ tổn thương nhất".

tiem chung mui 3 anh 2

Người dân ở Phnom Penh, Campuchia xếp hàng chờ tiêm chủng vào ngày 22/4. Ảnh: Reuters.

Tiếng nói không thống nhất từ WHO

- Điều gì đã tạo ra hai quan điểm không đồng nhất trong nội bộ WHO như vậy? Ông/bà có ý kiến thế nào về việc này?

- Giáo sư Madhi: Tôi nghĩ sự không đồng nhất xuất phát từ đối tượng được khuyến cáo tiêm mũi thứ ba.

Nếu là một chiến lược chung, việc tiêm mũi thứ 3 sẽ là vô căn cứ khi được thực hiện chủ yếu chỉ để cố tăng hiệu quả chống lây nhiễm và bảo vệ trước Covid-19 thể nhẹ.

tiem chung mui 3 anh 3

Shabir Madhi, giáo sư tiêm chủng học và trưởng khoa Khoa học Sức khỏe thuộc Đại học Witwatersrand (Nam Phi). Ảnh: Witwatersrand University.

Nguyên nhân là chưa có bằng chứng cho thấy hiệu quả bảo vệ của hai liều vaccine trước nguy cơ bệnh nặng và tử vong sẽ suy giảm.

Khả năng tiếp cận vaccine của nước thu nhập thấp rõ ràng còn là một vấn đề lớn, khi chưa đầy 2% dân số ở các nước này đã được tiêm chủng.

Vì thế, việc các nước thu nhập cao tiếp tục sử dụng vaccine ở quy mô lớn sẽ khiến người dân các nước thu nhập thấp mất đi cơ hội kịp thời tiếp cận vaccine, đặc biệt là những loại vaccine được chứng minh là có hiệu quả ngăn bệnh trở nặng.

Nhưng mặt khác, một số nhóm người nhất định ở nước thu nhập cao vẫn cần được tiêm tăng cường, đặc biệt là người có bệnh nền (như suy thận, ung thư). Đây là nhóm có phản ứng miễn dịch vẫn chưa được tối ưu sau khi tiêm hai liều vaccine ngừa Covid-19, nhưng mũi tiêm thứ 3 đã được chứng minh là giúp tăng cường phản ứng miễn dịch của nhóm này.

- Giáo sư Bennett: Tôi e là ý kiến gần đây (của giám đốc WHO khu vực châu Âu) đã được đưa ra dựa trên bằng chứng chưa rõ ràng.

Việc nói rằng hãy tiêm mũi thứ 3 cho người dễ bị tổn thương nhất sẽ khác với việc hãy tiêm mũi thứ 3 cho toàn bộ người dân.

tiem chung mui 3 anh 4

Giáo sư Catherine Bennett. Ảnh: The Age.

Tôi nghĩ ý kiến này là một tuyên bố chung chung và có phần rủi ro vì chúng ta không muốn bàn tay đang nắm giữ nguồn cung vaccine của một số quốc gia càng siết chặt hơn.

Khi đối mặt đợt bùng dịch ở cấp độ quốc gia, điều đầu tiên ta cần làm là triển khai tiêm liều đầu tiên. Mũi đầu tiên chưa quá hiệu quả trong việc ngăn chặn lây nhiễm nhưng có thể giúp tránh cho người dân phải đến bệnh viện và giảm tỷ lệ tử vong.

Tuy nhiên, thế giới hiện còn nhiều nước chưa tiêm mũi đầu cho phần lớn người dân. Trong khi đó, người dân các nước giàu đã được tiêm ít nhất một mũi từ tháng 12/2020.

Nếu các quốc gia thu nhập cao quyết định tiêm mũi thứ 3 khi chưa có bằng chứng chắc chắn (về lợi ích của tiêm tăng cường), điều này có thể khoét sâu sự chia rẽ giữa nước giàu và nước nghèo. Đó là vấn đề thực sự đáng lo ngại.

- Việc WHO đưa ra khuyến cáo mới có thúc đẩy các nước giàu giữ lại vaccine để tiêm cho người dân, thay vì viện trợ nước nghèo hay không?

- Giáo sư Madhi: Như đã nói ở trên, việc quốc gia thu nhập cao tiếp tục sử dụng và tích trữ vaccine sẽ gây bất lợi cho các nước thu nhập thấp và trung bình đang gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn cung.

Hành động này cũng sẽ để lại hậu họa cho các nước thu nhập cao nếu virus tiếp tục lây lan ngoài cộng đồng mà không suy giảm. Nguyên nhân là virus sẽ có nguy cơ phát sinh thêm nhiều đột biến.

Những đột biến mới có thể khiến virus trở nên dễ lây lan hơn, đồng thời có khả năng kháng lại tương đối phản ứng miễn dịch ở người đã tiêm vaccine hoặc từng mắc Covid-19.

tiem chung mui 3 anh 5

Gần 700.000 nghìn liều vaccine ngừa Covid-19 phải bị vứt bỏ tại bang Georgia, Mỹ từ tháng 12/2020 tới cuối tháng 8 do hết hạn, WSB-TV đưa tin dựa trên dữ liệu từ Sở Y tế bang này. Ảnh: AFP.

- Giáo sư Bennett: Tôi nghĩ là có rủi ro ấy. Phát ngôn của giám đốc WHO châu Âu không nói là hãy chờ xem bằng chứng như thế nào, hoặc có lẽ chỉ nên áp dụng với một số loại vaccine, hoặc có lẽ chỉ nên tiêm cho một nhóm nào đó.

Câu nói “mũi tiêm thứ 3 không phải là xa xỉ phẩm” rất chung chung. Và mũi tiêm thứ 3 trên thực tế rất có thể là điều xa xỉ đối với một số nhóm người.

Tôi cho rằng khi nói về việc tiêm mũi 3 thì không nên đưa ra một tuyên bố chung chung cho toàn bộ vaccine và toàn bộ các nhóm dân.

Việc nói chung chung sẽ tạo ra rủi ro là mọi người đều coi câu nói ấy như một sự ủng hộ và sẽ có thái độ “được rồi, chúng ta có thể giữ hết vaccine lại cho tới khi biết được nên làm gì”.

Nếu hợp đồng (mua vaccine) của các nước nghèo bị xếp ở phía sau và điều khoản trong hợp đồng của họ không được như các quốc gia giàu hơn, nó (câu nói của giám đốc WHO châu Âu - PV) có thể lại càng làm tăng lượng vaccine của những nước xếp hàng phía trước. Các nước nghèo sẽ càng bị đẩy lùi về sau.

tiem chung mui 3 anh 6

Nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 của một số nước nghèo phải phụ thuộc vào COVAX, nhưng cơ chế chia sẻ này cũng đang gặp khó khăn khi tiếp cận vaccine. Ảnh: WHO.

Cần ưu tiên nước đang đối mặt làn sóng dịch

- Một quốc gia nếu muốn chia sẻ vaccine nên triển khai tiêm chủng như thế nào để cân bằng việc chia sẻ cho nước khác và tiêm tăng cường cho người dân trong nước?

- Giáo sư Madhi: Một khi đã tiêm chủng hơn 80-90% dân số trưởng thành, các quốc gia nên nỗ lực hơn trong việc chuyển những liều vaccine sẵn có cho cơ chế COVAX để phân phối tới những quốc gia có nguồn vaccine phụ thuộc phần lớn vào COVAX.

- Giáo sư Bennett: Chúng ta cần ưu tiên một số nước đang đối mặt với làn sóng hiện tại, đặc biệt là với biến chủng Delta.

Chúng ta cũng không muốn gửi vaccine đi mà không cung cấp thêm những sự hỗ trợ khác như kim tiêm để nước nhận vaccine có thể triển khai tiêm chủng an toàn và nhanh nhất có thể.

(Việc tặng vaccine) sẽ tùy thuộc vào từng nước. Tôi biết có những nước mà việc lãng phí vaccine ở mức lớn. Điều này có nghĩa là họ chưa xem việc sử dụng vaccine của mình như một tài nguyên quý giá.

Không có gì tệ hơn khi ở đây lãng phí vaccine mà ở kia lại không có vaccine, đặc biệt là khi số vaccine bị bỏ đi có thể tạo nên sự khác biệt ở Việt Nam chẳng hạn.

Nếu không dùng vaccine đúng hạn, bạn phải ra quyết định (về việc chia sẻ vaccine) trong hôm nay để nước được tặng có thời gian sử dụng vaccine nhiều nhất có thể.

tiem chung mui 3 anh 7

Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân tại một phòng hồi sức cấp cứu Covid-19 ở thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Duy Hiệu.

- Trước rủi ro của biến chủng Delta, những đối tượng nào nằm trong nhóm người cần tiêm bổ sung (nếu cần)?

- Giáo sư Madhi: Những đối tượng này bao gồm các nhóm đã được chứng minh là có phản ứng miễn dịch kém sau khi tiêm hai liều, chẳng hạn những người có bệnh nền như ung thư, suy thận.

Với số còn lại, vaccine có vẻ có hiệu quả bảo vệ bền vững giúp ngăn chặn bệnh trở nặng, kể cả sau khi đã tiêm 6-9 tháng. Nhưng thật sai lầm khi cho rằng mũi tiêm tăng cường sẽ giúp một quốc gia đạt miễn dịch cộng đồng.

- Giáo sư Bennett: Chúng ta có lẽ cần chú ý tới những người dễ bị tổn thương nhất trước Covid-19 thể nặng và trước tình trạng miễn dịch giảm dần sau tiêm. Họ là những người cao tuổi và người có bệnh nền phức tạp.

Nếu cần tiêm mũi tăng cường, ta có thể không cần ưu tiêm cho nhân viên y tế vì họ trẻ hơn, có sức chịu đựng tốt hơn, và có phản ứng sinh kháng thể sau tiêm mạnh hơn. Họ có thể không cần được ưu tiên cao như đợt tiêm chủng đầu tiên.

Nếu 1 người được tiêm hai mũi, kể cả khi hiệu quả miễn dịch giảm dần, họ vẫn sẽ được bảo vệ phần nào trước nguy cơ mắc bệnh. Chúng ta đang phải dựa vào hiệu quả bảo vệ này để giảm tốc độ xảy ra đột biến. Cả những nước đang bùng dịch lẫn các nước khác trên thế giới đều đối diện rủi ro xuất hiện biến chủng mới. Biến chủng mới sẽ xuất hiện ngày một nhanh hơn nếu ngày càng có thêm nhiều ca mắc.

Vì thế, chúng ta nên phối hợp cả ở trong nước và trên thế giới để tận dụng mọi lọ vaccine. Những hiệp định vay mượn vaccine song phương sẽ là xu thế tương lai. Chúng ta phải trân trọng mọi liều vaccine. Không thể tha thứ cho việc nước này phải vứt bỏ, trong khi nước khác không có vaccine.

Trả lời Zing, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Kidong Park nói rằng thế giới chưa cần tiêm mũi tăng cường, mà nên tập trung tăng tỷ lệ bao phủ vaccine.

“Các mũi tiêm tăng cường sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, thúc đẩy nhu cầu và việc tiêu thụ nguồn cung khan hiếm giữa lúc các đối tượng cần được ưu tiên ở một số quốc gia, hoặc cơ sở địa phương, chưa được tiêm đủ mũi cơ bản”, tiến sĩ Park nói.

Các nước giàu sẽ dư ra 1,2 tỷ liều vaccine

Đến cuối năm nay, các quốc gia giàu có nhiều khả năng sẽ dôi dư 1,2 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19, một phân tích mới kết luận, trong lúc nước thu nhập thấp gặp khó khi tìm vaccine.

WHO chỉ trích các nước giàu vội tiêm mũi vaccine thứ 3

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên án việc các nước giàu vội vàng phân bổ liều vaccine nhắc lại, trong khi hàng triệu người trên thế giới chưa được tiếp cận với nguồn vaccine.

Minh An - Quốc Đạt (Thực hiện)

Bạn có thể quan tâm