Hà Nội vừa bất ngờ hủy kế hoạch cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận nội thành trở lại trường từ 21/2. Như vậy, sau hơn 10 tháng học online, 400.000 học sinh của thành phố vẫn chưa thể tham gia vào lộ trình mở cửa trường học trên cả nước.
Trao đổi với Zing, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết đơn vị đề xuất phương án hoãn kế hoạch cho học sinh tiểu học và lớp 6 ở nội thành đến trường do tình hình dịch bệnh phức tạp và thời tiết diễn biến xấu. "Đồng thời, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận chưa cao", ông Cương nói.
Dù vậy, theo các chuyên gia, việc chậm trễ đưa trẻ trở lại trường học có thể gây ra nhiều hệ lụy. Hiện, Hà Nội là một trong 5 tỉnh, thành phố chưa mở lại trường cho nhóm tiểu học và cũng nằm trong danh sách 9 địa phương chưa cho học sinh mầm non đến trường.
Tất cả thiệt thòi
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng việc mở cửa lại trường học và đưa học sinh các cấp đến trường thời điểm này là cần thiết, vì việc học trực tuyến đã kéo dài quá lâu và có thể gây nhiều hệ lụy.
“Nếu tiếp tục ứng xử không bình thường sẽ rất thiệt thòi cho học sinh, giáo viên, phụ huynh và cho cả những người đầu tư giáo dục”, ông Thuyết nêu quan điểm.
Phân tích rõ hơn, vị giáo sư cho rằng dạy học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Phương pháp này có nhiều hạn chế mà trước hết là không đáp ứng được chất lượng dạy và học.
Theo ông, học trực tuyến khó đảm bảo như học trực tiếp, đặc biệt là với học sinh nhỏ và học sinh cuối cấp. Như học sinh mầm non không được đến trường và cũng không được học trực tuyến sẽ không thể có đủ điều kiện để chuẩn bị vào lớp 1.
Với học sinh lớp 1 bắt đầu học chữ, việc học trực tuyến sẽ khiến bố mẹ vất vả. Còn lại, học sinh cuối cấp cũng không thể chuẩn bị tốt cho kỳ thi chuyển cấp nếu học online kéo dài.
Học sinh các khối của trường Tiểu học Yên Thường (Gia Lâm, Hà Nội) trở lại trường học trực tiếp từ ngày 10/2. Ảnh: Thạch Thảo. |
Bất cập khác được nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chỉ ra là khi học trực tuyến, học sinh không có nhiều cơ hội giao tiếp. Nhiều gia đình có bố mẹ bận đi làm, học sinh tự xoay xở học online một mình ở nhà nên về lâu dài trẻ bị ảnh hưởng về tâm lý, ngôn ngữ và phát triển các kỹ năng mềm.
Theo ông Thuyết, các địa phương trên cả nước đã đủ điều kiện đưa học sinh các cấp trở lại trường. Dù số ca nhiễm vẫn cao, ông cho rằng số ca diễn biến nặng đã ít hơn trước nhiều, những người bị Covid-19 cũng chỉ trên mức cúm bình thường chứ không quá nguy hiểm.
“Các ngành đã trở lại bình thường, thậm chí ngành rủi ro cao như du lịch vẫn phải mở cửa vì xã hội không thể trì trệ, không thể vì dịch mà đóng băng các hoạt động quá lâu”, ông Thuyết nói và nhấn mạnh ngành giáo dục cũng cần cho học sinh trở lại trường học.
Chung góc nhìn, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, cho rằng không có lý do gì để đóng cửa trường học trong khi các hoạt động kinh doanh dịch vụ như sản xuất, kinh doanh, nhà hàng... đã được mở cửa.
Không có lý do gì để đóng cửa trường học trong khi các hoạt động kinh doanh dịch vụ đã được mở cửa.
Bà Rana Flowers
Thống kê của UNICEF cho thấy hơn 635 triệu học sinh trên thế giới bị ảnh hưởng vì trường học đóng cửa toàn bộ hoặc một phần. Bên cạnh lỗ hổng trong cung cấp kiến thức cho học sinh, việc đóng cửa trường học ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ, giảm khả năng tiếp cận với nguồn dinh dưỡng và tăng nguy cơ trẻ bị xâm hại.
“Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Covid-19 làm tăng tỷ lệ trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ em gái và học sinh sống ở vùng nông thôn”, đại diện UNICEF thông tin.
Do đó, bà khuyến khích trường học mở cửa, tăng hoạt động phát triển kỹ năng sống và hoạt động kết nối. Các hoạt động này không chỉ có lợi cho tương lai mà còn giúp trẻ nhanh chóng bắt nhịp trở lại với việc học trực tiếp.
Không thể chờ vaccine mới cho trẻ đến trường
Về vấn đề mở cửa trường học thế nào cho an toàn, GS Nguyễn Minh Thuyết góp ý trước hết cần đẩy mạnh tiêm vaccine. Riêng với trẻ 5-11 tuổi, ngành y tế cần gấp rút nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài, lấy ý kiến tư vấn của các tổ chức y tế nước ngoài để có căn cứ triển khai.
Trước nhiều băn khoăn của phụ huynh về việc nếu không cho trẻ học bán trú sẽ rất khó đảm bảo việc đưa đón học sinh, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng gia đình cần chia sẻ và gánh vác khó khăn với nhà trường, với mục tiêu trước hết là đảm bảo an toàn cho học sinh. Việc cùng ăn trưa ở trường, theo ông Thuyết, có thể tạo thêm nguy cơ cho học sinh.
Dù còn nhiều băn khoăn về những khó khăn khi đưa trẻ trở lại trường, GS Nguyễn Minh Thuyết tái khẳng định việc này không thể chậm trễ hơn.
“Phải đưa trẻ trở lại trường học vì không còn cách nào khác”, ông nói và cho rằng phụ huynh và giáo viên, nhà trường cần chia sẻ áp lực, khó khăn trong vấn đề này để trẻ vừa được đi học, vừa có thể đảm bảo an toàn.
Trong khi nhiều trường trên cả nước tổ chức bán trú cho học sinh, Hà Nội vẫn chưa thống nhất được việc này. Ảnh: Phương Lâm. |
Khuyến cáo thêm về điều kiện đảm bảo cho trẻ khi đến trường, PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết nhà trường cần hướng dẫn học sinh đảm bảo 5K, sát khuẩn tay thường xuyên và quan trọng hơn là ổn định tâm lý cho học sinh.
Dù vậy, chuyên gia cho rằng việc nhiều trường yêu cầu học sinh xét nghiệm hàng ngày trước khi đến lớp là không cần thiết. Thay vào đó, chỉ các em có triệu chứng như ho, sốt, khó thở... hoặc có tiền sử dịch tễ tiếp xúc với F0 mới cần được xét nghiệm.
"Việc xét nghiệm hàng ngày hoặc định kỳ hàng tuần là lãng phí, không có nhiều ý nghĩa. Các trường đang yêu cầu học sinh xét nghiệm hàng ngày cần bỏ ngay quy định này", ông Nga nói.
Theo ông, số ca mắc Covid-19 của Hà Nội đang ở mức cao, trường hợp tử vong xấp xỉ 20 ca/ngày nhưng thực tế, tỷ lệ tử vong có thể thấp hơn do nhiều người mắc bệnh nhưng không khai báo. Như vậy, tỷ lệ lây nhiễm dịch ở Hà Nội không lớn.
"Với đối tượng trẻ em, 80-90% các cháu nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, chỉ cần lưu ý trường hợp có bệnh nền. Ngoài ra, ngay cả khi được tiêm vaccine, trẻ em vẫn có nguy cơ lây nhiễm, do đó không thể chờ đợi việc tiêm vaccine rồi mới cho trẻ đến trường", ông Nga nói.