Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

Sức mạnh của chàng trai powerlifting xăm trổ đầy mình

Đoạt huy chương đồng ở hạng cân dưới 100 kg giải International Sport Festival, Nguyễn Đức Bình bảo đây là một khúc ngoặt lớn nhất cuộc đời và bỏ học piano sau 19 năm tập luyện.

SỨC MẠNH CỦA CHÀNG TRAI POWERLIFTING VIỆT

Đoạt huy chương đồng ở hạng cân dưới 100 kg giải International Sport Festival, Nguyễn Đức Bình bảo đây là một khúc ngoặt lớn nhất cuộc đời và bỏ học piano sau 19 năm tập luyện.

bo mon Powerlifting anh 1

Nguyễn Đức Bình, một chàng trai 24 tuổi đang thành công với powerlifting, môn thể thao là thế mạnh của các quốc gia Nga và Mỹ nhưng tại Việt Nam còn chưa nhiều người biết đến.

Anh từng giành huy chương đồng (hạng 90-100 kg) ở cup Golden Tiger lần thứ 10 tại Nga và huy chương bạc giải vô địch châu Á thuộc liên đoàn GPA (Global Powerlifting Alliance) tổ chức tại Malaysia tháng 11/2017.

Bình là người sáng lập kiêm huấn luyện viên cho đội Mishka Powerlifting. Ngoài anh còn có một cá nhân rất xuất sắc và tiềm năng khác như Nhật Trường (hiện sống tại Ekaterinburg, Nga) đã giành rất nhiều huy chương vàng, bạc trong các cuộc thi tầm cỡ quốc gia Nga cũng như trong khu vực châu Âu và quốc tế.

bo mon Powerlifting anh 2

Từ bỏ piano sau 19 năm theo đuổi để đến với powerlifting

Chàng trai với vẻ ngoài tương đối “gai góc”, cao gần 1,9 m, nặng ngót nghét 100 kg và có một sở thích nữa là đọc sách, thích trồng hoa, nấu ăn. Vào lúc rảnh anh sẽ dành để luyện tập một vài môn thể thao khác như bóng rổ, võ thuật, bóng bầu dục, bơi lội…

Chia sẻ về niềm đam mê âm nhạc và thể thao, chàng trai dí dỏm so sánh giữa việc chơi piano và powerlifting giống như hai nàng Thuý Kiều và Thuý Vân. Nghệ thuật và thể thao đã luôn luôn là hai niềm đam mê và năng khiếu song hành mà anh phát triển đều nhau từ hồi còn nhỏ cho tới nay.

"Khi sang tới Nga, tôi đã thật sự đưa ra quyết định của mình rằng sẽ để đam mê âm nhạc là một tình yêu, một thú chơi của riêng mình, chứ không đi vào con đường học hành chuyên sâu nữa và chuyển hướng ấy sang cho việc nghiên cứu phát mình sức mạnh tiềm tàng của cơ thể con người và powerlifting”, Bình chia sẻ thêm.

“Hầu như ai chơi piano cũng đều thích bản Nocturne số 2 cung Mi giáng trưởng của Chopin. Nhưng với tôi, thì bản số 13 cung Đô thứ mới là dạ khúc ám ảnh nhất”, Bình vừa đàn vừa chia sẻ.

Sau 19 năm theo đuổi con đường âm nhạc, những lúc rảnh Nguyễn Đức Bình vẫn dành thời gian cho các nốt nhạc lãng mạn trên cây đàn dương cầm quen thuộc.

Nghe tiếng đàn chứa đầy ẩn ức và cả những mâu thuẫn của một bi kịch nội tâm sâu sắc khi anh chơi một bản Nocturne của Chopin, không ít người bỗng lặng đi vì một vẻ êm đềm ít thấy của một trong những sinh viên có điểm đầu chuyên ngành piano vào đại học đứng hàng top Việt Nam.

Trước đó, chàng trai Hà Nội 24 tuổi dễ dàng có được một học bổng toàn phần của Chính phủ Nga dành cho sinh viên Việt Nam xuất sắc. Rồi sau đó chỉ vài năm ở xứ sở bạch dương, làm quen với môn thể thao powerlifting, con đường của Bình đã hoàn toàn rẽ sang một hướng khác.

Ít ai biết, ngay tại Nga, đất nước của bộ môn powerlifting, chàng trai này đã đoạt huy chương đồng hạng cân dưới 100 kg của giải International Sport Festival (ngang với giải vô địch châu Âu - Nga mở rộng) "Golden Tiger 10" hồi tháng 10/2016.

Bình kể đây là một trong những khúc ngoặt lớn nhất của cuộc đời anh khi gặp được thần tượng Mikhaiil Misha Koklyaev - huyền thoại sống của môn cử tạ. Kể từ đó anh chính thức nghỉ ngang việc học piano, tạm thời chấm dứt 19 năm tập đàn để theo đuổi một đam mê mới, powerlifting.

Powerlifting, môn thể thao xa lạ tại Việt Nam

18h chiều một ngày đầu tháng 4, phóng viên Zing.vn gặp Bình trong trung tâm tập luyện ở nội thành Hà Nội.

Anh có mặt ở phòng tập trước cả học viên, lặng lẽ chọn một góc nhỏ và làm vài động tác khởi động. Với vóc dáng cao lớn cùng vẻ bề ngoài lạnh lùng, chàng trai khiến nhiều người mới gặp có phần ái ngại. Tuy nhiên khi đã quen anh lại khiến người đối diện có một cảm giác rất thân thiện bởi cử chỉ cũng như nụ cười hồn hậu.

Đến giờ bước vào buổi tập, Bình tỏ ra là một huấn luyện viên vô cùng nghiêm khắc. Anh luôn đẩy học viên của mình cùng bài tập lên đến mức cao nhất. Trong đó những bài chủ yếu liên quan đến powerlifting như: trap bar deadlift, barbell overhead press cùng một chút lats pull down, rear delt flies và push up. Bình cũng thường xuyên quan sát học trò từ những chi tiết nhỏ nhất, từng cử động tay, chân, bả vai…. sao cho chuẩn xác để đạt hiệu quả cao và tránh xảy ra chấn thương.

bo mon Powerlifting anh 10

Powerlifting là môn thể thao cạnh tranh về giới hạn của sức mạnh. Các vận động viên powerlifting cạnh tranh trong ba môn cụ thể đó là: squat, bench press và deadlift. Mỗi môn được thiết kế để đo sức mạnh con người ở những phạm vi khác nhau. Tổng hoặc toàn bộ của số lần nâng tốt nhất trong mỗi môn sẽ xác định người chiến thắng. Powerlifting cũng là một môn thể thao thú vị mà các vận động viên phải chiến thắng khối lượng tạ với các vận động viên khác.

Ý chí quyết tâm và sự hy sinh sở thích

Để tập luyện được bộ môn powerlifting mà mình yêu thích, đặc biệt là tập với cường độ và tần suất vô cùng lớn để đáp ứng được nhu cầu khiến cơ thể của Bình thường xuyên có xu hướng “biểu tình” hay đôi khi bị stress nặng. Bên cạnh đó, chàng trai sinh năm 1994 cũng phải hy sinh gần như toàn bộ sở thích thường nhật và các hoạt động xã hội để có thể duy trì kỷ luật và phong độ ở trạng thái “hoàn hảo nhất” có thể.

Anh đã phải bỏ rượu bia và thuốc lá hay bất kỳ chất có cồn nào khác, ngủ đủ tối thiểu 8 tiếng mỗi ngày, ăn uống phải rất kỹ tính, từ cân nặng của bản thân hay lượng calories nạp vào và tiêu thụ trong ngày, tuần hay tháng tùy theo mục đích tập luyện trong từng giai đoạn. Thành phần bữa ăn, tần suất các bữa ăn, các yếu tố dinh dưỡng – khoáng chất vi lượng cũng rất quan trọng.

“Tôi vốn rất thích các đồ uống có cồn cũng như thuốc lá và xì gà, thậm chí có thể gọi là nghiện được. Hồi còn ở nước Nga, ngày tôi hút tới 2 bao thuốc và ngày nào cũng uống bia, vodka hoặc rượu vang, giờ thì bỏ hết không đụng tới khoảng 2 năm nay. Thậm chí có ai hút thuốc trước mặt tôi ngửi mùi còn cảm thấy khó chịu. Tôi gần như không đi chơi tối và hiếm khi ăn ngoài, đồng thời luôn tự nấu ăn ở nhà để có thể kiểm soát được sức khoẻ của mình tốt nhất. Hay thậm chí vào gần lúc thi đấu thì việc gần gũi bạn gái coi như không nghĩ tới luôn”, chàng trai 24 tuổi chia sẻ.

Bình cũng tiết lộ thêm trước khi có thể sinh lợi được từ môn powerlifting bạn phải dành rất nhiều thời gian, ít cũng phải 10-12 năm, chưa kể khoản đầu tư, từ ăn uống và các loại thực phẩm bổ sung, hay trang phục thi đấu và các phụ kiện đi kèm, rồi các khoản chi cho việc nghiên cứu học hỏi, sách vở, chi phí cho huấn luyện viên…

“Thế nên nói không ngoa, khi các bạn bè đồng trang lứa có khi mua nhà tậu xe hết rồi thì mình có lẽ vẫn mặc đi mặc lại vài cái áo phông rách vai đi tập tạ. Thật sự khi nghĩ đến việc lập gia đình tôi cũng khá lo lắng”, chàng trai trẻ nói.

Các mảnh ghép hình thành vị HLV trẻ của powerlifting

Bén duyên với powerlifting một cách tình cờ, trong thời gian còn du học ở Nga, Bình ban đầu chỉ coi môn thể thao này như một thứ để rèn luyện sức khoẻ. Dần dần anh tìm kiếm một số video trên mạng về những vận động viên cử tạ chuyên nghiệp như Mikhail “Misha” Koklyaev (Nga) và Konstantin Konstantinov (Latvia), kể từ đó Bình đam mê nó một cách thực sự. Ngay lập tức, để tiết kiệm chi phí và thoả chí đam mê, ngày ấy anh tự luyện tập ở tầng hầm của ký túc xá sinh viên.

“Sau đó, khi căn hầm bé ấy không còn đủ tạ tập nữa (lúc ấy anh squat khoảng 130 kg, deadlift khoảng 170 kg), Bình ra một phòng tập bên ngoài và may mắn được một số người bạn, những người thầy đầu tiên ở chính phòng tập đối diện bên đường. Kể từ đó anh đã có những kiến thức đầu tiên về powerlifting. Rồi anh tham gia các khoá học về cơ thể người như giải phẫu, nội tiết, vật lý trị liệu… để có thể hiểu tốt hơn cách mà cơ thể con người vận hành.

"Và cứ dần dần như thế, sau này rất may mắn tôi được học hỏi từ chính Giáo sư Boris Sheiko mà tháng 3 vừa rồi qua Việt Nam để tổ chức hội thảo chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam về powerlifting, rồi sự ra đời của Mishka powerlifting (đội của Bình)… Cứ thế cứ thế các mảnh ghép dần dần điền kín bức tranh”, Bình nhớ lại.

Những hình xăm kín cơ thể

Bình có sở thích xăm mình. Trên người anh đặc kín các hình thù cá tính. Với dáng đi lừng lững rất khác biệt anh được bạn bè gọi mệnh danh là "Bình gấu".

Khi được hỏi về những hình xăm kín cơ thể, anh bảo mỗi hình trên người đều mang một câu chuyện, vui có, buồn có, đủ mọi cung bậc cảm xúc, tuy nhiên Bình xin giữ kín những điều đó cho riêng mình.

"Đó là một sở thích bình thường như mọi sở thích. Dù đối với phần đông mọi người vẫn coi hình xăm là một cái gì đó quái gở hay chỉ thuộc về tầng lớp “dân anh chị” nhưng tôi không ngại thậm chí còn tự hào vì điều ấy. Vì dù là những quyết định đúng đắn hay sai lầm đều góp phần tạo nên con người tôi bây giờ", Bình chia sẻ.

Powerlifting vốn là môn thể thao của Mỹ rồi du nhập sang Nga. Sau đó các vận động viên xứ sở bạch dương đã dễ dàng soán ngôi của Mỹ trên các đấu trường thế giới trong một thời gian rất rất dài. Khác với những hệ thống lý thuyết hay phương pháp tập luyện của Mỹ, powerlifting Nga mang hơi hướng và ảnh hưởng rất lớn từ cử tạ truyền thống (weightlifting). Cách phát triển bộ môn này ở hai nước cũng khác hẳn nhau. Nếu như ở Mỹ, powerlifting mang tính cá nhân (hoặc đội) thì ở Nga, nó là môn thể thao được nhà nước bảo trợ.

Sắp tới đây, giải vô địch powerlifting toàn quốc trực thuộc Liên đoàn quốc tế GPA (VPA) sẽ diễn ra vào ngày 26-27/5 tại Hà Nội. Và Bình - một chàng trai người Việt đang mang trong mình những hy vọng của bộ môn này tràn đầy những kỳ vọng vươn tầm ra thế giới.

bo mon Powerlifting anh 24

Hồ Quang - Việt Linh

Bạn có thể quan tâm