Cuốn Người xưa cảnh tỉnh (Vương Trí Nhàn sưu tầm và biên soạn, Trần Văn Chánh tổng thuật và luận giải) trình bày một cách hệ thống thói hư tật xấu của người Việt trong con mắt các nhà trí thức nửa đầu thế kỷ XX. Được sự đồng ý của NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách.
Người Việt khôn vặt, ích kỷ
Về khuyết điểm này, Lương Đức Thiệp chỉ ra trong Việt Nam tiến hóa sử (1944): Về tính chất tinh thần thì người Việt Nam phần nhiều là thông minh, song những người có trí tuệ lỗi lạc thì xưa nay vẫn hiếm. Nhiều khi trí thông minh không có chỗ dùng thuận tiện thường lại biến ra não tinh vặt.
Sách Người xưa cảnh tỉnh. |
Trí nhớ của người Việt Nam rất nẩy nở, đến não tưởng tượng thì hoàn toàn bị não thực tiễn làm tê liệt. Não thực tiễn này mở nguồn cho nhiều đức tính khác, cho nên người Việt Nam hiếu học không phải vì khát hiểu biết mà chỉ vì mong một địa vị ưu thắng trong xã hội. Học đối với người Việt không phải để thỏa mãn một khát khao trí tuệ, mà chính là để làm kế mưu sinh.
Học giả Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng người tài nước ta không thiếu, nhưng toàn mải chuyện đâu đâu. Ông trình bày quan điểm đó trong bài Chỉnh đốn lại cách cai trị dân xã, Đông Dương Tạp Chí (1914): Người nước ta bao nhiêu kẻ có học thức, có khoa mục, có tài cán. Người thì ganh đua khoa bảng, kẻ thì luồn cúi cửa công hầu; người thì lo việc doanh sinh, kẻ thì chực tung hoành sơn thủy.
Có tài có trí không ai ngồi lo tới việc làng. Có tưởng đến chẳng qua là lúc về nhà quê muốn nhân cái thế mình mà ăn trên ngồi trốc, mà người dạ kẻ vâng, cho nó mát mặt mấy thím đàn bà vô tri vô giác mà thôi, chớ ít người biết lấy cái tài lực quyền thế mình ra mà chỉnh đốn việc dân xã.
Tính ích kỷ và khôn vặt được Nguyễn Đỗ Mục chỉ ra trên Đông Dương Tạp Chí (1914): Cái tật ích kỷ vốn là một thứ hay lây. Trông thấy những vườn hoa cây cảnh ở sân nhà trường hay ở nơi đền chùa, hoặc cạnh đường đi lối lại, đã không biết giữ gìn để làm một cái cảnh vườn chung thì chớ, nhiều người lại còn dang tay bẻ tàn bẻ hại, để đem về nhà mà chơi thích chí lấy một mình. Cái chứng ích kỷ đã mọc ra, đến lúc lớn lên thành ra một người đi đến đâu phá hủy đến đấy.
Cũng vì lẽ đó mà dân An Nam không mấy khi có được cảnh vui chung, ai có muốn chơi cảnh thì lại phải xây một vài cái bể cạn hay là bẩy mươi lăm cái chậu con để làm một khu vui riêng mà không chung chạ với ai cả. Dần dần nảy ra một cái tư tưởng đáng cười, đáng khinh, đáng ghét, đáng sợ là hai chữ ích kỷ, mà một câu “ăn cỗ đi trước lội nước đi sau” đủ vẽ hết được ruột gan.
Mê tín dị đoan, cốt để trục lợi
Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng người Việt tín ngưỡng lung tung, vớ được sách nào theo sách ấy.
Ông viết trong bài Hương Sơn hành trình, Đông Dương Tạp Chí (1914): Có kẻ sáng ngày ra vào phủ thờ bà cô, ông mãnh nào, chiều lại vào làm tôi con ông Trần Hưng Đạo là thần hay trị những tà ma, những ông hoàng bà chúa. Đến sáng hôm sau cũng người ấy có thể chay lòng thực dạ mà nghe giảng những lời đạo đức của ông Khổng, ông này không có dạy phải tin thờ ông thần ông thánh nào cả; hoặc là đi lễ Phật là một đạo trái hẳn với mọi ma thiêng thần dữ.
Nói rút lại, thì người An Nam ta tin bậy hình như theo lý tưởng này: Dẫu không có mà tin cũng chẳng hề chi, ngộ có mà không tin, có lẽ hại đến mình. Cho nên cứ tin liều đi.
Người ta theo lý tưởng ấy cho nên sinh ra những đạo không có tôn chỉ, quy tắc lễ pháp ở trong tay mấy anh sư mô, thầy cúng, ngày nay làm theo sách này, ngày mai bịa ra sách khác, có ngược nhau cũng chẳng ai bảo sao. Mà người tin, người tộc trưởng, người làm lễ tang lễ hỷ, cũng cứ tùy tiện mà theo, vớ được sách nào theo sách ấy, tùy cách lịch sự tùy gia tư mà theo lễ này hay lễ kia, chớ không theo tôn chỉ nào cả.
Còn như sự đi chùa Hương và các chùa chiền khác, nhiều người cho như một cái tật của các cụ già và của người đàn bà. Cũng có kẻ bảo là việc hay, cũng có người cho là việc dở. Hay là vì các bà các cô đi lễ bái như thế nó cũng thêm được cái dáng đạo đức, cái nếp nhà ra một chút. Dở là vì các bà ganh nhau tốn kém và mấy ông sư ông vả lại cũng chưa quên hẳn sự đời .
Cho đến nay, nhiều người vẫn cầu cúng với niềm tin sẽ thành công. Ảnh: Tiến Tuấn |
Theo nhà văn Ngô Tất Tố, người Việt mê tín cốt để cầu lợi, ông viết trong bài Họ lại kiếm ăn vào nắm xương khô, Thời Vụ (1938).
Dân quê rất tin phong thủy. Tín ngưỡng quỷ thần, phụng sự tổ tiên đều có hàm một tính cách ỷ lại vào sức màu nhiệm vô hình của khoa phong thủy mà cầu lợi. Họ yên trí rằng cái số phận dân làng may rủi hay hèn đều theo hướng đình, con cháu cường thịnh hay suy vong đều trông vào ngôi mộ tổ.
Chỗ đình chùa trong dân thôn còn bị chi nọ chi kia ràng buộc, không mỗi chốc di đi dịch lại được, chớ như trong một nhà thì nắm xương kẻ chết bị họ đào lên chôn xuống luôn luôn, hòng nhờ sự kết phát để cầu đinh tài, quyền chức. Bảo họ dùng nắm xương cha mẹ làm mồi cầu phú quý, thực không oan.