Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tác dụng không ngờ của lệnh phong tỏa ở Nam Phi

Lệnh cấm bán và vận chuyển bia rượu trong đại dịch Covid-19 đã khiến quốc gia có 60% dân số nghiện rượu vướng vào cuộc tranh cãi lớn.

Nam Phi là quốc gia đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhất trên thế giới để ngăn chặn sự lây lan virus corona. Tuy nhiên, một trong những biện pháp đó đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt: Nam Phi cấm bán, và thậm chí vận chuyển rượu.

Một mặt, những người uống rượu nói rằng quyền của họ đang bị ảnh hưởng, các chủ cửa hàng chai và các công ty rượu sẽ phá sản. Bên còn lại ủng hộ lệnh cấm cho rằng lệnh cấm giúp hệ thống y tế nước này không chịu gánh nặng bởi hàng nghìn ca nhập viện do tai nạn và bạo lực từ người say rượu hàng tháng.

Giảm áp lực cho hệ thống y tế

Theo Charles Parry, giám đốc nghiên cứu về rượu tại Hội đồng nghiên cứu y học Nam Phi, Nam Phi giảm đi 5.000 người nhập viện mỗi tuần có nhờ lệnh cấm rượu. Dữ liệu của hội đồng cũng cho thấy số ca tử vong của Nam Phi so với cùng thời điểm năm ngoái giảm đáng kể.

Điều này cho thấy rằng việc phong tỏa cùng với lệnh cấm rượu và giảm các phương tiện giao thông có thể đã cứu sống nhiều người Nam Phi hơn so với con số người tử vong do virus corona.

“Thay vì khâu vết thương do bị đâm cho các bệnh nhân, các y tá có thể tập trung vào việc huấn luyện cách xử lý các trường hợp mắc virus”, ông Parry nói với Washington Post. “Dựa trên mô hình của chúng tôi, ít nhất 15 người có khả năng chết vì chấn thương liên quan đến rượu đang được cứu mỗi ngày”.

Các quan chức chính phủ hàng đầu của Nam Phi đưa ra lệnh cấm không chỉ để ngăn virus corona. Đây còn là một thử nghiệm xã hội về cách thức hoạt động của hệ thống y tế nước này.

Nam Phi cam bia ruou anh 1

Bia của công ty bia Nam Phi tại một quán bar ở Cape Town. Một công ty cho biết họ có thể phải phá hủy 400 triệu chai bia vì lệnh cấm bán rượu của quốc gia này. Ảnh: AP.

“Trong đại dịch này, chúng tôi có cơ hội tìm hiểu về vấn đề đã gây phiền lòng chúng tôi từ rất lâu tại đất nước này”, bà Lindiwe Zulu, Bộ trưởng phát triển xã hội của Nam Phi, cho biết. “Đúng, lệnh cấm rất quyết liệt, nhưng đây không phải là thời điểm cho các biện pháp quyết liệt hay sao?”

Người Nam Phi uống rượu, sau đó dính vào các vụ đụng xe, bạo lực gia đình ở mức cao hơn hầu hết quốc gia khác. 60% cư dân trong độ tuổi uống rượu nước này tự coi mình là người nghiện rượu, theo báo cáo của chính phủ năm 2016.

Lệnh phong tỏa ở Nam Phi bắt đầu có hiệu lực từ ngày 27/3. Nước này cũng cấm bán thuốc lá và thực phẩm nấu chín. Khi chính phủ nới lỏng các biện pháp một chút vào cuối tháng 4, nhiều người hy vọng những lệnh cấm này sẽ được dỡ bỏ. Tuy nhiên, chính phủ cho rằng lợi ích đối với hệ thống y tế cũng như hiệu quả gia tăng của việc ngăn chặn các cuộc tụ tập cho thấy nước này nên tiếp tục hạn chế bia rượu.

Các doanh nghiệp sản xuất rượu lớn và nhỏ ở Nam Phi đều đang gặp khó khăn. Công ty bia Nam Phi, một trong những nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới, cho biết hôm 7/5 rằng họ có thể phải phá hủy 400 triệu chai bia vì không thể bán hay vận chuyển chúng và nhà kho của họ gần đạt công suất tối đa. Khoảng 2.000 việc làm có thể bị cắt giảm nếu chính phủ không can thiệp, công ty con của tập đoàn Anheuser-Busch InBev cho biết.

“Chúng tôi sống trong một xã hội khuyến khích uống rượu với nhau. Rất hiếm người đi mua rượu và về nhà. Nhưng tôi không chắc là mình có thể hồi phục sau tác động này hay không”, ông Katlego Sepeng, người sở hữu một cửa hàng rượu bị đóng cửa bên ngoài Pretoria, nói với Washington Post.

Liệu lệnh cấm rượu có thật sự hiệu quả?

Một số người chỉ trích lệnh cấm thắc mắc liệu rượu có thực sự là nguyên nhân bạo lực và nhiều cái chết như các quan chức y tế tuyên bố hay không.

“Không, lý do những con số này giảm là vì có ít người đi trên đường hơn”, anh Motheo Landane, 31 tuổi, một nhân viên ngân hàng đầu tư ở Johannesburg cho biết. Anh Landane nhớ những đêm có thể đi câu lạc bộ chơi với bạn bè. Anh cũng nói anh ủng hộ lệnh cấm các câu lạc bộ và quán bar mở cửa nhưng lệnh cấm rượu là quá mức.

Các học giả về luật cũng đặt ra câu hỏi rằng liệu lệnh cấm có đặt ra tiền lệ khó khăn trong việc giới hạn các quyền cá nhân vì lợi ích lớn hơn ở một quốc gia vốn là một trong những nơi bất bình đẳng nhất trên thế giới.

Nam Phi cam bia ruou anh 2

Các sĩ quan cảnh sát ở Johannesburg lục soát rượu và thuốc lá trên người lái xe. Ảnh: AFP.

Bà Thuli Madonsela, giáo sư luật, cho biết chính phủ không đưa ra lý do thuyết phục về việc toàn bộ đất nước phải chịu đựng lệnh cấm khi dịch Covid-19 chỉ ảnh hưởng đến một nhóm nhỏ.

“Điều này cũng không công bằng. Những người duy nhất thiếu rượu là người nghèo. Người giàu thì có rượu. Về lợi ích của hệ thống y tế, chúng ta có thể sẽ thấy chúng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, chúng ta khiến mọi người bỏ rượu đột ngột. Điều này rất có hại. Sắp tới sẽ có một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần”.

Những người không thể chờ được tới lúc lệnh cấm được dỡ bỏ đã tìm tới hơn 100.000 người bán rượu và thuốc lá không có giấy phép ở Nam Phi. Với những người này, việc kinh doanh phát triển rất thuận lợi.

“Thật ngạc nhiên về số tiền một người sẵn sàng bỏ ra để mua rượu”, một người bán hàng tên Peter nói với Washington Post. Anh bán rượu với giá gấp ba lần giá trên nhãn dán. “Có lẽ mọi người có những vấn đề sâu xa. Cá nhân tôi không chắc là tôi có muốn chi nhiều tiền như vậy cho số rượu này không. Nhưng tôi không phàn nàn đâu. Tôi đang kiếm được rất nhiều tiền”.

Những ảnh hưởng của lệnh cấm rượu với tình hình bạo lực gia đình khó nhận biết hơn. Bộ Phát triển Xã hội đã ghi nhận sự gia tăng trong các trường hợp bạo lực gia đình được báo cáo. Bộ này chỉ ra đây có thể là tác động của việc những kẻ bạo lực phải dành nhiều thời gian ở nhà. Nhưng bà Zulu, Bộ trưởng Phát triển Xã hội, cho biết có ít trường hợp bạo lực nghiêm trọng hơn.

Một nạn nhân của nạn bạo lực gia đình giấu tên nói rằng cô cảm ơn Chúa vì lệnh đã giúp cô và mẹ cô nói chuyện với người cha bạo lực của mình.

“Ông ấy ít bạo lực hơn, ít hung dữ hơn, kiên nhẫn hơn và tôi cảm thấy như mình đang tìm hiểu thêm về ông ấy”, cô nói. “Người đàn ông này có những vấn đề sâu xa mà bây giờ ông ấy buộc phải giải quyết, điều này thật tốt. Tôi chỉ ước sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ, ông ấy có thể tìm được sự giúp đỡ và đối mặt với vấn đề của mình”.

Bà Zulu cho biết cá nhân bà hy vọng lệnh cấm sẽ được dỡ bỏ khi lệnh phong tỏa được nới lỏng hơn. Tuy nhiên, bà cho biết chính phủ sẽ xem xét kỹ về mức độ ảnh hưởng tích cực của lệnh cấm.

“Chúng tôi sẽ xem xét những gì chúng tôi đã làm khiến công dân của chúng tôi trở thành những công dân tốt hơn”, bà nói. “Người dân phải được quyền đưa ra lựa chọn của riêng mình, nhưng chúng ta là một cộng đồng bạo lực. Tác động của rượu lên đời sống xã hội của chúng ta đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Tôi không thể nói lệnh cấm sẽ tiếp tục có hiệu lực, nhưng điều chúng tôi quan tâm là xem xã hội có thể được cải thiện như thế nào”.

Thách thức trong việc tính chính xác số ca tử vong vì Covid-19

Các quốc gia có cách thống kê trường hợp tử vong do Covid-19 khác nhau. Tìm ra phương pháp đếm chính xác số liệu này rất quan trọng trong việc đánh giá tác động virus.

Bức ảnh như tranh vẽ về cách người dân Kenya tuân thủ cách ly xã hội

Bức ảnh chụp từ trên không cho thấy người dân đi phà ở Kenya xếp hàng với khoảng cách đều nhau, tuân thủ việc giãn cách xã hội để ngăn virus lây lan.

Như Trần

Bạn có thể quan tâm