“Chúng tôi nhận định rằng khi diễn biến Covid-19 còn phức tạp thì ưu tiên hàng đầu là giảm nợ vay, tinh gọn sản xuất kinh doanh, đảm bảo quản lý hiệu quả và có khả năng tự cân đối tài chính cho từng dự án, hạn chế việc phát sinh nợ vay mới”, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) chia sẻ định hướng của tập đoàn trong báo cáo thường niên 2020.
Bầu Đức cho rằng số liệu năm 2020 chưa thể hiện đúng tình hình tài chính của Hoàng Anh Gia Lai do vẫn còn hợp nhất HAGL Agrico. Từ quý I năm nay, khi HAGL Agirco không còn là công ty con của Hoàng Anh Gia Lai, tình hình công nợ và tài sản của tập đoàn sẽ được phản ánh chính xác.
Chỉ mở rộng khi tự cân đối được tài chính
Từ cuối năm ngoái, Hoàng Anh Gia Lai đã chuyển nhượng bớt một số công ty con của HAGL Agrico tại Campuchia phía Trường Hải, thực hiện thủ tục chuyển đổi nợ phải trả thành vốn cổ phần và từ bỏ quyền kiểm soát HAGL Agrico. Hoàng Anh Gia Lai cũng bán bớt cổ phần HAGL Agrico để trả nợ ngân hàng, đầu tư phát triển các dự án mà tập đoàn còn giữ lại để tạo nền tảng cho tương lai.
Đây là những hành động cụ thể sau khi ban lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai nhận định phải nhanh chóng trả bớt nợ vay để giảm áp lực thanh khoản và chi phí lãi vay, thoái vốn khoản đầu tư tại Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico), tập trung tái cấu trúc sản xuất kinh doanh theo hướng gọn nhẹ và hiệu quả, phù hợp với năng lực tài chính của tập đoàn.
“Dịch Covid-19 làm cho giá bán sản phẩm giảm nhiều, đồng thời chi phí vận chuyển và lưu thông hàng hoá lại tăng. Các yếu tố này làm cho tỷ suất lợi nhuận kinh doanh của tập đoàn ở mức quá thấp. Trong khi đó, lịch đến hạn trả nợ của các khoản vay thì hầu như chưa được điều chỉnh”, bầu Đức nhắc lại về những khó khăn chồng chất năm 2020 khi dịch bệnh ảnh hưởng đến cả hoạt động sản xuất kinh doanh lẫn tiêu thụ hàng hóa.
Trong tương lai, Hoàng Anh Gia Lai chỉ tính đến kế hoạch mở rộng khi dịch Covid-19 được kiểm soát trên phạm vi thế giới và các dự án của tập đoàn tự cân đối tài chính. Ông Đức nhấn mạnh doanh nghiệp phố núi vẫn tiếp tục theo đuổi sứ mệnh phát triển ông nghiệp bền vững.
Giảm mạnh vay ngắn hạn
Trong báo cáo thường niên, bầu Đức nhấn mạnh việc sau khi không còn hợp nhất số liệu tài chính của HAGL Agrico, số dư nợ phải trả nói chung và nợ vay ngân hàng nói riêng của Hoàng Anh Gia Lai giảm rất nhiều. Báo cáo tài chính quý I phản ánh thực tế này.
Kết thúc tháng 3, nợ phải trả của Hoàng Anh Gia Lai đã giảm 50% từ 27.200 tỷ còn 13.700 tỷ đồng. Thay đổi lớn nhất trong các khoản nợ phải trả của tập đoàn này là tổng giá trị các khoản vay giảm 9.400 tỷ còn 8.700 tỷ đồng.
Vay ngắn ngạn của Hoàng Anh Gia Lai giảm mạnh | |||
Dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Hoàng Anh Gia Lai thay đổi sau 3 tháng | |||
Nhãn | IV/2020 | I/2021 | |
Dư nợ ngắn hạn | tỷ đồng | 8772 | 1284 |
Dư nợ dài hạn | 9331 | 7426 |
Cuối năm 2020, HAGL Agrico đang vay tổng cộng 11.400 tỷ từ Trường Hải, nhiều ngân hàng như BIDV, Sacombank, HDBank, TPBank và chính Hoàng Anh Gia Lai. Hiện tại, tập đoàn của bầu Đức không còn phải hạch toán các khoản vay này vào báo cáo hợp nhất của mình.
Cấu trúc nợ nay của Hoàng Anh Gia Lai cũng thay đổi lớn. Cuối năm ngoái, dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn không chênh lệch nhiều, lần lượt là 8.800 tỷ và 9.300 tỷ. Đến hết quý I, dư nợ vay dài hạn của tập đoàn này vẫn rất lớn - 7.400 tỷ nhưng vay ngắn hạn chỉ còn 1.300 tỷ.
Trong gần 1.300 tỷ dư nợ ngắn hạn nói trên, phần lớn là các khoản vay dài hạn ngân hàng và trái phiếu đến hạn trả trong vòng một năm. Còn lại, Hoàng Anh Gia Lai chỉ còn hơn 200 tỷ tiền vay ngắn hạn với chủ nợ chính là Sacombank. Đây là các khoản vay trong năm 2020 và sẽ đáo hạn trong năm nay.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Hoàng Anh Gia Lai cho biết trong 3 tháng đầu năm, tập đoàn này đã chi 458 tỷ trả nợ gốc vay và chỉ vay 295 tỷ. Chuyên viên phân tích của một công ty chứng khoán tại TP.HCM nhận định với Zing con số này thể hiện doanh nghiệp đang thật sự trả được nợ. Trong khi đó, vào quý I năm trước và cả năm 2020, tiền đi vay của Hoàng Anh Gia Lai luôn nhiều hơn tiền trả nợ gốc vay.
Nhờ đó, tỷ lệ vay trên vốn chủ sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai quý I là 1,84 lần, cải thiện nhẹ so với mức 1,87 lần cuối năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp hiện lên tới 2,88 lần, cao hơn mức 2,75 lần cuối năm ngoái.
Một điểm tích cực khác là các chỉ số thanh toán của tập đoàn này cũng đã cải thiện. Đến cuối quý I, chỉ số thanh toán hiện thời của Hoàng Anh Gia Lai là 0,88 còn chỉ số thanh toán nhanh là 0,82. Hai chỉ tiêu này của doanh nghiệp phố núi vào cuối năm 2020 chỉ là 0,67 và 0,51.
Một số chỉ tiêu tài chính của Hoàng Anh Gia Lai | ||||
Nhãn | IV/2020 | I/2021 | ||
Thanh toán hiện thời | 0.67 | 0.88 | ||
Thanh toán nhanh | 0.51 | 0.82 | ||
Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu | 2.75 | 2.88 | ||
Vay nợ/Vốn chủ sở hữu | 1.87 | 1.84 |
Đây mới là quý đầu tiên Hoàng Anh Gia Lai không còn hợp nhất HAGL Agrico trên báo cáo tài chính. Liệu các chỉ số tài chính của Hoàng Anh Gia Lai có trở nên lành mạnh thật sự hay không sẽ cần thêm thời gian để kiểm chứng.
Nhưng tập đoàn này đang tiếp tục quyết liệt thực hiện ưu tiên giảm nợ vay như lời bầu Đức. Giữa tháng 4, Hoàng Anh Gia Lai đã bán 72 triệu cổ phiếu HAGL Agrico và vừa tiếp tục đăng ký bán thêm 80 triệu đơn vị nữa để giải quyết các khoản nợ ngân hàng.