Doraemon từ lâu đã trở thành một biểu tượng văn hóa của Nhật Bản nói riêng và nhân vật nổi tiếng tại nhiều quốc gia châu Á nói chung. Không chỉ xuất hiện trên những trang truyện tranh, Doraemon được chuyển thể thành phim hoạt hình, kịch, là cảm hứng cho các cuốn truyện, công viên chủ đề Doraemon, các nhân vật xuất hiện trên rất nhiều vật dụng của đời sống…
Fujiko F. Fujio - cha đẻ của chú mèo máy kỳ diệu - không chỉ viết nên câu chuyện màu nhiệm của khoa học kỹ thuật, của tình bạn đẹp, mà chính cuộc đời ông đã truyền cảm hứng cho thế hệ họa sĩ trẻ, trong đó có Shintaro Mugiwara.
Là một trong những trợ lý của họa sĩ Fujiko, Shintaro Mugiwara làm việc và học hỏi được rất nhiều điều trong những năm tháng cuối đời của cha đẻ Doraemon. Anh đã chuyển tải những tình cảm của mình với “thầy Fujiko” qua cuốn truyện tranh Doraemon kí sự - Câu chuyện phía sau họa sĩ Fujiko F. Fujio.
Không chỉ kể lại những kỷ niệm với tác giả Doraemon, cuốn truyện tranh còn khắc họa chân dung Fujiko F. Fujio một cách chân thực.
Ngắm nhìn thế giới và thưởng thức nghệ thuật
Shintaro Mugiwara tới làm trợ lý cho Fujiko F. Fujio Fujimoto Hiroshi) vào năm 1988, khi họa sĩ tách nhóm, thành lập văn phòng mới có tên Fujiko Pro. Vốn mê Doraemon từ nhỏ, Shintaro đã vẽ theo và sáng tác truyện tranh, rồi đạt giải thưởng Fujiko F. Fujio lần thứ 14. Đó là cơ duyên đưa chàng sinh viên chưa tốt nghiệp đại học đến với công ty Fujiko Pro.
Họa sĩ Fujiko qua nét vẽ của học trò Shintaro. |
Tại văn phòng truyện tranh, chàng trai Shintaro đã được tiếp cận thần tượng của mình ở khoảng cách gần, anh kể lại những thói quen, nếp sinh hoạt và sự dung dị cũng như nghiêm khắc trong sáng tạo của Fujiko.
Theo Shintaro, họa sĩ Fujiko làm việc theo giờ giấc cố định để duy trì nhịp sáng tác và giữ gìn sức khỏe. Buổi sáng, họa sĩ sẽ tới văn phòng rồi sáng tác. Ông nghỉ trưa lúc 12h và 14h quay lại văn phòng tiếp tục làm việc cho tới 17h thì trở về nhà. Nhờ đó, ông làm việc hiệu quả. “Ngày nào tiên sinh cũng chuyển sang rất nhiều bản thảo, tất cả vẽ bằng tay” khiến cho các trợ lý của ông thường phải ở lại văn phòng để hoàn thành các chi tiết cho bản thảo.
Fujiko thường nghe nhạc cổ điển khi làm việc. “Âm thanh nhạc cổ điển vang vọng khắp không gian làm việc”, Shintaro nhớ lại. Mỗi lần nghe nhạc cổ điển vọng lên từ phòng làm việc của thầy, cậu trợ lý trẻ lại thầm nhủ: “Có vẻ cảm hứng của thầy đang dâng cao lắm đây”.
Mỗi lần vẽ, họa sĩ như truyền sự ấm áp trong từng đường bút. Ông thường vừa xoay giấy để chọn góc độ dễ vẽ nhất vừa đưa bút. Khi vẽ xong bản thảo, ông thoải mái và thanh thản. Cậu trợ lý miêu tả: “Tấm lưng của thầy trông đầy vẻ thảnh thơi sau khi hoàn thành bản thảo của tháng”.
Khi mới tới làm việc ở Fujiko Pro, Shintaro còn rất non trẻ. Vì thế những lần tiếp cận với người thầy đã cho anh nhiều bài học quý giá trong sáng tạo.
Để có nhiều trải nghiệm, kiến thức cũng như mở rộng trí tưởng tượng, họa sĩ Fujiko thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật. Hai loại hình mà ông yêu thích là sách và xem phim. Vì rất thích đọc nên ông luôn mang theo những cuốn sách. “Cặp của tiên sinh lúc nào cũng nặng vô cùng”, Shintaro kể. Ông đọc sách trong giờ nghỉ, những lúc không vẽ, đọc sách trên tàu điện hoặc xe bus từ nhà đến văn phòng.
Sách Doraemon kí sự - Câu chuyện phía sau họa sĩ Fujiko F. Fujio. |
Fujiko rất thích phim ảnh. Ở nhà ông có nhiều đĩa laser (đĩa quang học được dùng để ghi hình chất lượng cao, xuất hiện vào những năm 1980-1990), trong đó là phim châu Âu, phim Nhật Bản, phim Mỹ… với nhiều thể loại từ phim kinh điển tới phim kinh dị…
Tác giả Doraemon thường chọn những đĩa phim của mình và mang tới văn phòng để các trợ lý cùng xem. Bộ phim mà ông đặc biệt thích là Star war, lần nào xem cũng đầy say mê.
Không chỉ vậy, ông còn dẫn trợ lý đi xem kịch, cùng đi ăn. Ông nói với học trò: “Em hãy ngắm nhìn thật nhiều thế giới và học hỏi. Nếu vẽ truyện tranh thì không chỉ thế giới mình thích…”
Dung dị mà nghiêm khắc, làm việc tới cuối đời
Từ năm 1986, sức khỏe của Fujiko yếu dần. Ông mang bệnh ung thư gan và sau đó phát hiện mình mắc bệnh tim. Tới năm 1996, dù rất mệt không thể tới văn phòng nhưng Fujiko vẫn làm việc, khi thì ở nhà, khi thì trong bệnh viện.
Năm 1996, ông ấp ủ cho ra mắt tập truyện dài với tên Nobita và cuộc phiêu lưu ở thành phố dây cót. Ông gửi tới cho các trợ lý ở văn phòng bản thảo của tập truyện, 4 trang đầu có màu, trong đó có cả bìa lót. Phần bản thảo còn lại được tác giả đi nét các nhân vật, nhưng tất cả đều là vẽ nháp. Ông yêu cầu trợ lý Shintaro hoàn thiện bản thảo cho mình.
Trong lúc dưỡng bệnh, ông viết thư căn dặn thành viên của công ty. Lời lẽ bức thư đầy trìu mến, vừa khuyến khích vừa đặt ra những yêu cầu khắt khe: “Gửi các bạn nhân viên của Fujiko Pro! Ngày nào các bạn cũng làm việc thật vất vả. Tôi nghĩ lần này các bạn còn vất vả hơn mọi khi nhiều. Tôi chân thành cảm ơn!”.
Ông gửi gắm đứa con tinh thần của mình và đặt niềm tin nơi các học trò: “Xin các bạn hãy tận dụng 2 cơ hội này để chỉnh sửa và hoàn thiện nội dung hết sức có thể”, “Đây cũng là điều tôi thường tự nhủ với chính mình, rằng hãy coi mỗi tác phẩm đều là tác phẩm đầu tay để băn khoăn và trăn trở trong từng trang vẽ. Chúng ta hãy cùng nhau cố gắng nhé”.
Fujiko đã sáng tạo cho tới lúc mất ý thức. Ông là tấm gương lớn cho các học trò. |
Fujiko F. Fujio qua đời ngày 23/9/1996. Một tuần sau sự ra đi của Fujiko, Shintaro nhận được điện thoại của con gái tác giả Doraemon. Cô thông báo ở nhà có một tập bản thảo và nhờ các trợ lý tới xem xét.
Đến nơi, Shintaro vô cùng xúc động khi biết đó là bản thảo của Cuộc phiêu lưu ở thành phố dây cót đã được tác giả vẽ nháp tới lần thứ 3. Bên cạnh bản thảo có những tờ giấy ghi chú các ý tưởng mà tác giả sẽ sử dụng.
“Thầy đã nắm chặt cây bút, hoàn thiện bản thảo này cho đến khi hoàn toàn mất ý thức”, “Trên chiếc bàn này, thầy đã ra đi”, Shintaro nổi da gà khi nghĩ tới điều ấy. Anh quyết tâm hoàn thiện tác phẩm.
Bên cạnh tấm gương lao động sáng tạo hết mình của họa sĩ Fujiko, cuốn sách của Shintaro cũng tiết lộ những sở thích, tính cách của tác giả Doraemon. Người họa sĩ trong lúc mang bệnh trọng vẫn luôn bận rộn vẽ, trả lời phỏng vấn và chăm chút cho từng khung hình.
Đối với các bản thảo của trợ lý, họa sĩ nhận xét kỹ lưỡng, đưa ra các chỉ dẫn, và yêu cầu nghiêm khắc. Ông khuyến khích các trợ lý không chỉ tham gia vẽ Doraemon mà hãy sáng tạo tác phẩm riêng của họ, đọc và sửa cho những tác phẩm riêng ấy. Ông biết sở thích của trợ lý, đãi món kem mà mọi người yêu thích.
Fujiko ra đi nhưng đối với các trợ lý, người thầy vẫn luôn hiện diện, dõi theo từng bước chân của họ. Đối với bạn đọc, Doraemon tiếp tục trở thành người bạn thân thiết với nhiều thế hệ.