Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TS Lê Thẩm Dương: 'Tôi vẫn nghẹt tim vì Việt Nam vô địch AFF Cup'

Theo TS Lê Thẩm Dương, chiến thắng của đội tuyển Việt Nam thuyết phục về lý trí, nhìn vào đó có thể rút ra nhiều bài học trong cuộc sống.

Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công là một cuốn sách best-seller của TS Lê Thẩm Dương. Qua ba năm phát hành, cuốn sách được làm mới ba lần, lần nào cũng được yêu thích hơn lần trước. Ở lần tái bản mới nhất, sách được bổ sung thêm khoảng 1/3 dung lượng, trong đó, TS Lê Thẩm Dương có bàn về triết lý bóng đá trong công việc và cuộc sống.

TS Le Tham Duong noi ve triet ly bong da anh 1
Từ trái qua: TS Lê Thẩm Dương,  MC Vân Hugo, nhà báo Tuấn Anh trong buổi ra mắt phiên bản đặc biệt sách Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công

Vì thế, trong buổi ra mắt sách Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công ấn bản đặc biệt vào chiều 18/12 tại Hà Nội, TS Lê Thẩm Dương đã chia sẻ cảm xúc về chiến thắng của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup vừa qua.

Về mặt cảm xúc, TS Lê Thẩm Dương nói: “Ấn tượng của tôi y như dòng chảy chung của dân tộc”. Ông phân tích, chức vô địch bóng đá là chỉ tiêu tăng trưởng cho hạ tầng, phản ánh ngược lại một cách biện chứng: Mình phải có cái gì thì mới có thể vô địch.

Theo TS Lê Thẩm Dương, bóng đá cũng như quản lý nhà nước, đã đánh là phải thắng, không thắng không đánh, trong đó phải có 3/4 thời gian, công sức dành cho chuẩn bị.

Chiến thắng này cho thấy sức mạnh nằm ở đoàn kết. “Sức mạnh ở bên trong đi ra. Kiểm soát bên ngoài vào lạc hậu lắm rồi. Khi toàn dân tộc, toàn đội bóng cùng nhất trí thì không kẻ thù nào thắng được”, TS Lê Thẩm Dương nói.

Ở góc độ gia đình, tác giả sách ví chơi bóng cũng như đời sống gia đình: ta có thể thấy hậu vệ và thủ môn chính là vợ và hai người con, sống đẹp với người khác chính là hàng tiền vệ. Ta phải học giỏi, đầy tài năng thì mới sút vào lưới đối phương được, không thì sẽ sút lên trời.

“Tôi nhìn người nào đó, một gia đình nào đó, tôi thấy tiền vệ rất tốt bạn bè ăn nhậu suốt ngày tuyệt vời, nhưng vợ con tệ thì thôi hỏng rồi. Vợ con tuyệt vời rồi, mà chơi với hàng xóm không được, hàng tiền đạo không bén thì cũng không thành công”, vị diễn giả nói.

Trong quản trị doanh nghiệp, ta thường phải chọn giữa lợi nhuận và rủi ro. Nhìn theo bóng đá có thể thấy hàng thủ là để chặn rủi ro, hàng công là kiếm lợi nhuận, hàng tiền vệ là kiếm lợi nhuận mãi mãi.

Kết quả, thành tựu cuối cùng bên cạnh tài năng còn có yếu tố đam mê nữa. Cầu thủ phải có đam mê, rèn luyện có mục đích, tất cả chỉ cho mục đích chiến thắng. Nhưng linh hồn của một đội bóng là chúng ta có một nhà huấn luyện. TS Lê Thẩm Dương đánh giá: “Park Hang-seo là một nhà huấn luyện chứ không chỉ là một nhà dạy bóng đá. Văn Đức là do giám đốc kỹ thuật tuyển, nhưng sử dụng Văn Đức là do Park Hang-seo”.

Khi thổi được động lực đam mê, mục đích chiến thắng, tinh thần đoàn kết, sức mạnh nội lực, thì không có kẻ thù nào thắng được. “Vì thế, cái thắng của tuyển Việt Nam lần này mang tính tất yếu, chứ không phải may rủi của chức vô địch 2008. Cái thắng này có đầy đủ tiềm năng cho giải đấu sắp tới. Về lý trí, đây là cái thắng hoàn toàn thuyết phục”, TS Lê Thẩm Dương đánh giá.

TS Le Tham Duong noi ve triet ly bong da anh 2
Chiến thắng của tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018 khiến hàng triệu người trắng đêm.

Còn về mặt tình cảm, tác giả sách nói chức vô địch này “đè tứ phía con tim tôi”: Bên này là vô địch, bên này là tự hào, bên này chính là sự háo thắng, bên này là sự sung sướng… tất cả đè nghẹt con tim.

“Chiến thắng thuyết phục về mặt lý trí, mang lại nhiều cảm xúc khiến cả dân tộc đã trắng đêm luôn. Tại thời điểm này tôi vẫn xúc động, tự hào Việt Nam”, TS Lê Thẩm Dương nói.

Theo ông, HLV Park Hang-seo đã khích lệ đội bóng vượt ngưỡng. Tương tự, dân tộc, hay bất cứ cá nhân nào cũng có thể vượt ngưỡng trong các lĩnh vực. Tác giả Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công nói: “Qua chiến thắng này, chúng ta thấy được sự đoàn kết quan trọng như thế nào, cái bên trong quan trọng như thế nào. Từ trong bóng đá có thể nhìn ra nhiều điều. Nó không phải một trận thể thao, không phải trò chơi, mà ở đây là một thứ triết lý, một góc độ khoa học. Quả bóng tròn quá hay” .




Tần Tần

Bạn có thể quan tâm