Ghen tị thường có ở mọi người. Nguồn: sonko-mosreg.ru. |
Các cụ dạy “Nhân vô thập toàn”. Thế hệ con cháu không phải lúc nào cũng sống được tinh thần ấy cho bản thân và cho người khác.
Tôi biết hai người bạn.
Người thứ nhất hồi đi học rất sáng láng. Gia đình gồm những người có vị trí đáng ngưỡng mộ trong xã hội. Góc nhìn người ngoài sẽ thấy đó là một gia đình thông thái, kính trên nhường dưới, kinh tế vững mạnh. Quả là một đứa trẻ có phúc khi được sinh ra và nuôi dưỡng như vậy.
Bạn ấy lớn lên, đi làm, năng lực tốt, thường tự nhắc nhở bản thân phải học hỏi nhiều hơn nữa, thế mà lại khá chật vật kiếm sống. Vất vả thế mà vẫn dành tiền giúp đỡ người gặp khó khăn. Tính tình lương thiện, kiệm lời, hiếm khi lắm mới nói về áp lực phải sống trong một gia đình mà mình đang là người kém cỏi nhất.
Mọi người thân quen đều khuyên bạn ấy nên biết giao tiếp xã hội hơn, chủ động làm hài lòng những người có quyền lực hơn mình. Đây mới là cuộc sống. Phải lên tiếng, biết làm người ta vui thì người ta mới nhận ra mình bởi không phải ai cũng vào môi trường làm việc mà lãnh đạo, đồng nghiệp quan tâm và ghi nhận những đóng góp âm thầm. Bạn tôi mỗi lần khen xã giao ai đó đều ngại ngùng, thấy không thật lòng, nên vẫn là người vô hình trong suốt mấy năm qua.
Người thứ hai nhìn chung năng lực mờ nhạt. Cách nói chuyện từ bé đến lớn đều khá hời hợt, không có những luận điểm thú vị hay tư duy sâu sắc. Dĩ nhiên đó là góc nhìn của tôi, người không thân thiết với bạn ấy. Bạn ấy sống trong gia đình có điều kiện hạn chế hơn người bạn phía trên rất nhiều.
Dù học hành không giỏi so với chúng bạn, nhưng trong gia đình lại là người sáng láng nhất. Bạn bè cùng học sau này đều rất ngạc nhiên khi bạn ấy khá thành công lúc học đại học và làm việc. Họ bàn tán với nhau là bạn ấy rất khôn khéo khi hiểu sự vận hành của xã hội sớm hơn những đứa trẻ cùng tuổi, biết sử dụng đồng tiền để đạt được từng mục đích cao hơn.
Trong giao tiếp bạn bè khi lớn, bạn ấy cũng rất dễ thể hiện sự gần gũi mà chúng tôi đánh giá là thái quá, không chân thật khi mà ta không hề thân nhau. Nhưng bạn bè tôi thường miễn cưỡng cười nói xã giao, hiếm ai từ chối sự gần gũi của bạn ấy, không thì thành ra bản thân mình lại hành động thái quá.
Tóm lại, tôi thích bạn thứ nhất, không thích bạn thứ hai. Bạn thứ nhất có một tổ hợp các hành vi và giá trị mà tôi hướng đến. Bạn thứ hai và tôi chắc chắn có những định hướng giá trị khác nhau.
Tôi tự hỏi vì sao bạn thứ nhất dậm chân tại chỗ, bạn thứ hai đời lên hương thế? Rồi tôi giả định rằng, có khi lời đồn của xã hội là đúng: Thật thà thẳng thắn thì thua thiệt.
Tôi đồng cảm với bạn thứ nhất và thật ngại để nói rằng mình ghen tị với bạn thứ hai.
Ghen tị thường có ở mọi người. Ta rất dễ nhìn ra ai đó đang ghen tị. Người khác cũng dễ nhìn ra sự ghen tị ở ta. Ghen tị hiện diện với vẻ bề ngoài rõ như Mặt trời ngày hè vậy. Nhưng rất khó để ai đó thừa nhận bản thân mình đang ghen tị. Tôi đã bọc cảm xúc ghen tị với người bạn thứ hai trong chiếc vỏ mang tên “không thích”.
Mỗi lần ta nghĩ theo kiểu hai vế, một là công nhận thành tựu của người khác, hai là cảm xúc không thích, khả năng cao là ta đang biện minh cho sự ghen tị. Chẳng hạn: “Ừ, công nhận nó thu nhập tốt, nhưng tao không thích tính chất ngành nghề mà nó làm việc, ngành nghề đó tạo ra giá trị ảo quá”; “Nó giỏi lấy lòng người khác, thế mạnh đấy, tao chẳng làm được, vì làm hài lòng người khác nhiều quá sẽ đánh mất bản thân”. Càng lập luận lý do hợp lý cho sự “không thích”, cảm xúc “ghen tị” càng nhấn chìm sự bình yên trong tâm hồn ta.
Bình yên chỉ trở lại khi ta thừa nhận tâm ghen tị trong mình. Không phải theo cách gượng ép thừa nhận vì đó là con đường làm ta lệch lạc: phán xét bản thân vì những điều người khác làm tốt còn mình thì không, đánh tráo giá trị thành tôn thờ sự xuất sắc của người khác mà phủ định giá trị mình theo đuổi. Bình yên đến từ sự thừa nhận thường đi kèm với lòng cảm kích và sự mến thương. Để tôi kể bạn nghe điều người bạn thứ hai giúp tôi nhận ra nhé.
Tôi đã kể rằng, khi người bạn ấy thể hiện sự thân thiết quá đà, thường mọi người sẽ gượng gạo chấp nhận xã giao, chứ hiếm ai từ chối cách liên hệ như vậy. Trường hợp hiếm có khó tìm ấy là… tôi.
Tôi cứ nghĩ sau đó bạn ấy sẽ giận mình. Nhưng thời gian ngắn sau này có dịp gặp lại, bạn vẫn bắt chuyện như trước đây. Lúc đó, trong lòng tôi khởi lên sự trân trọng và cảm mến. Điểm rất tốt đẹp trong con người bạn ấy là dễ bỏ qua.
Tôi bắt đầu nhận ra một góc độ khác về người bạn này khi học tập và làm việc. Đó là một thanh niên sống có mục tiêu và tự cảm nhận bản thân mình xứng đáng với cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là một con người biết chấp nhận bản thân và không tự phán xét thô bạo. Thế nên bạn ấy cho phép mình được tiến đến những mục tiêu cao hơn, dễ xuôi theo quy luật xã hội để thăng tiến.
Tôi không còn cảm thấy kháng cự với sự khôn khéo của bạn ấy nữa. Sự khôn khéo là lựa chọn hợp lý nhất với bối cảnh và mục tiêu sống của bạn ấy. Tôi sẽ vẫn chọn giá trị thẳng thắn cho mình, nhưng không muốn cực đoan như tôi từng nữa.
Không chỉ vậy, những giá trị như dễ bỏ qua, ghi nhận sự xứng đáng của bản thân, chấp nhận chính mình mà người bạn này truyền cảm hứng, thật đáng học tập biết mấy!