Theo bà Hồng, nghiên cứu trên được công nhận bởi Tổ chức Y tế thế giới và nhà sản xuất. Do đó, tiếp nối việc tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi, hơn 60 quốc gia trên thế giới đang triển khai tiêm vaccine cho trẻ em 5-11 tuổi. Việt Nam cũng triển khai việc này trong thời gian tới.
"Chúng tôi rất vững tay để chúng ta có một chiến dịch tiêm chủng an toàn, bảo đảm cho nhóm trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, với mong muốn đạt được độ bao phủ trên 90%, thậm chí 95% các cháu sẽ được bảo vệ, chủ động phòng, chống dịch Covid-19", bà Hồng nói.
Thầy cô giáo cùng tham gia theo dõi trẻ sau tiêm vaccine
Nói về những lưu ý khi tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi, PGS Dương Thị Hồng cho biết quá trình triển khai tiêm chủng cho trẻ em rất cần sự tham gia hỗ trợ tích cực của ngành giáo dục vì trẻ nhỏ là đối tượng đặc biệt.
Theo bà Hồng, thầy cô cũng cần nắm được các nội dung về chiến dịch tiêm chủng, sự cần thiết về tổ chức tiêm chủng và tham gia ngay những phút đầu trong buổi tiêm. Đó là theo dõi các phản ứng bất thường của các cháu ngay sau khi tiêm chủng.
Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết mỗi nhóm tuổi sẽ tiêm loại vaccine khác nhau. Với nhóm trẻ em 5-11 tuổi, Việt Nam sử dụng vaccine do hãng Pfizer Biontech sản xuất nhưng hàm lượng kháng nguyên chỉ bằng 1/3 so với vaccine đã tiêm cho lứa tuổi trẻ 12-17 tuổi và vaccine cho người lớn.
Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nói về những điều kiện cần đảm bảo trong quá trình tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi. Ảnh: VGP. |
Để tiêm chủng an toàn với đối tượng là trẻ nhỏ, chuyên gia cho biết cán bộ làm y tế dự phòng, y tế xã, huyện cần được tập huấn kỹ lưỡng để nhận định được thế nào là dấu hiệu bất thường của phản ứng sau tiêm. Việc này quan trọng do 5-11 tuổi là nhóm trẻ nhỏ, bản thân các cháu có thể bỏ qua những triệu chứng của bản thân do khả năng giao tiếp hạn chế.
"Chúng tôi một lần nữa đề nghị các chuyên gia nhi khoa xem xét hướng dẫn lại cán bộ y tế khám sàng lọc cho các bé trước khi tiêm chủng", bà Hồng nói.
Đối với trẻ bị bệnh lý mạn tính, bệnh lý nền, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương lưu ý các bệnh viện nhi, bệnh viện tuyến huyện chia sẻ gánh nặng với cán bộ y tế xã. Trẻ trong diện này sẽ được tiêm chủng tại bệnh viện.
Bà Hồng cũng nhấn mạnh mặc dù kinh nghiệm đã có nhưng vaccine tiêm cho trẻ 5-11 tuổi là loại mới. Do đó, cán bộ y tế cũng phải học nghiêm túc, tập huấn lại để có thao tác thực hành tiêm chủng an toàn, công tác trực cấp cứu 24/24h để xử trí phản ứng sau tiêm.
"WHO mong muốn tiêm vaccine cho trẻ dưới 5 tuổi"
Theo PGS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, nhiều tài liệu cho thấy trẻ em nhóm nguy cơ béo phì, bệnh lý bẩm sinh, sinh non, thiếu cân có nguy cơ tử vong cao khi mắc Covid-19, đặc biệt là nhóm chưa được tiêm vaccine. Cùng với đó là những di chứng để lại khi các cháu bị nhiễm Covid-19 còn quá mới, ngành y tế vẫn chưa tìm hiểu và nghiên cứu được hết.
"Tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi là việc cần thiết, mang lại nhiều lợi ích để bảo vệ các cháu hơn là tác hại. Chúng tôi đã tiếp xúc với rất nhiều cháu bị nhiễm, khổ sở vô cùng vì khỏi bệnh rồi nhưng các cháu vẫn còn nhiều vấn đề về tâm sinh lý lâu dài", ông Hùng nói.
Đồng thời, vị bác sĩ cũng bày tỏ sự cảm thông với những lo lắng của các phụ huynh về việc các em có thể gặp phải những biến chứng, sốc phản vệ sau tiêm. Ông Hùng lý giải vaccine đã được CDC Hoa Kỳ và châu Âu nghiên cứu kỹ trước khi cấp phép đưa vào sử dụng. Theo nghiên cứu của CDC Hoa Kỳ, trong 4.000 trường hợp trẻ tiêm Pfizer, không có trường hợp nào sốc phản vệ.
So sánh liều sốc phản vệ ở người lớn khi tiêm Pfizer và những vaccine khác thì tỷ lệ phản vệ nói chung chỉ khoảng 10/1 triệu liều tiêm. Đặc biệt đối với vaccine Pfizer, tỷ lệ là 9,3/1 triệu liều tiêm và không có ca nào tử vong.
"So sánh với những vaccine khác đã tiêm như vaccine phòng dại, viêm não, sởi, quai bị, rubella, HPV thì vaccine Covid-19 hiện dùng gặp phản ứng bất lợi sau tiêm đứng hàng thứ 5 sau những vaccine chúng ta đã từng tiêm cho trẻ em", ông Hùng phân tích.
Vaccine Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi có nắp màu cam để tránh nhầm lẫn. Ảnh: The New York Times. |
Về việc nhiều phụ huynh lo ngại phản ứng lâu dài với trẻ sau khi tiêm vaccine Covid-19, PGS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bản chất của vaccine này là các thành phần RNA thông tin. Thành phần này khi đi vào trong tế bào sẽ tạo ra các protein phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus.
"Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng", ông Điển nói và mong muốn các phụ huynh cho con mình có cơ hội phòng chống dịch, hưởng những thành quả của khoa học, thành quả của nghiên cứu.
Theo Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, trong xu hướng tới đây, Tổ chức Y tế Thế giới rất mong muốn phủ được rộng vaccine ở nhóm tuổi thấp hơn nữa là nhóm dưới 5 tuổi vì đây là nhóm trẻ yếu thế, hệ thống miễn dịch chưa đầy đủ.