Theo Swimvortex, rạng sáng ngày 11/11, khi tất cả còn đang say giấc, bỗng một tiếng hét lớn vang lên trong một căn phòng thuộc trung tâm huấn luyện bơi quốc gia Trung Quốc tại Bắc Kinh. Ánh đèn được bật lên, các đồng đội phát hiện Qing Wenyi nằm bất tỉnh và vội đưa cô vào bệnh viện Tiantan. Tuy nhiên, một giờ sau, tài năng trẻ của làng bơi lội Trung Quốc đã trút hơi thở cuối cùng.
Sự ra đi đột ngột của Qing Wenyi làm dấy lên làn sóng nghi vấn trong cộng đồng bơi lội ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Không ít ý kiến đã kêu gọi Cơ quan phòng chống doping quốc tế (WADA) nhập cuộc nhằm làm sáng tỏ vụ việc.
Tuy nhiên 3 tiếng sau cái chết của con gái, chưa rõ có sự tác động từ bên ngoài hay không, cha mẹ Qing Wenyi quyết định từ chối khám nghiệm tử thi. Và 3 ngày sau, thi thể kình ngư 17 tuổi được hỏa táng.
Nữ vận động viên xấu xố, Qing Wenyi. Ảnh: Daily Mail. |
Hiện chưa có tuyên bố chính thức nào từ phía Liên đoàn bơi lội Trung Quốc cũng như các nhân vật có thẩm quyền. Chính điều này càng khiến xuất hiện nhiều hơn mối ngờ vực về việc liệu thể thao Trung Quốc có đang tồn tại tình trạng sử dụng doping tràn lan, giống như nghi vấn Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF) và WADA đang nhắm vào Nga.
Trong hơn một thập kỷ qua, cũng đã có những vận động viên bơi lội Trung Quốc bị phát hiện dương tính với chất cấm ở các giải đấu quốc tế như Wang Lizhou – vận động viên Trung Quốc đầu tiên giành thành tích dưới 1 phút (59 giây 79) ở nội dung 100 m ếch, Ning Zetao – vô địch thế giới 100 m tự do 2009.
Ngoài ra, còn phải kể tới nghi vấn nhắm vào nữ hoàng bơi lội Ye Shiwen, người từng giành huy chương vàng ở nội dung 200 m và 400 m hỗn hợp nữ tại Olympic London 2012. Thậm chí khi ấy, chặng nước rút ở nội dung 400 m hỗn hợp của cô gái 16 tuổi người Trung Quốc còn xuất sắc hơn cả đồng nghiệp nam nổi tiếng Ryan Lochte. Trong khi tại giải vô địch bơi lội thế giới diễn ra trong năm nay tại Kazan (Nga), Ye Shiwen chậm hơn tới 6 giây 03 ở nội dung 200 m so với thành tích trên và không vượt qua vòng loại 400 m.
Điền kinh Nga đối mặt với nguy cơ không được tham dự Olymic Rio 2016. Ảnh: Getty Images. |
Trong diễn biến mới đây, IAAF cũng quyết định tạm cấm điền kinh Nga tham dự các giải đấu quốc tế do tổ chức này đăng cai. Trước đó, WADA đã công bố tài liệu điều tra 323 trang liên quan đến việc sử dụng doping có hệ thống của các vận động viên xứ bạch dương và sự bao che của các quan chức nhằm giúp điền kinh Nga giành thành tích cao tại Olympic London 2012.