Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao câu 'Tôi thề sẽ không nhậu nữa' dễ thất bại?

Nhiều người khư khư cho rằng không có cách nào bỏ được các thói hư, tật xấu. Do vậy họ chẳng muốn cố gắng mà cứ thả trôi theo tháng ngày với những chứng tật cố hữu.

Trong cuộc sống hàng ngày, nếu không ở trong tình trạng bắt buộc phải thay đổi, chúng ta có khuynh hướng thực hiện các công việc theo thói quen, nghĩa là làm theo cách thức y hệt như chúng ta vẫn thường làm từ trước đến giờ.

Đây chính là sự kỳ diệu của bộ não con người. Từ thuở lọt lòng, hàng triệu dữ kiện thông tin đi vào trong não bộ của chúng ta. Tuy vậy, bộ não chúng ta biết phân biệt, gạn lọc những thông tin này để đưa ra những nhận xét và phán đoán cần thiết. Bộ não cũng phát triển những “con đường tắt” để giúp chúng ta hoạt động mỗi ngày.

Thoi quen anh 1

Ảnh minh họa. Nguồn: Clockwise.

Hãy thử tưởng tượng nếu lúc nào chúng ta cũng phải tập trung trí não để quyết định và thực hiện các công việc thông lệ mỗi ngày như đánh răng, đi tắm, mặc đồ, ăn, uống, v.v... thì chắc chúng ta sẽ phát điên lên mất. Nhưng thay vì phải luôn luôn tập trung, bộ não lưu giữ cách thức hành động cho các công việc được lặp đi lặp lại mỗi ngày. Và do vậy thói quen được hình thành. Thói quen là những điều một người làm một cách tự động, không cần phải tập trung suy nghĩ nhiều.

Thói quen bắt đầu từ một hành động có tính chất lựa chọn. Một thói quen đạo đức bắt đầu từ một sự lựa chọn có tính đạo đức. Do vậy, thói quen phản ánh tâm tính, nhân sinh quan và giá trị đạo đức của mỗi chúng ta, chẳng hạn như thói quen nói thật chứng tỏ một người biết tự trọng và tôn trọng người khác. Và những thói quen quyết định vận mệnh cuộc đời chúng ta, như ca dao Việt Nam có câu:

Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa,

Sang đâu đến kẻ say sưa rượu chè.

Các nghiên cứu cho thấy, cách hay nhất và dễ dàng nhất để đạt được một cuộc sống thành công là tập các thói quen tốt và tránh xa các thói quen xấu khi còn rất trẻ. Nhưng nếu chúng ta lỡ vướng vào những thói hư, tật xấu và đã quá quen với những chứng tật này qua nhiều tháng năm rồi, liệu chúng ta có bỏ được không và bằng cách nào? Rõ ràng, những thói quen rất khó bỏ và những thói quen xấu càng khó bỏ hơn.

Nhiều người khư khư cho rằng không có cách nào bỏ được các thói hư, tật xấu. Do vậy họ chẳng muốn cố gắng mà cứ thả trôi theo tháng ngày với những chứng tật cố hữu. Nhưng thật ra, những thói hư tật xấu có thể bỏ được. Những thói quen tốt cũng có thể học được. Nhưng trước khi làm được những điều này, đầu tiên chúng ta phải nhìn nhận rằng chúng ta có một số thói quen không mang đến ích lợi nào cả. Có bốn bước quan trọng để từ bỏ những thói quen xấu:

Thứ nhất: Tự hỏi tại sao thói quen xấu này dường như lại cuốn hút mình đến vậy? Điều gì làm mình cứ thích trở lại với thói quen này? Thí dụ như tại sao mình lại ngồi xem tivi tới 4 tiếng đồng hồ mỗi tối? Điều này có ích lợi cho mình không?

Thứ hai: Tự hỏi tại sao mình nên chấm dứt thói quen xấu vừa nêu lên. Mình đang phải trả giá bao nhiêu cho cái thói tật này? Nếu tiếp tục thói xấu này, mình sẽ bị mất mát những gì? Hay là, trở lại với câu hỏi căn bản “Tại sao mình cho đây là một thói quen xấu?” Trong vài năm qua, nạn nghiền cờ bạc đã lan tràn mạnh tại Australia, nên người ta có một câu khuyến cáo như sau: “Think what you are really gambling with?” tạm dịch là “Hãy suy nghĩ xem bạn đang thực sự cá vào sòng bài những thứ gì?”

Chắc các bạn cũng rõ, một người có thói quen đỏ đen, không chỉ đánh bạc với món tiền trong túi, mà với cả gia tài, sự nghiệp, căn nhà hai vợ chồng xây dựng được, và đánh cá với hôn nhân, đánh cá với cả tương lai của gia đình và con cái mình nữa.

Thứ ba: Đưa ra một sự lựa chọn. Sau khi đã cân nhắc thiệt hơn về một thói quen, hãy ép mình đi theo một lựa chọn thật sáng suốt. Về một phương diện nào đó, khi làm như vậy, bạn đã rời thói quen này ra khỏi “cái vòng luẩn quẩn” của những thói quen xấu. Bạn đang đánh giá một cách sáng suốt hậu quả của những thói quen này hơn là phản ứng một cách máy móc hay tự động như trong những năm tháng qua và đã làm những điều này trở thành thói quen.

Thứ tư: Thay thế những thói quen xấu bằng cách tập những thói quen mới thật ích lợi. Nếu chúng ta chỉ dùng nghị lực và ý chí để từ bỏ những thói quen cũ mà không có những thói quen mới tốt đẹp xen vào, thì sau một thời gian, chúng ta dễ trở lại với những thói hư tật xấu cũ.

Thoi quen anh 2

Khi sự cám dỗ nhen nhóm trong suy nghĩ, những câu "tôi thề không uống rượu nữa" sẽ ít có tác dụng. Ảnh minh họa: Pexels.

Nếu chỉ cố gắng chống trả với những hấp lực của những tật xấu cũ mà không tập tành những thói quen mới tốt đẹp, thì chúng ta quả là đang ở trong một cuộc chiến đấu vô vọng. Vì càng suy nghĩ để chống trả những ham muốn của thói xấu cũ, chúng ta chỉ làm cho sự thèm muốn ngày càng tăng lên mà thôi. Cách tốt nhất là hướng sự suy nghĩ của chúng ta về một chuyện khác tốt đẹp.

Rick Warren, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Sống Theo Đúng Mục Đích trình bày thật rõ ràng vấn đề này như sau: “Khi đối diện với cám dỗ, cách tốt nhất là nên hướng suy nghĩ của chúng ta vào một vấn đề khác, vì trực diện đương đầu chống trả lại cám dỗ là một chuyện rất khó. Chống lại sự cám dỗ chỉ làm nó mạnh thêm lên. Càng chống trả, nó càng ăn sâu vào tâm khảm và suy nghĩ của chúng ta.”

Do vậy phương pháp tự kỷ ám thị, lặp đi lặp lại nhiều lần các câu như “Tôi thề sẽ không nhậu nữa” hay là “Tôi thề sẽ không hút thuốc nữa” thường dẫn đến thất bại. Khi sự cám dỗ nhen nhóm trong suy nghĩ, muốn lôi kéo chúng ta trở lại với thói quen cũ, cách tốt nhất là hãy suy nghĩ một điều gì khác ích lợi và tích cực.

Charles Duhigg/Alphabooks – NXB Lao Động

Bình luận

SÁCH HAY