Sau khi giảm sâu hôm qua, chứng khoán trong nước tiếp tục rơi mạnh ngay khi mở cửa phiên 27/4. Chỉ sau hơn 30 phút đầu phiên, VN-Index rơi xuống sát mốc 1.200 điểm. Lúc này, lực mua vào mạnh hơn khi nhiều cổ phiếu giảm sâu giúp thị trường không thủng mốc quan trọng này.
Tuy nhiên, VN-Index không hồi phục mạnh mẽ trước áp lực bán và chủ yếu lình xình quanh mốc tham chiếu trong thời gian giao dịch còn lại. Đóng cửa phiên 27/4, VN-Index dừng ở 1.220 điểm, tăng nhẹ 4 điểm (0,3%).
VN-Index tăng nhẹ nhưng thị trường trong trạng thái “xanh vỏ, đỏ lòng” khi 221 mã giảm và chỉ 190 mã tăng. Nhóm VN30 giao dịch tích cực hơn thị trường chung với 14 cổ phiếu chốt phiên trong sắc xanh và 13 mã giảm.
Các cổ phiếu đóng góp nhiều nhất giúp VN-Index lấy lại sắc xanh trong phiên 27/4 lần lượt là NVL (Novaland), HPG (Hòa Phát), MSN (Masan), VIC (Vingroup), ACB. Ngược lại, một số mã bluechip giảm giá gây áp lực lớn lên thị trường chung gồm PLX (Petrolimex), VRE (Vincom Retail), PDR (Phát Đạt), VNM (Vinamilk).
Thị trường không thể bứt phá khi dòng tiền đổ vào chứng khoán suy yếu. Thanh khoản phiên 27/4 giảm mạnh với giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE chỉ 13.065 tỷ đồng, thấp hơn gần 3.900 tỷ so với phiên hôm qua. Đây là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 4.
Giá trị giao dịch phiên 27/4 giảm mạnh. Ảnh: VNDS. |
Khối ngoại hôm nay tiếp tục mang tín hiệu tích tực cho thị trường chung với giá trị mua ròng lên tới 424 tỷ trên toàn thị trường. Lực mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào các mã bluechip HPG, NVL, MSN. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng nhiều cổ phiếu ngân hàng như VPB (VPBank), CTG (Vietinbank), MBB (MBBank).
Trao đổi với Zing về diễn biến thanh khoản sụt giảm mạnh phiên 27/4, ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán VIS nhận định sau giai đoạn rung lắc mạnh trên thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư sẽ ở trạng thái chờ đợi tín hiệu tiếp theo. Vì vậy, sẽ có một khoảng trống về giao dịch so với trước đó.
“Sau thời gian tăng nóng, thị trường bắt đầu phân hoá và đi ngang. Thanh khoản cũng sẽ yếu dần. Nhưng điều quan trọng là thị trường vẫn tiếp tục đi ngang. Đây là yếu tố bền vững. Sau vài tuần, dòng tiền sẽ quay vòng đều hơn trước”, ông Khanh nêu quan điểm.
Chuyên gia chứng khoán này dự báo trong kịch bản xấu, thị trường chứng khoán trong nước có thể chỉ điều chỉnh thêm một nhịp nữa sau đó sẽ bắt đầu đi ngang trong vài tuần. Theo ông Khanh, xu hướng chung của thị trường vẫn ổn định nên nhà đầu tư không nên lo lắng.
Báo cáo của MBS cũng đánh giá về kỹ thuật, thị trường vẫn dao động trên vùng đáy của nhịp tăng điểm và xu hướng tăng vẫn không thay đổi. Nhóm phân tích của công ty này dự đoán VN-Index tiếp tục đi ngang khi các thông tin hỗ trợ mới chưa xuất hiện. Thị trường có thể sẽ tiếp tục tích lũy trong vùng 1.200-1.250 điểm.