Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bàn về hội kín, tôn giáo ở Việt Nam trước 1945

Trong quá trình học tập, hoạt động và giảng dạy, Trần Văn Giàu không ngừng trang bị vũ khí lý luận sắc bén để đấu tranh với kẻ thù, để tuyên truyền cách mạng.

Nói đến Trần Văn Giàu (1911-2010), ta biết đến ông không chỉ với tư cách một nhà cách mạng, một nhà sư phạm - “thầy giáo đỏ”, ông còn là một nhà nghiên cứu xuất sắc trên địa hạt sử học và tư tưởng.

GS Trần Văn Giàu - nhà cách mạng, nhà sư phạm, nhà nghiên cứu

Là chứng nhân góp phần tạo nên lịch sử, nhà cách mạng họ Trần quê đất Long An còn trực tiếp đứng lớp giảng dạy, nhiều tên tuổi trong giới sử học nước nhà đa phần là học trò của ông, trong đó có “tứ trụ” sử học Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê. Khi nhớ về người thầy đáng kính của mình, GS Phan Huy Lê trong bài viết “Người quyết định bước ngoặt trong cuộc đời khoa học của tôi” đã tâm sự “Tôi học ở thầy Giàu không những nhiều tri thức về triết học và lịch sử mà còn được học ở thầy ý chí, nghị lực, tinh thần tự lập, niềm say mê trong khoa học, phương pháp và phong cách giảng bài, nhân cách sống và làm người”.

Su phat trien tu tuong o Viet Nam anh 1

Vợ chồng GS Trần Văn Giàu và bốn học trò là "tứ trụ" sử học.

Trong quá trình học tập, hoạt động và giảng dạy, Trần Văn Giàu không ngừng trang bị vũ khí lý luận sắc bén để đấu tranh với kẻ thù, để tuyên truyền cách mạng. Khả năng xuất chúng về triết học của ông được biết đến từ dạo còn ngồi trên ghế trường Chasseloup Laubat, rồi về sau khi du học ở Pháp, Liên Xô. Khi giảng dạy, Trần Văn Giàu từng dạy Triết học, đồng thời dạy thêm môn Sử, và đây là hai lĩnh vực ông gặt hái được nhiều thành công thể hiện qua những công trình nghiên cứu dày dặn.

Trên địa hạt sử học, cho đến nay tác phẩm Chống xâm lăng là một trong những công trình giá trị của GS Giàu để lại cho đời. Ông cũng là chủ biên của công trình Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Việt Nam… được giới sử học đánh giá cao. Đối với lĩnh vực lịch sử tư tưởng, ông để lại các tác phẩm Giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, Triết học và tư tưởng, Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám

Nghiên cứu công phu về tư tưởng ở Việt Nam thời cận đại

Là một nhà nghiên cứu có đóng góp to lớn không chỉ cho nghiên cứu lịch sử dân tộc, ông còn là một trong những người mở đầu cho lĩnh vực nghiên cứu lịch sử tư tưởng dân tộc sau 1975 một cách có hệ thống với minh chứng tiêu biểu nhất là bộ sách ba tập Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám.

Để có được tác phẩm trọn vẹn này, các tập sách đã chẵn 20 năm nối tiếp nhau ra đời với tập I in năm 1973, tập II in năm 1975 và tập III đến năm 1993 mới được xuất bản. Nói vậy để thấy quá trình nghiên cứu của tác giả là một công việc học thuật vô cùng nghiêm túc, kỹ lưỡng và vất vả với sự bổ túc tư liệu không ngừng.

Xuyên suốt ba tập sách như chính lời tác giả tâm sự “chú trọng đặc biệt vào mặt ý thức tư tưởng” với quá trình chuyển biến dài hơn một trăm năm của ba hệ ý thức phong kiến, tư sản, vô sản nối tiếp, xen kẽ, đấu tranh với nhau. Đồng thời với đó là diễn tiến kết quả của những hệ tư tưởng ấy trong lịch sử dân tộc từ sự thất bại của hệ ý thức phong kiến đến sự bất lực của ý thức hệ tư sản và sau rốt là sự thành công của hệ ý thức vô sản. Mỗi một hệ ý thức đều cho thấy rõ dấu ấn ngoại lại của nó từ phương Đông hay phương Tây du nhập vào nước Việt nhưng đều được tiếp thu, vận dụng mang bản sắc Việt, dựa vào tình hình thực tiễn lịch sử Việt Nam.

Su phat trien tu tuong o Viet Nam anh 2

Ấn bản Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám bản in năm 2020 (bên trái) và bản in năm 1993 (bên phải). Ảnh: Trần Đình Ba.

Vì tác phẩm được viết ra với cuốn gần nhất như tập III cách ngày nay gần 30 năm, cuốn lâu nhất cách hiện tại cũng gần 50 năm, trong khi ấy sự phát triển của khoa học tư tưởng là không ngừng với những kết quả nghiên cứu mới do đó hiện nay khi đọc tác phẩm này, độc giả nên đặt nó trong bối cảnh ra đời của tác phẩm để hiểu, để cảm rõ hơn bởi ở một đôi chỗ tác giả khi viết, nhận định về tôn giáo, triều đại đã thể hiện rõ quan điểm ý thức hệ bên cạnh quan điểm học thuật.

Qua ba tập sách, bạn đọc có thể thấy được dấu ấn cá nhân của tác giả qua những nghiên cứu, nhận định sâu sắc về tư tưởng, về tôn giáo hay về hội kín... Trên cái nền chủ đạo tìm hiểu về Nho giáo ở tập I, tác giả không bỏ qua những tôn giáo, tư tưởng, tín ngưỡng liên quan như Thiên chúa giáo, Đạo giáo, Phật giáo, những hoạt động của hội kín, tổ chức yêu nước để lý giải cho sự thất bại của hệ ý thức phong kiến; hoặc hoàn cảnh lịch sử cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 với những liên quan về chủ nghĩa thực dân, tư tưởng triết học, chính trị của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh hay hoạt động của các giáo phái Cao Đài, Phật giáo, Nho giáo, sự ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 cùng chủ nghĩa Mác - Lênin để lý giải cho sự bất lực của hệ ý thức tư sản ở tập II... Sự thất bại của hệ ý thức phong kiến đến sự bất lực của hệ ý thức tư sản đã làm rõ sự khủng hoảng về con đường cứu nước, tư tưởng cứu nước để từ đó qua những trình bày, dẫn chứng khoa học, tác giả làm nổi bật thành công của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với dấu mốc Cách mạng tháng Tám 1945 ở tập III. Tư tưởng được lồng trong lịch sử, lịch sử làm nổi bật hơn tư tưởng trong nghiên cứu của tác giả, mà cũng là thế mạnh của ông.

Su phat trien tu tuong o Viet Nam anh 3

Mít tinh ngày 19/8/1945 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Sự nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng cùng những nhận định riêng có mang dấu ấn cá nhân là điều đáng quý, đáng trân trọng ở người làm công tác nghiên cứu, mà lại ở lĩnh vực khoa học tư tưởng vốn giàu tính lý luận nhưng đã được kết nối nhuần nhuyễn với những dẫn chứng thực tiễn. Đó có thể là những tìm tòi mới của tác giả về nhà nho Nguyễn Đức Đạt với những quan điểm cũ và mới về Nho giáo. Tỉ như nhà nho họ Nguyễn dù cho rằng có trời, mệnh trời nhưng theo ông mệnh trời khác và trái với tư tưởng tiền định, ông "nhấn mạnh vào con người và xã hội làm ra họa phúc của mình, nhấn mạnh vào đạo đức và nỗ lực con người là cái có thể biết được, có thể chủ động và có trách nhiệm. Ấy cũng là một điểm tích cực dù nhỏ trong khi mệnh, thiên mệnh thống trị tâm tư của con người dưới một chế độ phong kiến suy mạt"; những nhận định về Việt Nam quốc dân đảng cùng tư tưởng của nó mang dấu ấn lịch sử, như quan điểm "Việt Nam Quốc dân đảng ưu tiên lo binh vận và lo đúc bom, chớ không chú ý đến tổ chức quần chúng, lãnh đạo quần chúng đấu tranh"… là những đóng góp lớn thể hiện khả năng luận giải vấn đề, sử dụng tư liệu rất đáng học hỏi ở người nghiên cứu.

Lại càng đáng trân trọng hơn ở trách nhiệm học thuật của tác giả là dù hoàn thành bộ sách đồ sộ và tốn nhiều công sức, nhưng trong dự định ông vẫn mong muốn viết thêm “quyển hạ” dành cho tập III. Tiếc rằng phần bổ túc ấy còn để ngỏ và đó cũng là một cánh cửa mở để các nhà nghiên cứu thế hệ sau tiếp bước như lời tác giả bộ sách tư tưởng này gửi gắm “Việc nghiên cứu lịch sử nói chung, lịch sử tư tưởng nói riêng, chỉ có thể là một cuộc “chạy đua tiếp sức”.

Trần Đình Ba

Bạn có thể quan tâm