Chiều 8/2, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Bộ Y tế, UBND Hà Nội về công tác chuẩn bị điều trị nếu có học sinh mắc Covid-19.
Phó thủ tướng lưu ý trẻ em thuộc nhóm thể chất chưa phát triển toàn diện. Trẻ dưới 5 tuổi và trẻ sơ sinh đều chưa được tiêm vaccine. Nhóm đối tượng này chưa biết diễn đạt về triệu chứng bệnh nên đòi hỏi kỹ năng chăm sóc khó hơn, cần đặc biệt chú ý.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp về công tác chuẩn bị điều trị trong tình huống có học sinh mắc Covid-19. Ảnh: VGP. |
Phó thủ tướng khẳng định Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm phủ vaccine, trong đó tiêm vaccine cho nhóm đối tượng học sinh để đưa các em trở lại trường. Ông yêu cầu các địa phương đảm bảo an toàn trường học, tập huấn kịch bản ứng phó khi phát hiện ca mắc Covid-19 trong trường học, nhằm vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa không làm ảnh hưởng đến hoạt động học tập trong nhà trường.
Các ý kiến tại cuộc họp cho rằng lực lượng phòng, chống dịch phải lường đến những tình huống xấu như có thể xuất hiện biến chủng mới lây nhanh hơn, độc lực thấp hơn không đáng kể so với các chủng virus hiện tại, thậm chí có thể "lẩn tránh" vaccine, thuốc điều trị…
Theo báo cáo, tỷ lệ trẻ mắc Covid-19 và số ca bệnh diễn biến nặng thấp, tuy nhiên, vẫn có trường hợp tử vong. Do vậy, các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh yếu tố phòng dịch và lưu ý không để có quá nhiều trẻ mắc bệnh cùng lúc.
Các chuyên gia dự báo khi 20 triệu học sinh đến trường, số trẻ mắc Covid-19 có thể tăng lên bởi thực tế, trẻ em khó thực hiện và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp 5K…
Các chuyên gia cũng khuyến cáo việc trẻ lây nhiễm từ trường học về gia đình, trong đó có thể lây cho nhóm đối tượng nguy cơ cao, có bệnh nền và chưa tiêm vaccine Covid-19 như người cao tuổi, trẻ nhỏ tuổi, phụ nữ mang thai... Vì vậy, nếu không lên kịch bản phòng chống dịch chi tiết khi có trường hợp học sinh mắc sẽ gây lúng túng cho trường học, khiến phụ huynh và xã hội lo lắng.
Ngày 8/2, nhóm học sinh từ lớp 7 trở lên tại Hà Nội được đi học trực tiếp thay vì học trực tuyến vì dịch Covid-19. Ảnh: Thạch Thảo. |
Phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết khi đưa học sinh trở lại trường, thành phố đã chỉ đạo các trung tâm y tế, trạm y tế hỗ trợ tích cực cho y tế học đường, tập huấn kỹ cho cán bộ quản lý, giáo viên, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), dự báo số ca mắc Covid-19 sau Tết tăng cao do hoạt động đi lại và giao lưu dịp Tết. Trong đó, tập trung vào nhóm đối tượng người già, người lớn và trẻ chưa tiêm vaccine, trẻ sơ sinh. Do đó, ông Khoa cho rằng cần các biện pháp bảo vệ tốt để giảm tỷ lệ tử vong.
Ông cho biết Bộ Y tế đang cập nhật phác đồ điều trị học sinh mắc Covid-19 cho cơ sở y tế các tuyến từ Trung ương đến địa phương, không để xảy ra tình huống số học sinh mắc Covid-19 tăng đột biến, gây quá tải.
Đưa học sinh trở lại trường là hết sức cần thiết
Tại giao ban báo chí đầu Xuân Nhâm Dần sáng 8/2, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh đã thông tin chuyên đề về việc mở cửa trường học. Bà cho biết đến 7/2, toàn bộ 63 tỉnh thành đã có kế hoạch đưa trẻ mầm non và tiểu học đến trường trong tháng 2. Trong đó, 53/63 địa phương cho học trực tiếp từ 7 đến 14/2.
Tất cả tỉnh, thành cũng đã lên kế hoạch đưa học sinh đi học trực tiếp trong tháng 2/2022 với cấp THCS và THPT.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục khẳng định mở cửa trường học và giữ cho trường học luôn mở cửa là ưu tiên hàng đầu vì việc học ở nhà quá lâu để lại nhiều hệ lụy, tác động tới tâm lý, thể chất của các em, tác động tới cả chất lượng dạy và học.
Khi dịch đã được kiểm soát, tỷ lệ tiêm vaccine cho người lớn và trẻ 12-18 cũng rất cao, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh việc đưa học sinh trở lại trường lúc này là hết sức cần thiết và cần phải được triển khai một cách nhanh chóng, kịp thời, cương quyết đối với tất cả bậc học từ mầm non đến đại học.