Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tác giả bức xúc đơn vị của NXB Giáo dục 'dùng chùa' tác phẩm

Sau tác giả Hồ Huy Sơn, nhiều tác giả khác cũng lên tiếng về việc tác phẩm của mình bị trích đăng không xin phép trong các ấn phẩm do đơn vị thuộc NXB Giáo dục Việt Nam phát hành.

Vừa qua, tác giả Hồ Huy Sơn gửi thư tới báo chí phản ánh việc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam và Công ty Cổ phần Dịch vụ xuất bản giáo dục Hà Nội thuộc NXB Giáo dục Việt Nam sử dụng 2 bài viết Hãy can đảm lên và Con đường rơm của mình mà không xin phép, được đăng lần lượt trong 2 cuốn sách Luyện tập Tiếng Việt 3 trình bày trên giấy ô li và 35 đề ôn luyện Tiếng Việt 3.

Trước đó, tác giả này và ông Nguyễn Văn Tùng – Phó giám đốc NXB Giáo dục đã trao đổi qua lại nhiều lần mà sự việc vẫn giậm chân tại chỗ.

Không chỉ có một trường hợp

Tiếp sau Hồ Huy Sơn, nhiều tác giả khác cũng tá hỏa khi phát hiện (hoặc nghe nói) tác phẩm của mình được trích đăng trong các ấn phẩm khác của đơn vị thuộc nhà xuất bản này.

Nhà văn Văn Thành Lê – người có tác phẩm bị trích đăng trong cuốn Ôn luyện và kiểm tra Tiếng Việt Lớp 4 – Tập 2 cho rằng: “Chưa bao giờ thị trường sách bổ trợ kiến thức cho học sinh phong phú như bây giờ. Và cũng chưa bao giờ việc biên soạn sách lẫn quản lý sách biên soạn lại tùy tiện lấy trích đoạn tác phẩm đưa vào sách cứ tự nhiên như bây giờ”.

Tác giả này nói thêm: “Với thời đại công nghệ hiện nay, việc kết nối với người viết/tác giả không đến mức quá khó, nếu thật sự muốn. Thiết nghĩ, biên soạn sách để giáo dục con trẻ, mà bản thân người biên soạn và cơ quan xuất bản lại hành xử phi giáo dục thì không biết phải nói sao nữa”.

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha hết sức bất ngờ khi biết tác phẩm Khi mình mười lăm tuổi của ông được in trong cuốn Luyện tập Tiếng Việt Lớp 5 – Tập 2. Ông cho rằng việc NXB sử dụng tác phẩm của tác giả mà không nói năng gì là “một việc làm vô nguyên tắc”.

“Việc lấy đồ của người khác mà không xin phép là thói quen trước đây, khi vấn đề bản quyền chưa được coi trọng. Song, Việt Nam đã gia nhập Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất bản hơn ai hết phải hiểu chứ.

Qua báo chí, tôi đề nghị NXB Giáo dục có thư xin lỗi gửi đến tất cả các tác giả, sau đó giải quyết nhuận bút cho người ta. Trong việc này, chúng tôi chỉ cần minh bạch mà thôi”, ông nhấn mạnh.

NXB Giao duc vi pham ban quyen anh 1
Hai tác giả Nguyễn Xuân Thủy và Võ Mạnh Hảo.

Còn với tác giả Võ Mạnh Hảo – người có bài viết được in trong cuốn Bài tập thực hành Tiếng Việt 2 – Tập 1 không hề xin phép, thì “câu chuyện này đáng lẽ ra phải là chuyện vui với các tác giả, nhất là các tác giả trẻ nếu NXB làm việc nghiêm túc. Nhưng cuối cùng, lại thành ra một bê bối. Tất cả đều bắt nguồn từ cách làm việc tùy tiện của NXB này”.

Nhìn từ góc độ người viết, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, có tác phẩm bị trích đăng trong cuốn Ôn luyện và kiểm tra Tiếng Việt Lớp  5 mong muốn “môi trường xuất bản lành mạnh, vấn đề bản quyền được tôn trọng”.

Nhiều tác giả ở nước ta hiện nay chỉ quan tâm tới việc viết mà thôi. Vấn đề bản quyền, không ít người thờ ơ hoặc thiếu hiểu biết cơ bản. Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, các tác giả nên bỏ qua sự ngại ngần và xuề xòa của mình để câu chuyện bản quyền ngày càng được chuyên nghiệp hơn.

Còn nhà văn Đỗ Bích Thúy cho rằng, đây “là hành vi ăn cắp chất xám”. “Nhuận bút cho nguyên cả một cuốn tiểu thuyết còn chẳng đáng là bao, nói gì đến một đoạn trích. Tôi cũng như phần lớn các nhà văn khi lên tiếng xoay quanh câu chuyện bản quyền không phải nhăm nhăm đòi mấy đồng nhuận bút còi. Mà chúng tôi đòi được tôn trọng, đòi các đơn vị/ cá nhân sử dụng tác phẩm của chúng tôi phải tuân thủ luật pháp”, tác giả nữ này bức xúc.

Xin lỗi nhưng vẫn còn trả treo (!)

Sau những áp lực đến từ báo chí, 2 công ty thực hiện biên soạn 2 cuốn sách trích đăng chưa xin phép tác phẩm của nhà văn Hồ Huy Sơn - là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam và Công ty Cổ phần Dịch vụ xuất bản giáo dục Hà Nội - đã gửi công văn xin lỗi tác giả.

Văn bản này ghi nhận có những nội dung trích sử dụng như tác giả phản hồi, đề cập tới vấn đề tiền tác quyền, đồng thời, trong lần tái bản tiếp theo, tác giả biên soạn sẽ gỡ bỏ bài viết Hãy can đảm lên trong cuốn sách như tác giả yêu cầu.

Mặc dù đã gửi lời xin lỗi đến tác giả nhưng các đơn vị thuộc NXB Giáo dục cũng như đại diện NXB – ông Nguyễn Văn Tùng vẫn cho rằng “Trong cuốn sách có trích dẫn tên tác giả đầy đủ, thể hiện sự tôn trọng quyền sở hữu bài viết của tác giả”.

NXB Giao duc vi pham ban quyen anh 2
Tác giả Hồ Huy Sơn thời gian qua lên tiếng mạnh mẽ về việc tác phẩm của anh bị NXB Giáo dục "dùng chùa" trong các ấn phẩm sách tham khảo.

Tác giả Hồ Huy Sơn cho rằng: “Khi đổ hết mọi trách nhiệm sang đội ngũ biên soạn, cũng đồng nghĩa với việc NXB Giáo dục đang đá quả bóng trách nhiệm. Họ có vai trò và trách nhiệm như thế nào với các ấn phẩm mà mình cấp giấy phép phát hành? Nếu có hợp đồng biên soạn thì càng cho thấy cách làm việc cẩu thả, quấy quá của NXB này.

Tại sao ngay cả khi chưa có một văn bản nào cho thấy các tác giả đồng ý cho NXB sử dụng tác phẩm của mình nhưng NXB vẫn quyết định cấp giấy phép phát hành? Với cách làm việc và giải quyết kiểu này, tôi e là vẫn còn dung túng cho những sai phạm tiếp theo”.

NXB Giao duc vi pham ban quyen anh 3
Một trích đoạn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được trích đăng chưa xin phép trong ấn phẩm của NXB Giáo dục.

Theo khảo sát sơ bộ của người viết, nhiều tác giả cũng có mặt trong danh sách bị “xài chùa” này. Có thể kể ra một số cái tên như Nguyễn Ngọc Tư với bài viết Về Hà Tiên (trong cuốn Ôn luyện và Kiểm tra Tiếng Việt 3 – Tập 1), Nguyễn Việt Chiến với tác phẩm Tổ Quốc nhìn từ biển (trong Giúp em học Tiếng Việt 5 – Tập 1), nhà văn Đỗ Chu với đoạn trích Chiều trên quê hương (trong Luyện tập Tiếng Việt 4 – Tập 1)…

 

Có không ít tên tuổi nổi tiếng như Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Ngọc Tư, Phong Thu,… cũng không ngoại lệ. Nhiều tác giả, tác phẩm được trích đăng lặp lại từ ấn phẩm này sang ấn phẩm khác. Nhiều đoạn trích từ báo, internet, không rõ nguồn gốc cũng được sử dụng khá thoải mái.

Có những cuốn, ví dụ như Thực hành Tiếng Việt 5 – Tập 2, đội ngũ biên soạn toàn tuyển những tác phẩm được in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Một tác giả mới nói đùa rằng: “Có lẽ những người biên soạn là fan trung thành của tạp chí này”(?!).

Chưa thể kết luận đây có phải là một thiếu sót có tính hệ thống của NXB Giáo dục hay không; nhưng rõ ràng, có những ấn phẩm của NXB và đơn vị thuộc NXB được hình thành từ sự tùy tiện, không tôn trọng người viết. Sau khi gửi công văn xin lỗi chính thức tới tác giả Hồ Huy Sơn, NXB này sẽ làm gì với nhiều tác giả mà mình không xin phép khác?

Đơn vị làm sách quyết tâm theo đuổi vụ kiện sách lậu

Ngày 30/8 vừa qua, công ty sách Trí Việt vừa đệ đơn giám đốc thẩm vụ kiện cơ sở gia công sau in Huy Thi về việc gia công sách lậu.

Cốc Vũ

Bạn có thể quan tâm