Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao đòn trừng phạt của Mỹ đối với Nga là 'rỗng tuếch'?

Trong bài phân tích trên báo New York Times ngày 27/3, một trong những nhà nghiên cứu chính trị hàng đầu thế giới dùng từ "rỗng tuếch" để mô tả lời hăm dọa của Mỹ đối với Nga.

Theo ông Ian Bremmer - Giám đốc Tập đoàn tư vấn Eurasia Group -Ukraina quan trọng hơn với Nga nhiều hơn với Mỹ.

Mỹ cần xem xét cuộc khủng hoảng Ukraina trên quan điểm của Nga. Những đe dọa của Mỹ và châu Âu sẽ không bao giờ là yếu tố quyết định trong các quyết định của Putin vì Ukraina là vấn đề an ninh quốc gia lớn nhất bên ngoài lãnh thổ nước Nga. Bởi vậy chính sách của người đứng đầu Điện Kremlin về việc sẽ đưa thêm quân vào Ukraina hay không phụ thuộc vào lợi ích an ninh quốc gia, chứ không phải vấn đề kinh tế ngắn hạn.

Hơn nữa, Nga đã trợ giá khí đốt cho chính quyền Kiev khoảng 200 đến 300 tỷ USD từ năm 1991. Nếu chính phủ mới tại Ukraina chống Nga, Moscow có thể sẽ ngừng trợ giá, gây khó khăn cho phương Tây.

Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Obama trong lần gặp tại Mexico. Ảnh:Reuters.

Thứ hai, nếu Nga tiến sâu vào Ukraina hơn thì nỗ lực trừng phạt Moscow của phương Tây cũng như các biện pháp trừng phạt Iran sẽ trở nên vô tác dụng.

Trên thực tế, nếu Putin triển khai chiến dịch quân sự lớn hơn, Mỹ và châu Âu cũng không thể đáp trả với phản ứng mạnh mẽ tương tự.

Xuất khẩu năng lượng, vũ khí thương mại lớn của Nga, và quy mô kinh tế Nga khiến châu Âu phải trả giá rất lớn nếu lạnh nhạt với Moscow. Dù G8 đã khai trừ Nga nhưng châu Âu vẫn không muốn đối xử với Nga một cách cực đoan. Đại sứ Ukraina tại Liên minh châu Âu gọi các biện pháp mà Mỹ và EU trừng phạt Nga giống như “muỗi cắn” nhưng nhiều nước trong EU - như Áo, Anh, Pháp - vẫn phải thận trọng khi thực thi chúng. Áo mua hơn 50% lượng khí đốt từ Nga.

Thứ ba, nếu Mỹ muốn trừng phạt Nga mạnh hơn, nhiều quốc gia khác sẽ làm ngơ trước lệnh trừng phạt. Ấn Độ sẽ không đối xử với Nga giống như một quốc gia “bất hảo”. Quan trọng hơn, Trung Quốc sẽ không công nhận lệnh trừng phạt.

Điều đáng bàn nhất là chính quyền Obama không muốn hứng chịu những hậu quả mà chính sách đối ngoại hiện thời mang lại. Theo một cuộc khảo sát của Pew cuối năm 2013, tỷ lệ ủng hộ các chính sách đối ngoại của người dân Mỹ giảm kỷ lục từ năm 1964.

Một trong những việc nói mà không làm của chính phủ Mỹ là vấn đề Syria. Ông Obama đã vạch ra giới hạn đỏ để trừng phạt chính phủ Syria bằng vũ lực sau khi một số bằng chứng cho thấy chính phủ của Tổng thống Assad tấn công người dân bằng vũ khí hóa học. Nhưng ông lại không biến lời nói thành hành động. Việc đó khiến Obama mất điểm về chính sách đối ngoại.

Sai lầm đó đang lặp lại tại Ukraina. Những lời lẽ đe dọa từ phương Tây và Mỹ khiến ông Putin càng quyết tâm hơn vì Putin cho rằng phương Tây không thể áp dụng các biện pháp trừng phạt với Nga giống như cách họ từng thực hiện đối với Iran.

Theo ông Ian, Mỹ nên tập trung hỗ trợ chính quyền Kiev, chứ không nên nghĩ nhiều về việc trừng phạt Moscow. Chính quyền Obama nên nhìn nhận những giá trị cốt lõi của Nga và đánh giá những hạn chế của chính họ và chấm dứt những lời đe dọa rỗng tuếch.

 

Đỗ Quyên

Bạn có thể quan tâm