Một năm từng có rất nhiều khoảnh khắc hạnh phúc, hạnh phúc đến mức nhắm mắt lại vẫn có thể chạm vào. Nhưng chạm vào thực chất chỉ là một hình ảnh của mộng ảo. Rồi tỉnh lại, là những cơn đau đớn ập đến. Nỗi đau đớn của mất mát, phản bội và chia lìa.
Tôi đã đi một quãng đường rất dài, lại quay về Hà Nội. Giữa những ngày rất buồn, niềm hạnh phúc nhất vẫn là có thể gặp gỡ một đôi gương mặt cũ, nói với nhau một vài câu chuyện nhỏ trong đời sống, nghe đôi ba bài hát xưa cũ, ở Hà Nội.
Những người luôn nói với tôi rằng, hãy hạnh phúc. Ảnh: Lương Hoàng Văn. |
Những người đã có mặt trong những ngày buồn ấy. Những người luôn nói với tôi rằng, hãy hạnh phúc.
Trước đây tôi không nghĩ nhiều về hạnh phúc, tôi thường huyễn hoặc bản thân bằng những bi kịch. Sách vở, âm nhạc hay điện ảnh cũng đắm chìm trong những bi kịch, và càng xa cách với cảm giác về hạnh phúc.
Như trong vở kịch Andromaque, một nhân vật đã nói, cảm giác đau đớn cũng là một cảm giác thật tao nhã. Và tôi đã vin vào những điều ấy, để an ủi, và nhấn chìm mình trong vòng tròn buồn bã.
Nhưng khi bước vào sự chia lìa thực sự, tôi mới thực sự hiểu rằng, cảm giác đau đớn ấy thực quá đáng sợ. Nếu được chọn, tôi ước gì tôi không phải trải qua nó. Tôi ước gì tôi có thể ngủ, có thể ăn, có thể thở…. Tôi mong có thể sống với những hiện hữu dễ chịu trong đời sống này.
Tôi đơn thuần là một kẻ yếu đuối cần được an ủi. Ảnh: Huyền Trang. |
Và như thế nhận ra rằng đêm có thể ngủ một giấc, mỗi sáng có thể tỉnh dậy, thật sự là điều hạnh phúc.
Những ngày cuối năm, không “quay cuồng” đọc những cuốn sách mới trên kệ, mà rẽ sang những tác phẩm văn chương của Hàn Quốc, một nền văn học tôi chưa từng biết, là cảm giác thực sự thích thú. Những cuốn sách tôi cần vào lúc này là sự an ủi. Sự an ủi có thể khiến tôi khóc nức nở, vì tiếng thì thầm tha thiết. Khi S đặt vào tay tôi cuốn sách Dù con sống thế nào mẹ cũng luôn ủng hộ, tôi đã đọc, chậm rãi, từng chút thưởng thức sự an ủi, nhẹ nhàng và yên tĩnh. Đó là những giây phút tôi rời xa khỏi tất cả những gì tôi từng đọc, từng biết, từng suy ngẫm. Tôi đơn thuần là một kẻ yếu đuối cần được an ủi.
Những ngày về lại Trịnh, về lại một nơi đã ôm ấp tôi biết bao nhiêu năm qua. Tôi biết ơn Trịnh, vì đã luôn dành cho tôi một chỗ ngồi. Chỗ ngồi của gắn bó và ấm áp. Nơi tôi có thể ngồi nhìn ra khung cửa sổ lớn. Khung cửa sổ chúng tôi từng ngồi bên nhau. Khung cửa sổ của rất nhiều lưu luyến.
Mỗi ngày khó khăn ấy, tôi lại càng nhìn thấu tâm tình chân thành của sự an ủi. Vài người lặng im, vài người mỉm cười, vài người nói với tôi rằng, chúng tôi sẽ hạnh phúc.
L xuất hiện khi ấy, như sự sắp đặt của định mệnh. Người đã khiến tôi quay lại đi bộ rất nhiều rất nhiều dọc bờ hồ, người đã luôn nói với tôi: “Hãy cố gắng lên”. Người đã hỏi tôi: “Cậu có quý tớ không?”. Rất nhiều năm rồi, không còn ai hỏi tôi điều đó, tôi cũng quên nói với nhiều người thương quý lời ấy. Tôi đã mặc định trong lòng sự trưởng thành cùng với niềm hoang vắng của tâm hồn. Tưởng rằng chúng song hành cùng nhau. Tưởng rằng, càng lớn chúng ta càng có quyền rời xa những “lời nói”, tưởng rằng sự lặng im sẽ khiến chúng ta dễ chịu. Khi L hỏi tôi điều đó, tôi đã thực sự bối rối, sau đó là cảm động.
Tình thương mến thực chất là chân thành cởi mở. Ảnh: Huyền Trang. |
Tôi đã có thể nói với người bạn của tôi: “Tớ quý cậu” và tôi cũng muốn nói điều đó với chính tôi. Bỗng dưng khao khát được cất tiếng, với chính mình, và những người thương mến. Không cần phải xa cách, không cần phải tự dựng cho mình những bức tường cách biệt. Với L, tôi đã trải qua những khoảnh khắc thật thà như vậy. Tôi biết ơn vì L đã xuất hiện, đã đặt vào tay tôi, hai từ “mạnh mẽ”.
Một người đã ra đi và nhiều người đã xuất hiện, theo cách này hay cách khác, tình thương mến thực chất là chân thành cởi mở, như lời T nói, tôi vẫn còn nhớ, cũng là cách bao dung cho chính bản thân, để nhẹ nhõm mà tiến bước.
Tôi không mong cầu khoảnh khắc nào trong đời sống sẽ kéo dài vĩnh viễn, tôi chỉ mong cầu, trái tim rộng mở, mỉm cười và mạnh mẽ để thấu hiểu bản thân thực sự.