Khi Federer tuyệt vọng níu kéo phần cuối trận chung kết ATP World Tour Finals, mỗi điểm số mà anh ghi được đều khiến “nhà hát” O2 chấn động. Ở chiều ngược lại, khi bảng điện tử nhảy điểm cho Djokovic, chỉ có những tiếng vỗ tay lác đác.
Dĩ nhiên, sự cổ động này không giúp Federer lật ngược được thế cờ. Nhưng nó khẳng định chân lý: Federer vẫn là vua, dù không còn là số 1. Trong khi Djokovic mặc nhiên là số 1, nhưng chưa thể là vua.
Đó là một sự khác biệt vô cùng lớn. Sự khác biệt được dẫn dắt bởi thứ tình yêu mê hoặc đã tích tụ qua nhiều năm tháng.
Djokovic có thể đánh bại Federer trên sân, nhưng không chiếm được cảm tình từ người hâm mộ trên khán đài giống Fedex. Ảnh: Getty Images. |
Ba năm qua, không có tay vợt nào chơi thuyết phục và giành được nhiều danh hiệu hơn Djokovic. Nhưng Federer thì làm điều đó từ hơn 10 năm trước, một khoảng thời gian quá dài để anh “bám rễ” vào trong tim người hâm mộ và trở thành huyền thoại sống.
Chúng ta không nói đến khía cạnh thời gian nữa, bởi đó là ưu thế của Federer trong quá khứ. Djokovic có cả một tương lai trước mắt, và anh không hề giấu giếm tham vọng sẽ thay thế một cách trọn vẹn vị trí của Federer.
Khi Nole tham vọng, anh hoàn toàn có thể thực hiện được. Nhưng thay thế các kỷ lục thì dễ, còn thay thế tình yêu thì khó. Vì đơn giản, Federer chỉ có một trên đời.
Federer là chuẩn mực của thứ tennis hào hoa, còn Djokovic là chuẩn mực của thứ tennis toan tính. Khi Fedex ra sân, mặc định là khán giả sẽ được xem những trận đấu cống hiến và mãn nhãn, còn khi Nole ra sân, ở đó là dấu ấn chiến thuật, là đòn tâm lý…
Federer chơi tennis với một thứ xúc cảm đầy ngẫu hứng, ghi những điểm số xuất thần hoặc mất những điểm số cũng khó tin không kém. Djokovic thì khác, chính xác, lạnh lùng như một cỗ máy được sinh ra để trừng phạt những sai lầm của đối phương.
Federer luôn được biết đến như một quý ông lịch lãm. Ảnh: Getty Images. |
Federer chiến thắng theo kiểu hủy diệt nhưng không tàn nhẫn. Djokovic ngược lại, chiến thắng một cách tàn nhẫn dù không hủy diệt. Khi đối đầu Federer, các đối thủ đều có cảm giác mình chơi hay hơn và được khích lệ hơn. Khi đối đầu Djokovic, họ bỗng thấy mình là những con rối bị giật dây.
Federer thết đãi đối thủ bằng cách chơi tấn công đẹp mắt, bằng sở trường và sức mạnh của chính mình và khiến anh ta thua trong sự thán phục và kính nể. Djokovic hành hạ đối thủ bằng mưu mẹo, bằng cách… nện vào điểm yếu của anh ta, rồi khiến anh ta thua trong sự mỏi mệt và bế tắc.
Federer đích thực là một quý ông lịch lãm. Dĩ nhiên, thời trẻ, anh cũng đập vợt, cũng cằn nhằn với trọng tài, nhưng chưa một lần anh tỏ thái độ với đối thủ hoặc người xem. Khi Federer hét lên “come on” bằng ánh mắt của một con đại bàng, người xem hiểu rằng anh tự động viên mình, và họ cũng bị… lây cái cảm giác thăng hoa đó.
Còn khi Djokovic giơ nắm đấm lên quá đầu, người ta hiểu rằng đó là động tác áp chế và thách thức đối phương. Nole cũng là người thường xuyên giở chiêu trò trong những tình huống anh muốn làm đối phương mất tập trung hay chặn đà hưng phấn. Nói Nole là một “kịch sĩ” cũng không sai.
Nole muốn gặt hái thành công ở cả trong lẫn ngoài sân cỏ như Federer. Ảnh: Getty Images. |
Sau trận chung kết Roland Garros 2015, Djokovic đã khóc, khóc trong một khoảnh khắc chân tình có lẽ là rất hiếm. Anh khóc vì vẫn lỗi hẹn giấc mơ Grand Slams trên sân đất nện, và vì cảm nhận được tình cảm quý giá của những khán giả trung lập cổ vũ cho mình.
Kể ra thì cũng cay đắng cho Nole thật, anh chỉ được an ủi khi thất bại. Và quan trọng là khi đối thủ bên kia không phải Fedex. Hôm ấy, người đánh bại Nole là Stan Wawrinka.
“Tôi chấp nhận sự thật, tôi không phải là người được yêu quý nhất. Nhưng tôi sẽ luôn ở đây để làm công việc của tôi, đó là chiến thắng, và mong một ngày nào đó, tôi cũng sẽ có được chỗ đứng như anh ấy”, Djokovic chìa tay về phía Federer, bại tướng của anh trong trận chung kết US Open 2015. Buổi tối đó ở Flushing Meadows, thống kê chỉ ra rằng 75% lượng khán giả ủng hộ huyền thoại người Thụy Sỹ.