Thị trường chứng khoán giảm 9 điểm trong phiên cuối tuần 7/5 với hàng loạt cổ phiếu bluechip điều chỉnh. Tuy nhiên, HPG (Hòa Phát) vẫn tăng 2% và lập đỉnh giá mới 60.800 đồng.
Giá trị vốn hóa của Hòa Phát cũng tăng lên 201.448 tỷ đồng (8,8 tỷ USD). Doanh nghiệp của ông Trần Đình Long hiện có vốn hóa lớn thứ 4 tại Việt Nam, xếp sau Vingroup, Vietcombank, Vinhomes và đứng trên Vinamilk.
Tài sản của ông Trần Đình Long theo đó cũng có thêm 70 triệu USD sau ngày 7/5. Tỷ phú Long hiện nắm giữ trực tiếp 864 triệu cổ phiếu Hòa Phát. Cộng với số lượng cổ phần của các thành viên trong gia đình và người có liên quan, ông Long và người thân sở hữu gần 1,16 tỷ cổ phiếu Hòa Phát, tương ứng gần 35% cổ phần doanh nghiệp.
Theo thống kê cập nhật của Forbes, giá trị tài sản của ông Long đã cán mốc 3 tỷ USD. Đây là kỷ lục về tài sản của cá nhân ông chủ Hòa Phát từ khi doanh nhân này được công nhận là tỷ phú.
Ông Long hiện là người giàu thứ 1.085 trên thế giới. Tại Việt Nam, chủ tịch Hòa Phát trở thành người giàu thứ hai từ giữa tháng 4 và hiện tiếp tục củng cố vị trí này với giá trị tài sản tăng 300 triệu USD trong 3 tuần.
Trong khi đó, tài sản của người giàu nhất Việt Nam là Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng giảm 800 triệu USD 3 tuần qua và hiện còn 9 tỷ USD. Sự sụt giảm này tương ứng với việc cổ phiếu Vingroup mất 8% giá trị so với thời điểm cách đây 3 tuần.
Giá trị tài sản của các tỷ phú Việt | |||||||
Số liệu theo thống kê của Forbes đến ngày 7/5 | |||||||
Nhãn | Phạm Nhật Vượng | Trần Đình Long | Nguyễn Thị Phương Thảo | Hồ Hùng Anh | Trần Bá Dương | Nguyễn Đăng Quang | |
giá trị tài sản | tỷ USD | 9 | 3 | 2.4 | 1.7 | 1.6 | 1.2 |
Tài sản của 4 tỷ phú còn lại gồm CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo (2,4 tỷ USD), Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh (1,7 tỷ USD), Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương (1,6 tỷ USD), Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang (1,3 tỷ USD) không biến động nhiều từ giữa tháng 4 đến nay.