Dù cả Ukraine và Nga đều đã vận hành hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS), HIMARS có tầm bắn và độ chính xác vượt trội. New York Times dẫn lời Tổng thống Joe Biden rằng các tên lửa tiên tiến sẽ cho phép Ukraine "tấn công chính xác hơn các mục tiêu quan trọng trên chiến trường”.
Tuy nhiên, Mỹ có kế hoạch hạn chế tầm bắn của các tên lửa mà họ cung cấp cho Ukraine, nhằm tránh chúng được sử dụng để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga. "Chúng tôi sẽ không gửi tới Ukraine các hệ thống tên lửa có thể tấn công vào Nga", ông Biden cho biết hôm 30/5.
HIMARS có gì khác?
Hệ thống M142 HIMARS (hệ thống tên lửa cơ động cao) là phiên bản hiện đại hóa, nhẹ hơn và nhanh nhẹn hơn của loại M270 MLRS được phát triển vào những năm 1970 cho lực lượng Mỹ và đồng minh.
Hệ thống phóng tên lửa M142 HIMARS của Quân đội Mỹ trong cuộc tập trận Red Flag Alaska năm 2020. Ảnh: Lực lượng Không quân Mỹ. |
Một quan chức Mỹ nói với các phóng viên rằng hệ thống tên lửa HIMARS mà Washington đang cung cấp cho Ukraine sẽ có tầm bắn khoảng 80 km. HIMARS mang theo hộp được nạp sẵn sáu tên lửa dẫn đường 227 mm (M270 có thể mang 2 hộp như vậy), hoặc một tên lửa chiến thuật ATACMS.
Chỉ với vài người vận hành, hệ thống có thể thay hộp tên lửa đã sử dụng bằng một hộp tên lửa mới chỉ trong vài phút mà không cần phương tiện khác hỗ trợ. Tuy nhiên, binh lính Ukraine cần được đào tạo để vận hành hệ thống.
Quân đội Mỹ đã bố trí nhiều đơn vị HIMARS ở châu Âu, và các đồng minh NATO là Ba Lan và Romania cũng đã mua những hệ thống này. Hiện không rõ Mỹ sẽ gửi bao nhiêu hệ thống tới Ukraine.
Tại sao HIMARS đáng giá?
Hệ thống MLRS mới của Mỹ giúp lực lượng Ukraine khả năng tấn công xa hơn vào phòng tuyến của Nga, và có thể được đặt ở khoảng cách an toàn hơn, giúp né tránh tốt hơn trước các đợt tấn công bằng vũ khí tầm xa của Nga.
Các tên lửa dẫn đường bằng GPS mà HIMARS bắn ra có tầm phóng gấp đôi so với tên lửa M777 mà Mỹ gần đây cung cấp cho các lực lượng Ukraine.
Khả năng bắn xa đến 80 km nhìn chung sẽ giúp HIMARS nằm ngoài tầm ngắm bắn của pháo binh Nga, đồng thời đặt các khẩu đội Nga vào tình thế nguy hiểm.
Hệ thống tên lửa cơ động cao M142 HIMARS trong Triển lãm Phòng vệ Thế giới ở Arab Saudi, ngày 6/3. Ảnh: AFP. |
Hệ thống đồng thời đặt ra thách thức cho các kho tiếp tế của Nga.
Một số nhà phân tích cho rằng HIMARS sẽ là "yếu tố thay đổi cuộc chơi" trong cuộc chiến, nhất là vào thời điểm mà lực lượng Ukraine dường như đang gặp khó khăn trước hỏa lực pháo binh của Nga.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng HIMARS sẽ không thể giúp Ukraine đột ngột lật ngược thế cờ.
Tại sao Washington không gửi tên lửa tầm xa hơn?
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2, Mỹ đã rất thận trọng trong bất kỳ hỗ trợ nào cho Kyiv, vì lo lắng có thể khiến Moscow tiến hành cuộc chiến vượt ra ngoài biên giới Ukraine.
Hệ thống tên lửa cơ động cao M142 HIMARS của Mỹ phóng hỏa lực trong cuộc tập trận ở vùng Grier Labouih, đông nam Morocco, ngày 9/6/2021. Ảnh: AFP. |
Nếu Mỹ cung cấp ATACMS để Ukraine sử dụng cùng với HIMARS, về mặt lý thuyết, họ sẽ có khả năng tấn công các trung tâm đô thị và căn cứ quân sự lớn của Nga.
"Ukraine đã đảm bảo rằng họ sẽ không sử dụng các hệ thống này để nhắm vào lãnh thổ Nga", một quan chức Mỹ cho biết.
Tổng thống Mỹ cũng nói rằng sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí tiên tiến, bao gồm tên lửa chống tăng Javelin, tên lửa phòng không Stinger, hệ thống pháo và tên lửa chính xác, radar, máy bay không người lái, trực thăng Mi-17 và đạn dược.