Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research vừa công bố báo cáo đánh giá về cổ phiếu HPG của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, với kỳ vọng lợi nhuận sau thuế cả năm nay vượt mốc 1 tỷ USD.
Cụ thể, cuối tháng 4 vừa qua, cổ đông Hòa Phát đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 120.00 tỷ đồng và 18.000 tỷ, tương đương mức tăng 33-34% so với năm 2020.
Ban lãnh đạo Hòa Phát cũng thông tin kết quả kinh doanh quý I với 31.000 tỷ đồng doanh thu và 7.000 tỷ đồng lãi ròng, tăng lần lượt 59% và 204% so với cùng kỳ. Trong đó, kết quả này có được là nhờ sản lượng tiêu thụ và xu hướng giá thép tăng khi Trung Quốc thực hiện chính sách kiểm soát sản xuất thép.
Với kết quả kinh doanh quý I và xu hướng giá thép tốt hơn các quý sau, các chuyên gia tại SSI Researcg dự báo lợi nhuận sau thuế cả năm của Hòa Phát có thể đạt 24.400 tỷ đồng, cao hơn 81% so với năm liền trước.
KẾT QUẢ KINH DOANH HÀNG NĂM CỦA HÒA PHÁT | |||||||||
Nhãn | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 kế hoạch công ty | 2021 ước tính SSI Research | |
Lợi nhuận sau thuế | tỷ đồng | 3504 | 6606 | 8015 | 8601 | 7578 | 13506 | 18000 | 24400 |
Thậm chí, mức lợi nhuận ròng SSI Research ước tính cũng cao hơn 35% so với kế hoạch ban lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng và là lần đầu tiên dự báo lợi nhuận năm của Hòa Phát vượt 1 tỷ USD.
Kỳ vọng lợi nhuận trên được đưa ra dựa trên ước tính doanh số thép xây dựng và thép cán nóng duy trì ở mức 4 triệu tấn (tăng 17,4%) và 2,9 triệu tấn (tăng 220% so với năm liền trước). Ngoài ra, giả định giá trung bình đối với thép xây dựng và thép cán nóng cũng lần lượt là 14,8 triệu đồng/tấn (tăng 22%) và 17,6 triệu đồng/tấn (tăng 35%).
Theo dự báo, xu hướng giá thép sẽ còn tăng trong năm nay khi Trung Quốc thay đổi chính sách kiểm soát sản xuất kim loại này khiến tỷ suất lợi nhuận của Hòa Phát tăng. Nếu tính trong quý I, giá trung bình thép xây dựng và thép cán nóng đều tăng khoảng 23% so với quý trước (IV/2020) và cao hơn mức tăng tuyệt đối của giá quặng sắt.
Giá thép được hỗ trợ bởi xu hướng tăng toàn cầu, do nhu cầu thép phục hồi và việc cắt giảm công suất ở Trung Quốc cùng việc nước này xem xét giảm mức hoàn thuế xuất khẩu mặt hàng thép.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: Việt Hùng. |
Theo đó, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang thực hiện một số biện pháp đối với ngành thép để hạn chế ô nhiễm. Trong đó, Trung Quốc dự kiến cắt giảm 30-50% sản lượng từ tháng 3 đến tháng 12 đối với 23 nhà sản xuất thép ở Đường Sơn - thủ phủ thép của Trung Quốc - với công suất 144 triệu tấn/năm, chiếm 13,5% công suất thép Trung Quốc.
Do Trung Quốc là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 57% sản lượng toàn cầu, nên những thay đổi chính sách này có tác động đáng kể đến giá thép và nguyên liệu thô toàn cầu.
Theo đánh giá của SSI Research, Hòa Phát sẽ là bên hưởng lợi lớn nhất tại Việt Nam từ những thay đổi này. Việc giảm sản lượng và ngừng giảm giá xuất khẩu sẽ khiến tăng trưởng sản lượng sản xuất ở Trung Quốc thấp hơn, dẫn đến giá thép thế giới tăng.
Ngoài ra, việc bán lại phế liệu thép đã dẫn đến giá phế liệu tăng và làm tăng chi phí đầu vào cho các công ty đối thủ trong nước của Hòa Phát.
Với các lợi thế kể trên, các chuyên gia cho rằng 2021 dự kiến tiếp tục là năm Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh và lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD lãi ròng.