Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao người Việt cúng Táo quân?

Có nhiều văn bản, nghiên cứu chỉ ra nguồn gốc, tục lệ, cùng các nghi thức cúng Táo quân vào 23 tháng chạp hàng năm.

Trong cuốn Việt Nam phong tục tập hợp các bài viết trên Đông Dương tạp chí (1915), Phan Kế Bính dành một dung lượng nhỏ nói về Tết Táo quân.

23 tháng Chạp là Tết Táo quân. Ta thường cho hôm ấy là ngày vua bếp lên chầu trời. Nguyên ở trong đạo Lão Tử có nói rằng: Ngày 23 tháng Chạp thì Táo quân lên chầu trời để tâu việc thiện ác của nhân gian.

Tet Tao quan co y nghia nhu the nao anh 1
Tranh vẽ Táo quân lên chầu trời để tâu việc nhân gian. 

Lại có sách nói rằng, ngày xưa có hai vợ chồng nghèo phải bỏ nhau. Người vợ về sau lấy được một người chồng giàu có. Một hôm cúng đốt mã ngoài sân, có một người vào ăn xin, người đàn bà trông thấy là người chồng cũ của mình, động lòng thương cảm, đem cơm gạo tiền bạc ra cho.

Người chồng mới sau biết chuyện, nghi cho vợ. Vợ xấu hổ đâm đầu vào đống lửa mà chết. Người chồng cũ cảm tình ân nghĩa, cũng đâm đầu vào lửa chết theo. Người chồng sau thương vợ, cũng nhảy vào nốt, thế là chết cháy cả ba. Thượng đế thương cho ba người cùng có nghĩa mới phong cho làm vua bếp.

Ta theo hai điển ấy, cho nên cứ đến ngày ấy, thì mua hai mũ ông một mũ bà để thờ và mua con cá chép để làm ngựa cho Táo quân lên chầu trời.

Giáo sư, nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên cho rằng, lễ cúng ông Táo về trời là khởi đầu cho việc chuẩn bị Tết. Ông viết trong cuốn Hội hè lễ Tết của người Việt: “Về thực tế, việc chuẩn bị cho Tết bắt đầu ngay hôm sau ngày cúng thần bếp, ngày 23 tháng Chạp”.

Hôm đó, Táo quân, thần trông coi đời sống của gia đình mà ngài che chở và giám sát, lên trời để tâu trình tỉ mỉ với Ngọc Hoàng về cách ăn ở của mọi người trong gia đình năm qua.

Nguyễn Văn Huyên cũng chỉ ra trong cuốn sách cách phân biệt thần bếp (Táo quân) với các vị thần khác: "Thần bếp - Táo quân - thường hay bị lẫn với thổ công hay thổ địa, là thần đất trong nhà, bản thân thần này là lệ thuộc của thần thành hoàng, tức thần đất của làng, và thần Xã tắc là vị thần vua, hiện thân của đất nước".

Đôi khi, ý thức dân gian tìm cách phân biệt những thần này nhưng sự phân biệt luôn rất mơ hồ. Dù sao khi người ta phân biệt được thần đó, thì thổ công được trình bày trên bàn thờ bằng một cặp vợ chồng, còn Táo quân là một bộ ba gồm một thần nữ có hai thần nam kèm bên.

Tuy nhiên, người ta thường công nhận rằng thổ công được gộp trong bộ ba đó, gồm thổ kỳ, thổ địa và thổ công, theo lời dạy của các nhà nho. Các vị này được tiêu biểu bằng ba hòn gạch xếp thành cái kiềng đun bếp: hòn thứ nhất tiêu biểu cho đất nói chung, hòn thứ hai là đất trong nhà, và hòn thứ ba là thần bếp. Bên cạnh việc thờ tổ tiên, những thần này chiếm trong đời sống gia đình một vị trí quan trọng.

Tet Tao quan co y nghia nhu the nao anh 2
Một mâm cỗ cúng Táo quân. Ảnh: Quỳnh Trang

Các thần bếp này lên trời vào ngày 23 tháng Chạp. Mọi người tìm cách lấy lòng các vị đó bằng cách cúng một bữa cỗ lớn. Người ta đốt cho các thần những chiếc mũ tuyệt đẹp trang điểm hoa sặc sỡ, nhiều thoi vàng và bạc bằng hàng mã.

Người ta thả xuống con sông gần nhất những con cá chép dùng làm ngựa cho các thần đó cưỡi trên chặng đường mây dài từ đất lên trời. Chuyến đi lên trời này được nhiều người quan tâm. Bằng những đồ cúng hậu hĩnh và bằng lời cầu khấn, họ tìm cách làm vừa ý những vị thần mang sớ tâu trình hàng năm về các hành động tốt và xấu của người trần.

Cuộc khởi hành của các vị thần bếp phát tín hiệu cho mọi người chuẩn bị Tết. Sau đó, nhà nhà, người người nô nức mua bán. Ai cũng muốn tranh thủ thanh toán hết mọi khoản nợ. Họ cũng thường mua sắm dư thừa đồ ăn, vật dụng, vật trưng bày. Đây cũng là dịp để người ta biếu xén nhau những món quà, tặng nhau để tỏ lòng thành kính, ban ơn, đối đãi để cùng ăn Tết vui vẻ.

Những nghi lễ ma thuật trong Tết Đoan ngọ xưa

Người ta ăn nhiều loại thức ăn đặc trưng, đeo bùa, làm lễ phép ma thuật lạ lùng… với mong muốn phòng ngừa bệnh tật, xua tan tà ma.



Tần Tần

Bạn có thể quan tâm