Rừng Đêm là cuốn tiểu thuyết viết cho thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Quỳnh, đã từng nhận được Giải B văn học thiếu nhi của Hội nhà văn Việt Nam.
Bối cảnh câu chuyện diễn ra ở một làng quê miền trung du, bao quanh là rừng. Những người dân ở đây dựa vào rừng mà sống, đồng thời cũng phải đấu tranh với những hiểm nguy từ rừng.
Tiểu thuyết thiếu nhi Rừng Đêm của nhà văn Nguyễn Quỳnh, bản in năm 2018. |
Ở ngôi làng đó, những chuyện về lũ lí trưởng tham lam, độc ác; chuyện đám trẻ con tinh nghịch, liều lĩnh dám trêu chọc tên Lí Chuột thâm độc; những câu chuyện rừng thiêng nước độc pha chút huyền hoặc, những câu chuyện đêm trước Cách mạng… được khắc họa rõ nét, hấp dẫn, đẹp đẽ.
Tình bạn thân thiết giữa những cậu bé chăn trâu như Cảnh, Khôi được khắc họa bằng những chi tiết tinh tế cảm động. Khoảnh khắc khi Cảnh đổi bộ quần áo lành của mình cho Khôi, khi gia đình Khôi phải tha hương nơi khác vì đói nghèo có lẽ sẽ khiến bất kỳ độc giả nào cũng phải rơi nước mắt. Không chỉ cái nghèo được biểu đạt sắc nét, mà ở đó, tình cảm chân tình của những đứa trẻ đã để lại dư âm sâu sắc.
Khôi ra đi rồi lần lượt bố mẹ Cảnh cũng mất bởi cái nghèo. Lúc ấy, Cảnh trở thành đứa trẻ mồ côi phải đi ở đợ nhà Chánh Cẩm, từ làm việc nhà đến chăn trâu, lại có nhiều khi phải đi làm gỗ tận sâu trong rừng.
Trong quãng thời gian ở đợ ấy, Rừng Đêm đã trở thành người bạn thân thiết nhất của Cảnh. Cậu bé cùng Rừng Đêm trải qua bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Tác giả đã tạo nên những trang viết tuyệt đẹp về rừng sâu, trong những đêm trăng sáng mờ tỏ, cảnh sắc vừa quyến rũ vừa bí ẩn. Nơi ấy có biết bao nhiêu loài vật đang sinh sống, biết bao nhiêu trận đấu sinh tồn thường xảy ra, nhưng nơi rừng sâu hoang dã ấy cũng là nơi nương náu, bảo vệ, khiến cậu bé Cảnh cảm thấy được che chở.
Kỷ niệm sâu sắc nhất khiến cuộc đời cậu bé Cảnh bước sang một trang mới chính là do thói tham lam, độc ác, ích kỷ của lão Chánh Cẩm. Khi lão bắt cậu bé và Rừng Đêm leo lên ngọn núi Chà Chõng để kéo gỗ.
Đường dốc quá hiểm trở, tấm gỗ lim khiến Rừng Đêm mệt mỏi, nặng nề, mấy lần trượt dốc, suýt chết. Chứng kiến cảnh đau đớn, mệt mỏi của Rừng Đêm, Cảnh lập tức “vung rựa chặt phăng dây chão và hất tung chiếc đòn seo”, để cây gỗ lao xuống vực.
Cảnh thường ngày là cậu bé nhạy cảm, yếu đuối, hay sợ hãi, nhưng khi chứng kiến người bạn duy nhất của mình gặp nguy hiểm, cậu đã quên hết những trận đòn roi chuẩn bị giáng xuống mình nếu cậu và Rừng Đêm tay trắng quay trở về nhà Chánh Cẩm.
Đêm ấy, khi Chánh Cẩm lên cơn tham lam độc ác, bắt cậu và Rừng Đêm quay lại rừng lấy cây gỗ, giữa đêm khuya hun hút, Cảnh đã đưa ra quyết định quan trọng. Cậu đã thả Rừng Đêm về rừng, để Rừng Đêm tìm kiếm những người bạn Trâu Rừng của mình, để được tự do giữa thiên nhiên hoang dã. Và cậu, cậu cũng chấm dứt cuộc đời tôi tớ của mình, đi tìm kiếm và bắt gặp ánh sáng của cách mạng, đã khiến cuộc đời cậu thay đổi.
Những buổi chăn trâu là điều đẹp đẽ trong ký ức tuổi thơ của rất nhiều người Việt Nam. |
Truyện Rừng Đêm Nguyễn Quỳnh viết cho thiếu nhi, bối cảnh câu chuyện cách đây gần tám mươi năm đã để lại rất nhiều dư âm cho độc giả hôm nay.
Những đứa trẻ trong Rừng Đêm của thuở ấy hàng ngày phải chống chọi với nghèo đói, áp bức, bom đạn, không có nhiều nét hồn nhiên, vô tư nhưng lại luôn mang trong mình những tình cảm chân thành, ấm áp, những tình cảm có thể cảm động được những loài vật như trâu rừng, hay Tà Ri.
Những đứa trẻ thuở ấy không có “thú cưng”, nhưng chúng tạo dựng nên mối quan hệ sâu sắc đối với những con trâu, là con vật thân cận, hữu ích nhất của nhà nông. Dưới con mắt của Cảnh, trâu không chỉ là con vật để kéo cày, kéo gỗ, hay giết thịt, chúng là những người bạn, và chúng có xúc cảm, để thấu hiểu.
Dưới những trang viết tinh tế, tình cảm của Nguyễn Quỳnh, Rừng Đêm, Trâu Min hay Trâu Rừng, đều hiện lên sống động, với những tình cảm liên kết chặt chẽ với con người, biểu đạt đầy đủ xúc cảm và thấu hiểu.
Rừng Đêm hôm nay vẫn là cuốn sách sẽ khiến những đứa trẻ bật khóc, và những người lớn ngậm ngùi cay mắt, bởi những cảm động đẹp đẽ. Giữa đời sống khốn khó ấy, tác giả không đi sâu vào những cay cực để vẽ nên bức tranh buồn bã, mà từ những cay cực ấy, dùng sắc màu của thiên nhiên xanh ngát, của tình cảm ấm cúng để lưu dấu những đẹp đẽ, nhân hậu và niềm hi vọng.