Trong cuốn Hội hè lễ Tết của người Việt, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên đánh giá Tết Đoan ngọ là “lễ kỳ lạ nhất trong lịch sử người Việt”.
Diễn ra ngay đúng giữa mùa kinh khủng nhất trong xứ này, nó được cử hành vì sự đe dọa thường xuyên của bệnh tật, chết chóc. Để làm nguôi giận các thần trên trời, người ta tiến hành nhiều nghi lễ trong suốt cuối mùa xuân tới đầu mùa hạ, đỉnh điểm là nhiều nghi lễ thực hiện trong Tết Đoan ngọ.
Sách Hội hè lễ Tết của người Việt do NXB Thế Giới và Nhã Nam phát hành. |
Những nghi lễ này được miêu tả chi tiết trong cuốn sách của Giáo sư, Tiến sĩ, nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Văn Huyên.
Người xưa quan niệm Đoan ngọ là thời khắc tốt nhất, nên những việc làm trong ngày 5/5 âm lịch, nhất là trong thời khắc chính ngọ (11 đến 13h) đều có hiệu quả tốt.
Vào ngày đó, mọi người tắm bằng nước đun rễ cây thơm, hoặc hoa nhài để xua tà khí. Phụ nữ gội đầu để mong có mái tóc đẹp. Sách vở, đồ đạc được phơi ra để trong năm không bị mốc.
Thậm chí nếu trời mưa đúng giờ ngọ, thì lấy một khúc ống tre hứng nước mưa, coi nước đó có tác dụng thần diệu, có thể chữa bệnh đau mắt, đau bụng.
Nhiều người cho rằng cây cối trong tiết Đoan ngọ có khả năng phòng bệnh, chữa bệnh. Buổi trưa, họ đi hái những loại lá cỏ đem phơi khô, gọi là “lá mồng năm” và giữ gìn cẩn thận, khi nào ốm mới mang lá đó ra đun nước uống.
Đeo bùa cho trẻ em để trừ tà mà trong Tết Đoan ngọ. Tranh vẽ minh họa trên báo năm 1942. |
Để xua đuổi tà ma, người ta lấy lá ngải tết hình con giáp của năm và treo vào cửa nhà, với niềm tin mùi hắc của lá ngải sẽ góp phần giúp con giáp trong năm đó có thêm sức mạnh, để che chở cho dân chúng bị mọi thứ khí độc, mùi xông gây bệnh tật.
Bên cạnh đó, còn nhiều tập tục khác để trừ tà ma, như nhuộm các ngón tay (trừ ngón trỏ), nhuộm móng chân cái bằng lá móng. Màu đỏ của thứ lá đó nhuộm lên tay chân, tạo ra sức mạnh xua tà.
Người phụ nữ sẽ thắt chặt bụng bằng “dây vôi”, sau một thời gian, họ sẽ cởi dây ra, buộc vào cột nhà và nói: “Bệnh làm thân tôi đau quặn hãy nhập vào cây cột này”. Mọi người hy vọng bằng cách đó sẽ tránh các cơn đau lưng, đau bụng, là những bệnh đàn bà thôn quê hay mắc phải, vì họ không có điều kiện nghỉ ngơi lâu sau sinh.
Để mắt được trong, nhìn rõ hơn, không bị đau, giữa giờ ngọ, mọi người sẽ ngoảnh về phía mặt trời chói chang, nhỏ vào mắt ba giọt nước mưa hòa mấy hạt muối.
Nhỏ nước muối vào mắt đúng giờ ngọ để mắt được sáng. |
Trẻ con được đeo vào cổ những chiếc bùa làm bằng chỉ ngũ sắc. Bùa túi là những chiếc túi nhỏ đựng bột nhang hay bột thần sa, chanh, hạt lựu, cà, phật thủ. Bùa còn được bỏ vào đồng tiền nhuộm đỏ, một chiếc khánh bằng kim loại tráng thiếc. Người ta tin rằng những chiếc bùa sẽ tránh cho trẻ con không bị tà ma.
Để con được khỏe mạnh, các bà mẹ còn mang những chiếc áo của con tới đền, nhờ đóng vào đó dấu đỏ của các vị thần hùng mạnh. Chiếc áo cũng được coi như một thứ bùa trừ tà.
Theo quan niệm của người xưa, cách tốt hơn cả để tự bảo vệ mình là đàn ông, đàn bà, trẻ con đều uống thứ nước “hùng hoàng” sau khi vừa thức dậy vào ngày 5/5 âm lịch. Nước hung hoàng là một thứ FeO (sắt ô xít) trộn với sunfur asenic.
Người ta tán nhỏ những chất này, cho vào rượu trắng, pha thêm nước rồi cho mọi người trong nhà uống từ sáng sớm, mỗi người uống một chút nhỏ. Với trẻ con, người ta bôi nước lên trán, cổ, xoa vào thái dương, gáy, bụng. Nước “hùng hoàng” này giúp xua đuổi mọi tác hại làm tiêu chất độc trong cơ thể.
Sau khi uống “hùng hoàng”, người ta tiến hành “giết sâu bọ”. Sâu bọ ở đây là thứ sâu sống trong ruột. Muốn giết được, mọi người ăn những thứ hoa quả theo thời vụ mà mình gặp: đào, mận, dưa, xoài… Rượu nếp, kê cũng là những thức ăn có thể “giết sâu bọ”.
Ăn hoa quả, rượu nếp để "giết sâu bọ" là tục lệ còn lưu lại tới ngày nay. |
Người bán hàng thực phẩm trong ngày Đoan ngọ, để giết sâu bọ, họ treo vào các gánh hàng gói ớt bột, hoặc nhành xương rồng, hoặc bó lá dứa để trừ tà ma.
Về những nghi lễ của người Việt trong Tết Đoan ngọ, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên đánh giá, đây là những biện pháp lạ lùng: “Những biện pháp lạ lùng và những thực hành ma thuật chẳng hiểu kế thừa từ đâu, nhưng cũng đều khó cắt nghĩa”.
Nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên phỏng đoán những nghi lễ này được lấy trong kho tàng dân gian xa xưa nhất của địa phương hoặc chúng có quan hệ ít nhiều với các tín ngưỡng liên quan đến sự trường thọ mà các đạo sĩ của Lão giáo truyền bá.
Ông kết luận: “Đoan ngọ có tầm quan trọng hàng đầu trong tôn giáo dân gian nước Việt Nam, và việc phân tích nó là cực kỳ bổ ích cho việc nghiên cứu tất cả thực hành ma thuật ít nhiều bắt nguồn từ đạo Lão”.