Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm việc tốt để dạy con

Trẻ nhỏ học hỏi các quy tắc trong đời sống bằng cách bắt chước bố mẹ. Bé sẽ mặc định những hành động cha mẹ làm là đúng. Bởi vậy, phụ huynh cần có hành vi chuẩn mực để làm gương.

Bo nao tre nho anh 1

Cha mẹ cần có hành vi đúng mực để làm gương cho con cái. Ảnh: Một cảnh trong phim Like father like son.

Chúng ta thấy được rằng sự kiên nhẫn, thấu hiểu và thấu cảm cần thiết đến mức nào trong việc giáo dục con cái, để chúng có lòng tự trọng cao. Tuy nhiên, công việc giáo dục không dừng lại ở đây. Tất cả các bậc cha mẹ đều hiểu mong muốn con mình được vui chơi và trải nghiệm, mặc dù họ thường không thích thú lắm khi con cố gắng đu mình trên thanh treo rèm.

Hơn nữa, mặc dù họ đồng ý rằng trẻ em phải tự học cách hình thành các mối quan hệ, nhưng họ thường cảm thấy cần phải can thiệp nếu con mình kéo tóc một đứa trẻ khác và cố gắng ăn trộm đồ chơi của bạn. Chuyện rất bình thường khi cha mẹ dần dần muốn khuyến khích con kết thúc chuyến đi đến siêu thị mà không cần phải bế vì muốn giúp con trở nên dẻo dai hơn mỗi ngày, hay đơn giản là vì muốn con hiểu rằng bố mẹ cũng mệt mỏi khi phải bế con.

Như bạn thấy, thấu hiểu rất quan trọng, mặc dù giúp trẻ vượt qua khó khăn và hiểu được nhu cầu của người khác cũng như biết luật chơi cũng quan trọng không kém. Nếu vượt qua khó khăn cho phép trẻ phát triển lòng tự trọng thì hiểu người khác và hiểu luật chơi cho phép trẻ phát triển lòng tự tin. Tất cả những điều này đều cần thiết trong việc giúp trẻ cảm thấy vui vẻ và tích cực

Tiếp đó, chúng ta sẽ tập trung vào cách giúp trẻ hiểu và tôn trọng các quy tắc mà bạn cảm thấy quan trọng đối với việc học hành của con, những quy tắc này được xây dựng dựa trên giá trị và niềm tin của chính bạn. Chúng ta biết rằng mỗi nền văn hóa, mỗi gia đình đều có những quy tắc khác nhau. Tôi thích nhìn con chạy nhảy bằng chân trần nhưng ở các gia đình khác thì trẻ phải mang dép.

Bạn có thể nói rằng cha mẹ đặt ra nhiều quy tắc, nhưng luôn có phần não duy nhất chịu trách nhiệm điều chỉnh những quy tắc này để đứa trẻ có thể thỏa mãn nhu cầu của mình, đồng thời tuân theo các quy tắc được thiết lập bởi xã hội và gia đình nơi trẻ sống.

Để thấm nhuần những quy tắc này vào não trẻ thành công và cho phép trẻ đạt được mục tiêu của mình trong khi vẫn phải tuân theo “luật chơi”, phải đáp ứng hai điều kiện. Đầu tiên, các quy tắc nên được đặt ra bằng cách áp đặt các giới hạn và thực thi các giới hạn đó. Thứ hai, điều quan trọng là phải chỉ ra cho trẻ biết hành vi nào là phù hợp, cũng như giúp não trẻ lưu giữ hành vi đó theo hướng tích cực.

Trẻ em phát triển một phần đáng kể năng lực trí tuệ và cảm xúc thông qua quan sát và bắt chước. Nếu bạn có nhiều hơn một đứa con, bạn có thể sẽ nhớ lại vô số tình huống đứa nhỏ bắt chước đứa lớn. Tương tự như vậy, cả hai bé sẽ bắt chước bạn, cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Kiểu bắt chước này là một cách học tập và phát triển trí não rất cơ bản.

Những con ngựa vằn con chạy trốn khỏi sư tử đơn giản vì tất cả những con ngựa vằn khác đều làm như vậy. Giống hệt thế, những đứa trẻ nhìn thấy mẹ hét lên kinh hãi trước một con nhện có thể hình thành nỗi sợ nhện. Bộ não có một mạng lưới các tế bào thần kinh có mục đích chính là học hỏi thông qua quan sát.

Mỗi khi em bé quan sát cách cha gọi tên mình, mạng lưới được gọi là “tế bào thần kinh phản chiếu” này bắt đầu mường tượng ra môi và lưỡi của em bé cũng cử động theo cách tương tự.

Khi một đứa trẻ thấy mẹ có thái độ tôn trọng người khác và giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh, hoặc ngược lại, mất bình tĩnh và coi thường người khác, não của trẻ có thể hình dung bản thân hành động theo cách tương tự, giống như một tấm gương phản chiếu những gì chúng nhìn thấy.

Các “tế bào thần kinh phản chiếu” âm thầm nhẩm lại nhiều hành vi của chính bạn, lập trình cho bộ não của trẻ như một sự chuẩn bị để trẻ có thể lặp lại các hành vi đó trong những tình huống tương tự

Álvaro Bilbao/ Thái Hà Books & NXB Lao động

Bình luận

SÁCH HAY