Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang về công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Cử tri địa phương này phản ánh, hiện nay tình hình tai nạn giao thông có xu hướng gia tăng, gây thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông.
“Kiến nghị ngành giao thông vận tải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ quy trình quản lý, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông”, cử tri kiến nghị.
Trả lời kiến nghị này, Bộ GTVT cho biết thời gian qua, Bộ đã hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao vai trò của cơ quan quản lý trong kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX.
Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của Sở GTVT trong công tác quản lý, giám sát quá trình đào tạo lái xe của các cơ sở đào tạo thông qua việc kiểm tra, giám sát đột xuất quá trình đào tạo.
Hiện trường vụ tai nạn xảy ra trên cao tốc La Sơn- Tuý Loan. Ảnh: Hồ Giáp. |
Sở GTVT các địa phương có trách nhiệm giám sát công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp, thi cấp chứng chỉ; cung cấp các công cụ để cán bộ quản lý xét duyệt các học viên đã học đủ nội dung, khối lượng đào tạo để tham dự kỳ sát hạch.
Đồng thời, Bộ cũng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đào tạo lái xe thông qua thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết; thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe, học viên phải học trên cabin…
Đối với công tác quản lý sát hạch lái xe cũng được tự động hóa, hoàn thiện quy trình sát hạch để tránh sự can thiệp của con người, đảm bảo thực hiện thống nhất theo quy trình sát hạch lái xe.
Cụ thể:
Nội dung sát hạch lý thuyết và sát hạch mô phỏng được thực hiện trên hệ thống máy tính thông qua phần mềm sát hạch do Bộ xây dựng và chuyển giao. Thí sinh thực hiện phần thi một cách độc lập, không có sự giao tiếp với sát hạch viên trong phòng thi lý thuyết.
Nội dung sát hạch thực hành được tự động hóa thông qua thiết bị chấm điểm tự động. Đối với sát hạch thực hành lái xe trong hình, thí sinh hoàn thành phần thi độc lập, không có sát hạch viên ngồi bên cạnh. Đối với sát hạch thực hành lái xe trên đường, có sát hạch viên ngồi cạnh để bảo hiểm tay lái. Tuy nhiên, toàn bộ quá trình thi đều được camera giám sát ghi lại và trung tâm sát hạch lưu trữ theo quy định.
Đặc biệt, hệ thống camera giám sát tại các trung tâm sát hạch ghi lại được toàn bộ quá trình sát hạch của thí sinh, công khai hình ảnh tại các khu vực chờ của thí sinh và truyền về cơ quan quản lý để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát.
Kiến nghị bỏ phần thi mô phỏng
Cũng liên quan đến đào tạo,sát hạch cấp GPLX, cử tri tỉnh Đồng Nai phản ánh: Hiện nay việc học, thi, cấp bằng lái ôtô được bổ sung phần thi tình huống mô phỏng. Việc này khiến người học lái xe gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết người học phải ghi nhớ như học thuộc bài chứ chưa thể xử lý theo đúng phản xạ thực tế. Cử tri kiến nghị Bộ GTVT xem xét bãi bỏ nội dung thi nêu trên.
Về nội dung này, Bộ GTVT cho biết đã giao Cục Đường bộ Việt Nam xây dựng phần mềm mô phỏng và được thực hiện từ ngày 15/6/2022.
Phần mềm mô phỏng được xây dựng theo mô hình các nước Anh, Australia, Nhật, Singapore và các tình huống tai nạn giao thông đã xảy ra ở Việt Nam như: Lái xe trên phố đông người, đường cắt ngang, đường giao cắt với đường sắt, đường cao tốc, chỗ dừng đèn đỏ, qua phà, đường đèo dốc, sương mù, mưa to, trơn trượt, ban ngày, ban đêm... Phần mềm giúp người học nhận biết, kịp thời phát hiện các tình huống mất an toàn giao thông, vì vậy, chỉ tính điểm từ khi xuất hiện tình huống.
“Tuy nhiên, do lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, nên sau thời gian triển khai thực hiện, trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Cục Đường bộ Việt Nam đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung của phần mềm và đưa vào sử dụng từ ngày 5/1/2024”, Bộ GTVT nêu.