Sau gần 3 tuần bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng (từ ngày 21/9), hàng triệu học sinh thủ đô vẫn chưa biết khi nào mới được đến trường. Điều này cũng là mối lo lắng của nhiều phụ huynh khi chưa tìm được ai quản lý con cái trong khi công sở, doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.
Trả lời cử tri cách đây vài ngày, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh tiếp tục từ chối đưa ra thời điểm dự kiến mở cửa lại trường học. Theo lãnh đạo TP, 2 vướng mắc lớn nhất khiến chính quyền băn khoăn là toàn bộ học sinh đều chưa được tiêm phòng vaccine và diễn biến dịch trên địa bàn vẫn còn nhiều phức tạp.
"Cứ mãi lo ngại thì rất khó để học sinh được đi học"
Theo ông Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế), việc học sinh phải ở trong nhà quá lâu, học trực tuyến hàng ngày qua điện thoại, máy tính có nhiều tác động tâm lý tiêu cực đến các em, đặc biệt là nhóm học sinh tiểu học.
Ông cũng lo ngại khi học sinh thiếu những hoạt động trong môi trường tập thể, hoạt động thể chất trong nhà trường có thể ảnh hưởng nhiều mặt đến sự phát triển. Ông kiến nghị TP sớm có kế hoạch cụ thể để học sinh có thể quay lại trường học.
"Đi học trở lại có rủi ro, nhưng đây là những rủi ro chúng ta chấp nhận được. Mở lại trường học là một nhu cầu cấp thiết của học sinh và các bậc phụ huynh. Xác định sống chung an toàn với dịch thì ta cần có biện pháp để đảm bảo an toàn cho các em, nếu cứ lo ngại nguy cơ thì rất khó để các em học trở lại", ông Phu nói với Zing.
Chuyên gia lo ngại học sinh học online lâu ngày tác động tiêu cực đến tâm lý. Ảnh minh họa: Nhật Sinh. |
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn TP Hà Nội, cho rằng đây là thời điểm thích hợp để TP tiếp tục lộ trình mở cửa, dần phục hồi hoạt động của người dân. Song, ông thừa nhận việc học sinh chưa được tiêm vaccine có thể là rào cản lớn khiến lãnh đạo TP băn khoăn khi cho họ học tập trung.
Theo vị chuyên gia này, việc chưa có vaccine đặc hiệu ngừa Covid-19 cho trẻ em là thực tế toàn thế giới phải đối mặt. Tuy nhiên, đặc điểm chung trẻ em khi mắc Covid-19 là ít biến chứng nặng và tỷ lệ tử vong rất thấp. Nguy cơ đối với họ là không quá lớn, nhất là khi phụ huynh, nhà trường và học sinh phối hợp tốt, hiệu quả để đảm bảo an toàn khi đi học trở lại.
"Ngoại trừ một số trường hợp bị béo phì, suy dinh dưỡng, còn lại hầu hết học sinh nếu mắc cũng chỉ biểu hiện như cúm, gần như không nguy hiểm. Với tỷ lệ vaccine cho người trưởng thành đã đạt tương đối cao như Hà Nội, cộng với việc tuân thủ 5K, nguyên tắc giãn cách trong nhà trường thì việc học sinh đi học trở lại sẽ tương đối thuận lợi, an toàn", ông Hùng nói.
Khoanh vùng theo đơn vị lớp học nếu có F0
Theo ông Hùng, điều quan trọng để mở cửa lại trường học an toàn là mỗi nhà trường, giáo viên, bậc phụ huynh phải luôn bình tĩnh, sáng suốt trước mọi diễn biến của dịch bệnh. Không loại trừ khả năng phát sinh F0 khi các em đi học trở lại, nên nhà trường phải có kịch bản xử lý tình huống cụ thể, giáo viên phải được tập huấn kỹ càng.
Ngoài việc ban hành bộ quy chuẩn trong toàn trường, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Y tế cần hướng dẫn, bố trí thêm trang thiết bị cho nhà trường như kit test nhanh để có thể phát hiện, khoanh vùng sớm nếu có nguy cơ. Học sinh, giáo viên khi học trên lớp cũng nên đeo khẩu trang thường xuyên.
"Sau mỗi buổi học nhà trường phải vệ sinh khử khuẩn, đặc biệt tại khu vực nguy cơ cao như bồn rửa tay, nhà vệ sinh để đảm bảo an toàn cho các em. Ngoài ra, bậc phu huynh cũng cần tăng cường giám sát sức khỏe con em mình, nếu biểu hiện mệt, đau cơ, ho, sốt phải báo ngay nhà trường và cho trẻ tạm nghỉ học", ông Hùng nói.
Chuyên gia đề nghị Hà Nội sớm có kế hoạch cho học sinh đi học trở lại. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Còn theo ông Trần Đắc Phu, đáng lo nhất vẫn là nguy cơ lây nhiễm chéo vì các em học tập, sinh hoạt, ăn uống đều trong phạm vi tập thể lên đến 30-40 người. Vì vậy, ông khuyến nghị nhà trường cần giãn cách theo đơn vị lớp, học sinh chỉ sinh hoạt trong lớp của mình, dừng mọi hoạt động giao lưu, tiếp xúc giữa các lớp.
"Nếu phát sinh ca F0 ta chỉ cần khoanh vùng lớp có ca F0, các lớp khác, giáo viên khác vẫn giảng dạy, học tập bình thường", ông Phu nói.
Trước đó, trong dự thảo bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học, Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra 7 tiêu chí để chuẩn bị cho học sinh học tập trung.
Trong đó, trường phải đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, y tế tại trường học. Tiêu chí 2 là xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và thực tiễn dịch bệnh tại địa phương. Thứ 3, 100% học sinh, cán bộ giáo viên thực hiện khai báo sức khỏe, đo thân nhiệt ở nhà trước khi đến trường.
Sở cũng yêu cầu thường xuyên vệ sinh, khử trùng trường, lớp, đồ dùng học tập và phương tiện đưa đón (nếu có) theo đúng hướng dẫn của ngành y tế; nhân viên y tế trường học, phòng cách ly, phòng y tế đảm bảo theo quy định, có tổ chức tư vấn tâm lý học đường.
Theo dự thảo của Sở GD&ĐT Hà Nội, mỗi tiêu chí được đánh giá ở 2 mức đạt và không đạt. Số tiêu chí đạt càng nhiều, mức độ an toàn càng cao, trường học càng an toàn và ngược lại.
Nếu đạt từ 7 tiêu chí trở xuống, trường học được đánh giá đạt mức độ: Thực hiện chưa tốt, trường học không an toàn và không được phép hoạt động.