Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao người Hải Phòng hay bị gán mác ‘giang hồ đất cảng'?

Trong sách “Ký ức được đánh số”, tác giả Mỹ Trang nhắc về tuổi thơ của cô lớn lên cùng những người bạn ở Hải Phòng, nơi những người ưa hành động, mạnh mẽ, ăn nói có phần bỗ bã.

Buổi giao lưu ra mắt sách Ký ức được đánh số của tác giả Mỹ Trang (Sún) diễn ra hôm 19/12 tại Hà Nội. Tại chương trình, tác giả trò chuyện cùng nhà nghiên cứu Trần Quang Đức (một người bạn cùng lớn lên ở Hải Phòng) và bạn bè, độc giả về chủ đề cuốn sách, tính cách người Hải Phòng, và công việc viết sách, biên kịch phim. Zing.vn ghi lại cuộc trò chuyện ấy.

Người Hải Phòng thích hành động hơn là ngồi lý luận

- Tại sao cuốn sách của Mỹ Trang lại đề thể loại là “nhật ký hư cấu”?

- Thật ra, ban đầu tôi định viết tiểu thuyết, nhưng khi cấu trúc lại, tác phẩm có chương hồi, với 22 nhân vật chính, tôi đặt thể loại nhật ký hư cấu. Đây là những câu chuyện có thật, nhưng nhân vật thì hư cấu. Nếu ai đó đọc sách thấy nhân vật giống mình thì cũng không phải tôi viết về cụ thể ai đâu, mà tôi trích tính cách, nhào nặn nhân vật mà thành.

Mỗi nhân vật trong sách có sức sống nội tại. Có quá trình trưởng thành, có hạnh phúc riêng.

Cuốn sách là ký ức của tôi về quá trình trưởng thành. Ở đó có những người bạn “giang hồ đất cảng” học rất giỏi, nhưng sẵn sàng mang đồ xủng xoảng trong cặp, balo, đánh nhau sau giờ học. Nó tiêu biểu cho tuổi trẻ Hải Phòng, một thế hệ 8X.

Ky uc tuoi tho cua the he 8X Hai Phong anh 1
Bìa sách Ký ức được đánh số.

- Tên sách đặt đầy đủ là: “Ký ức được đánh số - chọn cách nào để trưởng thành”. Quan niệm của Mỹ Trang về cách trưởng thành là gì?

- Mẹ tôi là người đến giờ vẫn phải chăm sóc tôi. Bằng tuổi tôi nhiều người đã là cha mẹ và mong con trưởng thành. Nhưng thế nào là trưởng thành? Không ai ở độ tuổi nào đó tự khẳng định mình đã trưởng thành. Trưởng thành là một quá trình, không phải một đánh giá, đích đến.

Ký ức được đánh số là những chương hồi mà người ta đối diện với những biến cố cuộc đời. Người ta đối diện như nào để thích nghi, vượt qua?

Khi ta chọn cách nào đó để trưởng thành, cũng là lúc ta đánh mất sự ngây thơ của mình; bởi lựa chọn là mất mát. “Mình nên giữ lại điều gì tốt đẹp?” luôn là câu hỏi lớn của bất cứ cuộc đời nào. Đó là điều tôi luôn ấp ủ khi viết cuốn sách này.

- Vậy tác giả chọn cách trải nghiệm nào để trưởng thành?

 -Nhân vật trong sách này là hư cấu, người dẫn chuyện là Đan. Đan tốt hơn tôi rất nhiều, là hội tụ của nhiều người bạn của tôi: Hiền (một bạn gái phố cổ hiền lành, nhân hậu), Yến (kiên cường), sự hồn nhiên của Quỳnh Anh…

Đan không phải là tôi, nhưng cô ấy tiêu biểu cho thế hệ 8X. Đan là nhân vật có nhiều ưu điểm, nhưng vẫn có nhiều điểm đáng xấu hổ: ghen tị với bạn thân, bí bách với gia đình (gia đình không cho những điều cô ấy mong muốn), cô ấy gian dối...

Khi chưa có nhiều kinh nghiệm, ban đầu, người ta chạy trốn, khước từ, xấu hổ với những sai lầm. Nhưng trưởng thành hơn là người ta quay lại, nhìn thấy lỗi lầm, sai trái của mình. Trưởng thành hơn nữa, người ta dọn dẹp lỗi lầm, xin lỗi người mà ta gây ra lỗi. Đôi khi ta cũng không còn duyên để sửa lỗi nữa, nhưng phải làm sao để ta được thanh thản.

Trưởng thành là làm lành với quá khứ.

- Tất cả nhân vật trong sách đều là người Hải Phòng?

- Sách có 24 chương, với 22 nhân vật. Giai đoạn đầu, nhân vật là người Hải Phòng. Sau này Đan gặp nhiều người bạn mới, không gian rộng hơn, người Sài Gòn, người Hà Nội, người Đài Loan, Trung Quốc…

Nhưng dần dần, địa danh không còn quan trọng, những nhân vật dường như đều mang tinh thần Hải Phòng.

- Vậy tinh thần Hải Phòng là gì?

- Trong sách có những nhân vật không xuất phát từ Hải Phòng, nhưng vẫn có những tính cách Hải Phòng: rất “gấu”. Tại sao dân Hải Phòng lại được cho là “gấu mèo” như thế?

Ví dụ, trong trường phổ thông có những câu chuyện bắt nạt nhau. Tôi còn nhớ rất rõ một cậu bạn ỷ thế bố mẹ bắt nạt các bạn trong lớp. Một bạn khác đã đứng lên, chửi bậy, và bảo “để tao xử lý, chờ công lý đến lâu lắm”. Nếu nhìn theo cách thông thường, có thể bạn ấy là thô thiển, ăn nói bỗ bã, nhưng đó là người luôn chính trực, ở bên cạnh bạn khi bạn cần. Họ không phán xét bạn, mà luôn bảo vệ bạn.

Hồi học cấp 2, chuyện như cơm bữa xảy ra ở trường là, cứ 11h tan học, đi ra cổng trường sẽ thấy một đội “gấu mèo” chờ ở cổng trường. Thường chỉ xích mích nhau một tí là người liên quan sẽ kéo cả đội đến đánh. Có lẽ vì thế, nên ai đó nói người Hải Phòng thích đấm nhau hơn thích ngồi tranh luận.

Người Hải Phòng cũng như nhiều nơi khác, có nhiều điều không đẹp. Nhưng cái hay là ở họ có sự thích nghi, thay đổi, cần thì sẽ thay đổi.

Viết sách là để cảm ơn những điều tốt đẹp

- Thông thường, trước khi biên kịch, người ta viết văn trước, sau đó mới chuyển thể thành phim. Vì sao Trang lại làm việc ngược lại, viết kịch bản phim rồi mới viết sách văn học?

- Làm biên kịch nhiều tiền hơn viết văn thật, nhưng áp lực công việc nhiều hơn. Đến nay, tôi cũng có những mối quan hệ khiến nghề biên kịch kiếm được nhiều hơn. Biên kịch là làm theo đặt hàng, làm tốt nhất công việc được yêu cầu. Nhưng để trải lòng, trả ơn cuộc đời thì biên kịch rất khó. Biên kịch là viết để trả người đặt hàng.

Còn viết sách là để cảm ơn cuộc sống, cảm ơn những điều tốt đẹp, những con người đã gắn bó.

Có những giai đoạn, tôi từng nghĩ bỏ cuộc không làm luận văn tốt nghiệp, nhưng thầy giáo đã động viên tôi. Rất nhiều năm qua, tôi không gặp thầy cô, nhưng tôi vẫn ghi nhận ơn huệ của thầy cô. Tôi chọn cách ghi lại những việc làm tốt đó.

Viết văn không có tiền, nhưng mình được trả ơn những điều tử tế.

Ky uc tuoi tho cua the he 8X Hai Phong anh 2
Tác giả Mỹ Trang là biên kịch một số bộ phim truyền hình, điện ảnh.

- Cùng sử dụng chất liệu ngôn ngữ để chuyển tải, vậy viết kịch bản và viết tiểu thuyết khác nhau như thế nào?

- Hai công việc sáng tạo đó rất khác nhau. Kịch bản tối giản mọi cảm xúc, tập trung vào hành động nhân vật. Nhưng văn chương lại tiết chế hành động mà tập trung vào cảm xúc. Kịch bản thì không thể viết “Cô ấy cảm thấy tan nát”. Nhưng sách thì có thể viết nhiều cảm xúc mông lung hơn thế.

Tôi áp dụng kỹ thuật viết kịch bản khi viết Ký ức được đánh số trong việc xây dựng tính cách nhân vật. Với tôi, nhân vật đó phải sống động như trong phim (người đó ăn như thế nào, thở như thế nào, chơi với bạn như thế nào…). Về mặt văn chương, tôi cảm ơn biên tập viên của sách vì chị đã rất nghiêm cẩn với từng câu chữ.

Ở trong cuốn sách này, tôi đã áp dụng việc xây dựng nhân vật sống động và cảm xúc. Còn hiệu quả hay không thì phải do độc giả đánh giá.

Về góc độ thu nhập, viết sách ở Việt  Nam không kiếm được tiền đâu. Nhưng tôi đã làm việc gì thì làm hết mình.

- Là biên kịch cho nhiều bộ phim, Mỹ Trang có công thức nào cho một kịch bản hay hay không?

- Với góc độ người xem, một kịch bản thành công là nhân vật sống động, có mục tiêu, có trưởng thành. Từ điểm mở đầu phim đến cái kết có quá trình trưởng thành. Nếu một nhân vật trong phim mà có được hạnh phúc do người khác mang tới, không có sự vận động, thì với tôi đó là sự thất bại

Tác giả Nguyễn Thị Mỹ Trang (SÚN) là đồng tác giả, biên tập kịch bản phim truyền hình dài tập: Bà nội không ăn pizza, Lời thú nhận của Eva, Mùa Tinh Khôi, Thiên sứ lông bông, Làm bố thật tuyệt. Đồng tác giả kịch bản phim điện ảnh 12 chòm sao... Đồng tác giả kịch bản webdrama Tỉnh giấc tôi thấy mình trong ai, Đôi bạn trời ban.

Mỹ Trang từng công tác tại một số tạp chí, là cộng tác viên mảng phim ảnh cho nhiều tờ báo trong nước.



Tần Tần

Bạn có thể quan tâm