"Quá thận trọng" là điều mà PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đánh giá về lộ trình mở cửa trường học của Hà Nội. Học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 ở thủ đô trở lại trường học từ ngày 8/2. Ngày 14/2, học sinh mầm non, tiểu học của 18 huyện, thị xã ngoại thành được đến trường.
Trong khi đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang đề xuất cho học sinh tiểu học ở nội thành trở lại trường vào ngày 21/2. Các chuyên gia cho rằng nếu UBND thành phố phê duyệt đề xuất này, việc cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đến trường vào cuối tháng 2 là quá trễ.
"Dịp Tết, các cháu đi khắp nơi vui chơi, thăm họ hàng, tiếp xúc nhiều như vậy thì không có lý do gì để bắt các cháu tiếp tục học online sau Tết. Nguy cơ lây nhiễm từ người nhà thậm chí còn cao hơn ở trường học", ông Nga nói với Zing.
Nguy cơ lây nhiễm khi ở nhà cao hơn ở trường học
Gần một tuần nay, chị Nguyễn Thị Dung (quận Đống Đa, Hà Nội) thấp thỏm theo dõi thông tin về việc Hà Nội cho học sinh đi học trở lại. Con gái chị học lớp 1 nhưng kể từ khi năm học mới bắt đầu, cháu vẫn chưa thể đến trường mà chỉ có thể gặp bạn bè, cô giáo qua màn hình máy tính.
"Cháu mới bắt đầu học chữ nên cần người kèm trực tiếp. Những ngày học online, cô giáo chỉ dạy kiến thức trên lớp, còn lại giao bài tập về nhà như luyện chữ, luyện đọc cho phụ huynh tự hướng dẫn con. Khi cháu không được đến trường, tôi rất áp lực vì vừa phải trông, vừa phải dạy con học, trong khi cháu chán nản vì không được gặp bạn bè", chị Dung nói.
Trải nghiệm của chị Dung tương tự hàng triệu phụ huynh khác khi con phải học online trong thời gian dài. Chị mong từng ngày con được trở lại trường học để "giải phóng" cho cả học sinh lẫn phụ huynh.
Nếu trong lớp có một học sinh là F0 thì chỉ cần bạn đó về nhà cách ly, điều trị. Các em khác trong lớp xét nghiệm, nếu âm tính thì đi học bình thường
PGS Nguyễn Huy Nga
Theo PGS Nguyễn Huy Nga, Hà Nội có số ca nhiễm ở mức xấp xỉ 3.000 mỗi ngày. Con số này có thể duy trì trong thời gian tới, sau đó giảm dần. Hiện, tỷ lệ lây nhiễm ở thủ đô cao nhưng đối tượng đáng lo là người cao tuổi, còn trẻ em nếu nhiễm cũng ít triệu chứng, chỉ như cảm cúm thông thường.
Do đó, ông Nga khuyến nghị Hà Nội cho toàn bộ học sinh trở lại trường học, kể cả trẻ mầm non. Quá trình đến lớp, các em chỉ cần đảm bảo 5K, xét nghiệm nhanh khi có triệu chứng hoặc yếu tố dịch tễ, không cần xét nghiệm hàng ngày. Nếu trong lớp có một học sinh là F0 thì chỉ cần bạn đó về nhà cách ly, điều trị. Các em khác trong lớp xét nghiệm, nếu âm tính thì đi học bình thường.
"Nhà trường nên làm công tác tư tưởng để phụ huynh không quá lo lắng nếu trong lớp con em mình có bạn nhiễm bệnh, vì việc này giờ là bình thường", ông Nga phân tích.
Học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 tại trường Marie Curie (Hà Nội) đi học trở lại từ ngày 8/2, sau gần 10 tháng học online. Ảnh: Thạch Thảo. |
Dưới góc độ chuyên môn, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, khẳng định với diễn biến dịch hiện nay, các tỉnh, thành phố hoàn toàn có thể yên tâm cho trẻ em đi học trực tiếp.
“Điều kiện cho trẻ trở lại trường đã đủ, quan trọng là người lớn đã được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ. Việc đi học của các cháu không nhất thiết phải gắn với việc tiêm đủ cho trẻ 5-12 tuổi”, ông Khanh nói.
Bất hợp lý khi cuộc sống bình thường mới đã trở lại, các hoạt động được tái thiết lập, người lớn đi làm, đi chơi và đi du lịch rất đông, nhưng trẻ em lại không được đến trường
Bác sĩ Trương Hữu Khanh
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nhiều nước trên thế giới hiện không có chủ trương tiêm vaccine cho trẻ 5-12 tuổi nên việc một số địa phương trông chờ vào việc tiêm xong là không khả thi, vì có thể nhiều phụ huynh không đồng ý tiêm cho con em.
Ông Khanh đồng thời chỉ ra sự bất hợp lý khi trong thời gian dài vừa qua, cuộc sống bình thường mới dường như đã trở lại, các hoạt động được tái thiết lập, người lớn đi làm, đi chơi và đi du lịch rất đông, nhưng trẻ em lại không được đến trường.
Để thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch Covid-19, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng cần mạnh dạn mở lại tất cả trường học, đưa học sinh đến trường học tập trực tiếp.
"Kéo dài học trực tuyến sẽ gây nhiều hệ lụy cho trẻ", bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Cần ổn định tâm lý cho học sinh
Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (ĐH Sydney, Australia), cho rằng quyết định mở cửa trường học cần được cân nhắc dựa vào hai yếu tố nguy cơ và lợi ích.
Theo bà, trẻ em đi học có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2, tuy nhiên các hoạt động kinh tế - xã hội khác đã mở cửa. Như vậy, kể cả khi không mở cửa trường học, trẻ em ở nhà vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, hầu hết trẻ em mắc bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng.
Về lợi ích, việc đi học giúp cho trẻ được gặp bạn bè, được tiếp xúc với “môi trường xã hội” phù hợp lứa tuổi; đồng thời, có thể tiếp tục tiếp thu kiến thức và bù đắp cho thời gian học trực tuyến chưa thực sự hiệu quả.
"Tuy vậy, cũng cần hiểu và thông cảm rằng một số gia đình không muốn con mình gặp bất cứ rủi ro nào liên quan tới Covid-19 và điều này hoàn toàn dễ hiểu, nhất là khi chưa có vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi", bà Thu Anh nói.
Vì vậy, nữ tiến sĩ đưa ra giải pháp Hà Nội có thể cho phép học đồng thời cả trực tiếp và trực tuyến một thời gian để nhà trường cùng phụ huynh, học sinh có thời gian thích nghi, làm quen và vẫn đảm bảo quyền được học tập cho mọi trẻ em.
Các địa phương được yêu cầu lên kế hoạch cho toàn bộ học sinh trở lại trường chậm nhất ngày 14/2. Ảnh: Y Kiện. |
Nói thêm về những nguy cơ khi trẻ trở lại trường, PGS Nguyễn Huy Nga cho biết sau 10 tháng không được đi học, nhiều trẻ có tâm lý không muốn đến trường nữa, trong khi đó giáo viên cũng đã quen việc dạy online.
Vì vậy, bên cạnh việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại trường học, nhà trường nên quan tâm hơn đến việc lên kế hoạch cho học sinh, giáo viên.
Đồng thời, quá trình học online kéo dài có thể khiến nhiều học sinh mắc các bệnh tâm lý hoặc chán nản khi học trực tiếp. Giáo viên cần quan tâm, giúp các em ổn định tâm lý trong thời gian đầu trở lại trường học.
"Mở cửa trường học là cần thiết, ngay cả trẻ mầm non cũng cần được đi học lại ngay. Ứng phó với dịch bệnh thì chỉ cần thực hiện 5K và áp dụng tiêu chí đánh giá trường học an toàn, nhưng vấn đề quan trọng hơn là phải ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh và cả giáo viên", PGS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 3/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo mở cửa trường học trên phạm vi toàn quốc tại tất cả cấp học từ ngày 7/2 và chậm nhất là 14/2. Đến ngày 8/2, Thủ tướng tiếp tục đôn đốc, yêu cầu địa phương phấn đấu mở cửa trường học chậm nhất là 14/2, nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong việc dạy học trực tiếp để có biện pháp tháo gỡ theo thẩm quyền và đề xuất nếu vượt quá thẩm quyền.
Bình luận