Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đại diện WHO Việt Nam: Mũi tiêm thứ 3 làm tăng bất bình đẳng vaccine

Trưởng đại diện WHO Kidong Park đánh giá cao cam kết tiêm chủng của Việt Nam, đồng thời nhắc lại thế giới chưa cần tiêm mũi tăng cường, mà nên tập trung tăng tỷ lệ bao phủ vaccine.

Dai dien WHO Viet Nam anh 1

“Các mũi tiêm tăng cường sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng”, tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, chia sẻ với Zing.

Tuyên bố của ông Kidong Park được đưa ra trong bối cảnh thế giới đang lo ngại hai mũi vaccine chưa phải là “lá chắn” vững vàng trước đại dịch Covid-19, nhất là khi biến chủng Delta đang lan rộng. Nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ, đã tính toán phương án tiêm liều vaccine thứ ba cho người dân.

Tuy nhiên, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết không chỉ riêng Việt Nam, nhiều quốc gia đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo đủ nguồn cung vaccine.

"Trong bối cảnh nguồn cung vaccine toàn cầu còn hạn chế, WHO nhắc lại lời kêu gọi tạm ngừng tiêm vaccine tăng cường cho đến ít nhất là cuối tháng 9", ông Kidong Park cho biết.

Dai dien WHO Viet Nam anh 2

Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam từ năm 2017. Ảnh: WHO.

Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng cảnh báo rằng vaccine vẫn là nguồn tài nguyên khan hiếm. Dù vậy, đến ngày 30/8, tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc WHO khu vực châu Âu, lại nói rằng “mũi tiêm thứ ba không phải là liều vaccine xa xỉ tước đi khỏi người đang chờ đợi lần tiêm đầu tiên. Về cơ bản, đó là cách để giữ an toàn cho những người dễ bị tổn thương nhất”.

Kế hoạch tiêm vaccine tăng cường ở các nước giàu đồng nghĩa với việc nhiều người dân chưa được tiêm chủng ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp sẽ tiếp tục phải chờ đợi, khi mà phần lớn vaccine, đặc biệt là vaccine mRNA có hiệu quả cao, đều được Mỹ và châu Âu thu mua.

Cần ưu tiên những nơi chưa có "mũi tiêm cơ bản"

Một số nhà phê bình nói thêm rằng việc sớm tiêm liều thứ 3 cho người dân ở các nước giàu là phi đạo đức, và nó tạo cơ hội cho sự phát triển và hoành hành của các biến chủng mới trên toàn cầu.

“Các mũi tiêm tăng cường sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, thúc đẩy nhu cầu và việc tiêu thụ nguồn cung khan hiếm giữa lúc các đối tượng cần được ưu tiên ở một số quốc gia, hoặc cơ sở địa phương, chưa được tiêm đủ mũi cơ bản”, tiến sĩ Park nói.

Tình trạng phân bổ vaccine trên phạm vi toàn cầu hiện vẫn ở mức đáng lo ngại. Nhiều quốc gia ở Bắc Mỹ và châu Âu đã tiêm ít nhất một mũi vaccine cho hơn 50% dân số.

Trong khi đó, chỉ 1,8% dân số ở các nước thu nhập thấp được tiêm vaccine, theo dự án Our World in Data của Đại học Oxford.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết trọng tâm hiện tại vẫn là tăng tỷ lệ bao phủ tiêm chủng toàn cầu với tiêm đủ mũi cơ bản ​(một hoặc hai liều đối với các loại vaccine hiện nằm trong danh sách sử dụng khẩn cấp EUL của WHO).

Tiến sĩ Kidong Park cũng khuyên rằng việc tiêm mũi tăng cường phải dựa trên bằng chứng chắc chắn và hướng mục tiêu ​đến nhóm dân số cần nhất.

“Cho đến nay, bằng chứng vẫn còn hạn chế và chưa thể kết luận việc cần phải tiêm mũi tăng cường rộng rãi sau khi tiêm đủ mũi cơ bản”, ông cho biết.

Dai dien WHO Viet Nam anh 3

Trọng tâm hiện nay là tăng tỷ lệ bao phủ tiêm chủng toàn dân. Ảnh: Thạch Thảo.

Tuy nhiên, ông lưu ý dữ liệu mới xuất hiện cho thấy những người thiếu sức đề kháng nên tiêm liều thứ ba nếu ​họ không đáp ứng miễn dịch đẩy đủ với liều vaccine ban đầu hoặc nếu cơ thể họ không còn sản sinh kháng thể.

“Các nhóm như vậy sẽ nằm trong trường hợp không phải hoãn tiêm mũi tăng cường”, ông Park nói.

Theo ông, WHO đang theo dõi cẩn thận tình hình và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhiều quốc gia để có dữ liệu cần thiết cho các khuyến nghị về chính sách.

WHO đánh giá cao cam kết tiêm chủng của Việt Nam

Trước diễn biến của dịch bệnh, Việt Nam đã tăng cường triển khai chiến dịch tiêm vaccine cho toàn dân.

Theo dữ liệu của Bộ Y tế, tính đến hết ngày 3/9, tổng số liều vaccine được tiêm là 20.542.325 liều. Đặc biệt trong ngày 9/8, tốc độ tiêm vaccine được đẩy nhanh với hơn 1,4 triệu người được tiêm chủng.

Trong cuộc họp cuối tháng 8, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết đến nay, Việt Nam đã nhận được khoảng 23 triệu liều vaccine từ cơ chế COVAX, hỗ trợ của các nước và các hợp đồng đã ký kết.

Dai dien WHO Viet Nam anh 4

WHO bàn giao lô vật tư y tế hỗ trợ Việt Nam chống dịch sáng ngày 28/8. Ảnh: WHO Việt Nam.

“WHO đánh giá cao cách chính phủ Việt Nam đã nỗ lực và mở rộng ảnh hưởng ngoại giao để tăng cường nguồn cung vaccine, nhằm bảo vệ và cứu sống người dẫn của mình”, tiến sĩ Kidong Park nói.

Theo ông, khi Việt Nam có nhiều vaccine hơn, điều quan trọng là chính phủ phải cung cấp vaccine một cách có chiến lược cho những người cần nhất, dựa trên các ưu tiên.

“Điều này có nghĩa là phải bảo vệ nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh nền và đối tượng có nguy cơ cao nhất mắc bệnh nặng hoặc tử vong”, trưởng đại diện WHO nhấn mạnh.

"Thông qua cơ chế COVAX, WHO sẽ tiếp tục giúp tăng cường nguồn cung vaccine và hỗ trợ năng lực sản xuất tại địa phương", ông cho biết thêm.

Điểm nhấn hợp tác đẩy lùi Covid-19 trong quan hệ Việt - Mỹ

Khi các lãnh đạo Việt Nam tiếp phó tổng thống Mỹ, hai bên nhất trí rằng hợp tác y tế và ứng phó chống dịch là nội dung mới trong hợp tác song phương, và cần được phát huy hơn.

WHO bàn giao lô vật tư y tế hỗ trợ Việt Nam chống dịch

WHO đã trao cho Việt Nam lô vật tư y tế trị giá 413.451 USD, gồm 36.000 khẩu trang phẫu thuật, 70.000 khẩu trang hô hấp độ lọc cao và 50 bộ hệ thống thở oxy dòng mũi vào ngày 28/8.

Minh An

Bạn có thể quan tâm