Hàng không giá rẻ kém an toàn?
Hiện trường vụ rơi máy bay Germanwings ở Pháp. Ảnh: AFP |
Hai vụ tai nạn thảm khốc liên tiếp của hai hãng hàng không giá rẻ (AirAsia và Germanwings) làm dấy lên câu hỏi về độ an toàn của loại hình dịch vụ này so với các hãng hàng không bình thường. Tuy nhiên, chiến lượng kinh doanh của các hãng dường như không ảnh hưởng tới độ an toàn của một chiếc máy bay, Independent đưa tin.
Mọi hãng hàng không đều phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về an toàn bay, bao gồm chất lượng phi cơ cùng khả năng của phi hành đoàn. Ngoài ra, Germanwings, hãng hàng không vừa rơi máy bay ở Pháp, có hồ sơ an toàn rất đáng nể. Nó là công ty con của Lufthansa, hãng hàng không lớn nhất châu Âu. Tai nạn chết người gần nhất của hãng xảy ra năm 1993 tại sân bay Warsaw, Ba Lan, làm 2 người thiệt mạng.
Máy bay Airbus A320 cũ vẫn an toàn?
Chiếc Airbus A320 vừa gặp nạn ở Pháp đã được sử dụng trong 24 năm. Tuy nhiên, thời gian hoạt động không gây quá nhiều tác động tới độ vững chắc của một chiếc phi cơ. Mọi máy bay chở khách phải trải qua quá trình bảo trì và kiểm tra định kỳ. Nếu tàu bay không đảm bảo an toàn, nó sẽ không bao giờ được phép cất cánh.
Quá trình kiểm tra một chiếc máy bay rất tỉ mỉ. Đội ngũ kỹ thuật viên xem xét từ da bọc ghế tới các hệ thống điện tử tinh vi của phi cơ. Tất cả các hãng hàng không đều có đội ngũ kỹ thuật viên đảm trách nhiệm vụ này. Thông thường, một máy bay cũ được bảo trì tốt sẽ an toàn không kém một phi cơ mới.
Airbus A320 đang xuống cấp?
Lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường rơi máy bay 4U9525. Ảnh: AFP |
Đây là vụ tai nạn thứ 2 với máy bay Airbus A320 trong 2 tháng qua. Nó khiến nhiều người tỏ ra nghi ngờ khả năng của mẫu phi cơ ra đời năm 1988. Tuy nhiên, trong gần 30 năm hoạt động, A320 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên chở hành khách.
Airbus A320 đã thực hiện 80 triệu chuyến bay, chuyên chở 1 tỷ hành khách, tương đương một phần bảy dân số trái đất. Nó gặp phải 11 tai nạn gây chết người. Tính trung bình, phải sau 2,5 năm, mẫu máy bay này mới góp mặt trong một tai nạn chết người. Tỷ lệ tai nạn chết người là 1 trong 7 triệu lần cất cánh.
Dữ liệu chuyến bay trực tuyến sẽ an toàn hơn?
Sau sự cố MH370 của hãng Malaysia Airlines, nhiều chuyên gia hàng không cho rằng các nhà sản xuất máy bay nên tính toán tới việc sử dụng hộp đen trực tuyến, giúp truyền thẳng thông tin về chuyến bay tới trung tâm lưu trữ thông qua vệ tinh. Nó giúp các chuyên gia hàng không phát hiện sớm sự cố để khắc phục kịp thời.
Tuy nhiên, hộp đen trực tuyến không thể hỗ trợ trường hợp của 4U9525. Kiểm soát không lưu phát hiện dấu hiệu bất thường với máy bay của hãng Germanwings khi nó đột ngột giảm độ cao. Tuy nhiên, nỗ lực liên lạc với phi hành đoàn không mang lại hiệu quả. Họ bất lực nhìn máy bay rơi dần trước khi biến mất hoàn toàn khỏi màn hình radar khi bay qua dãy núi Alps ở Pháp.
Hộp đen biến dạng của 4U9525. Ảnh: AP |
Đi máy bay ngày càng nguy hiểm?
Trong thế kỷ 21, việc đi lại bằng máy bay ngày càng trở nên quan trọng. Số lượng các chuyến bay tăng mạnh sau mỗi năm. Theo dự đoán, các hãng hàng không sẽ phải phục vụ 3,5 tỷ lượt khách trong năm nay. Nếu tai nạn hàng không xảy ra với tỷ lệ như trong năm 2014, khoảng 1.000 người sẽ tử nạn.
Tuy nhiên, dựa vào số liệu các năm trước đó, các chuyên gia dự đoán khoảng 1,2 triệu người sẽ chết vì tai nạn giao thông trong năm 2015. Trung bình, số người chết vì tai nạn ở Đức trong 3 tuần sẽ tương đương với số người thiệt mạng vì đi máy bay trong suốt 1 năm. Nó cho thấy, máy bay vẫn là phương tiện đi lại an toàn nhất thế giới.