Ảnh trong phim The pale blue eye. |
Gần đây, Netflix đã phát hành bộ phim bí ẩn kinh dị The Pale Blue Eye với nhân vật tên Edgar Allan Poe, lấy cảm hứng từ nhà văn Edgar Allan Poe, là một học viên tại học viện Quân sự Mỹ. Bên cạnh đó, trong năm 2023, Netflix cũng có dự định ra mắt một bộ phim truyền hình ngắn tập dựa trên truyện ngắn Sự sụp đổ của dòng họ Usher của nhà văn Edgar Allan Poe.
Hình tượng yếu thế của Poe trên màn bạc
Edgar Allan Poe vẫn luôn là một trong những nhà văn nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Ông được nhiều người coi là nhân vật trung tâm của Chủ nghĩa lãng mạn ở Mỹ và của văn học Mỹ. Edgar Allan Poe còn được coi là người phát minh ra thể loại tiểu thuyết trinh thám, đồng thời là người có đóng góp đáng kể cho thể loại khoa học viễn tưởng mới nổi.
Bước sang thế kỷ 20, người ta vẫn xem đại văn hào như một kẻ yếu thế trong xã hội bất công. Một số vở kịch tiểu sử Poe đã mô tả ông như một nhân vật bất hạnh, nạn nhân của nền văn hóa và môi trường xuất bản thù địch, những tác phẩm của ông do đó chưa có được thành công thời điểm ấy.
Hình tượng này đã xuất hiện trên màn bạc vào đầu năm 1909 trong phim ngắn Edgar Allan Poe của D.W. Griffith. Để có tiền trang trải cho người vợ ốm yếu, nhà thơ đã phải đem bán bài thơ Con quạ. Bị từ chối, thậm chí bị coi thường, song cuối cùng, ông vẫn xoay xở bán được bản thảo và có tiền mua các thứ thiết yếu cho người bệnh, chỉ để khi trở về nhà, ông phát hiện vợ mình đã qua đời.
Những bộ phim sau này cũng khắc họa Poe là một nhà văn, nhà thơ bị đánh giá thấp và không được hiểu đúng ở thời của mình. Một bộ phim tiểu sử cực kỳ thiếu tính chính xác ra mắt vào năm 1942, The Loves of Edgar Allan Poe, đã kết thúc với giọng thuyết minh: “…công chúng không biết rằng bản thảo của bài thơ Con quạ, cuốn bản thảo nhà văn đã cố gắng để bán được với giá 25 đô, sau này đã được một tay sưu tầm rao bán với giá 17.000 USD”.
Thực tế, quả thực những bản phác thảo đầu tiên của Con quạ bị từ chối bởi một biên tập viên nhưng Poe đã không gặp khó khăn gì trong việc bán bài thơ, và nó thậm chí còn lập tức gây chấn động trong công chúng.
Dẫu sao, Con quạ cũng đã trở thành biểu tượng cho chính Poe, ẩn dụ về một tuyệt tác đầy bí ẩn và tăm tối mà những người cùng thời không hiểu được.
Trong bộ phim The Man with a Cloak (1951), nhân vật Dupin lấy cảm hứng từ Poe là một nhà văn không ai biết đến đồng thời là một thám tử nghiệp dư. Bộ phim kết thúc với hình ảnh người chủ quán rượu để nước mưa làm mờ đi nét mực trên tờ giấy ghi nợ của Dupin. Mặt trái của tờ giấy là bản thảo gốc bài thơ Annabel Lee, mà như người cầm nó đã cam đoan rằng: “Cái tên này sẽ chẳng bao giờ nổi danh. Cả trăm năm nữa cũng không”. Về điều này, hẳn những khán giả của bộ phim ở 100 năm sau sẽ biết rõ hơn.
Học viện Nevermore và nỗi đau buồn bất tận
Trong bộ phim The Pale Blue Eye, Harry Melling vào vai Edgar Allan Poe, một chàng trai lập dị nhưng có khả năng phá án siêu việt. Phiên bản thanh niên của Poe rõ ràng là một thay đổi mới mẻ, ông không còn được mô tả như một nghệ sĩ bị hành hạ hay một nhân vật ám ảnh, buồn bã. Dù vậy, Poe trong The Pale Blue Eye vẫn bị bắt nạt bởi các bạn đồng nghiệp và bị cấp trên coi thường. Ông vẫn được khắc họa như một kẻ yếu thế mà công chúng muốn cổ vũ.
Poe trong The Pale Blue Eye là một nhân vật hiện đại phù hợp với hình tượng đương đại của ông, một hình tượng tràn ngập trong các tập đầu của Wednesday, phần ngoại truyện của Addams Family lấy bối cảnh ở học viện Nevermore, nơi có rất nhiều ẩn dụ về Poe.
Cô hiệu trưởng của học viện Nevermore - một trường học phép thuật như Hogwarts nhưng dành cho những kẻ bị xã hội ruồng bỏ - đã nhắc đến Poe như là “học viên nổi tiếng nhất” của trường. Điều này giải thích tại sao giải đua thuyền thường niên của trường là Cup Poe và tại sao có một bức tượng của Poe canh gác lối đi bí mật.
Nhân vật chính Wednesday do Jenna Ortega thủ vai. |
Nhân vật chính Wednesday do Jenna Ortega thủ vai, là một người chống đối xã hội đầy thú vị, một kẻ bị ruồng bỏ trong số những kẻ bị ruồng bỏ - cô là hiện thân của Poe trong học viện mang cái tên gợi lên Poe.
Trong một phân đoạn, một giáo viên đã khuyến khích cô bé hãy giữ lấy “khả năng không để người khác định nghĩa mình. Đây là một tài năng thiên bẩm, một món quà”. Cô giáo cũng nói thêm: “Những cái cây thú vị nhất mọc trong bóng râm”.
Khi John Lennon hát “Chà, bạn phải nhìn họ đá Edgar Allan Poe” trong bài hát I Am the Walrus, anh ấy đã không cần giải thích ai đá Poe hay vì sao. Trọng điểm là, Poe xứng đáng với những điều tốt hơn; những cái cây thú vị nhất mọc trong bóng râm, xấu xí và thiếu thốn tình thương.
Đó chính xác là lí do rất nhiều người - những nhà văn và các nghệ sĩ được truyền cảm hứng, nhưng cũng đồng thời là những người bình thường khi cô đơn và không được ai thấu hiểu - đã tìm thấy bản thân mình trong hình ảnh mệt mỏi nhưng khôn ngoan của Poe.