Đợt bùng phát dịch viêm phổi do chủng virus corona mới gây nên đang đặt áp lực không nhỏ lên Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông từng chỉ trích gay gắt người tiền nhiệm của mình, cựu tổng thống Barack Obama, về cách chính phủ Mỹ ứng phó đại dịch Ebola năm 2014.
Giờ đây, nhà lãnh đạo 73 tuổi phải đối mặt với bài toán chiến dịch ứng phó toàn liên bang, giảm tác động của đại dịch lên nền kinh tế và bầu cử Mỹ năm nay.
Công dân Mỹ được sơ tán khỏi thành phố Vũ Hán được đưa về căn cứ quân sự Mỹ tại bang California vào tuần này. Ảnh: AFP. |
"Đây không phải lúc để hoảng loạn"
Để giảm chỉ trích từ đảng Dân chủ đối thủ, Nhà Trắng những ngày qua liên tục có những động thái thể hiện hình ảnh tự tin về năng lực giải quyết khủng hoảng y tế.
Tổng thống Trump ngày 29/1 chủ trì buổi báo cáo liên ngành tại Phòng Tình huống về chủng virus corona mới. Ông cũng thông báo thành lập một đội ngũ đặc biệt, bao gồm nhiều cố vấn cấp cao, để dẫn đầu nỗ lực ứng phó dịch bệnh của chính phủ.
Các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan bao gồm tổ chức tầm soát tại 20 sân bay Mỹ, theo dõi sức khỏe cho những công dân trở về từ Trung Quốc, và phát triển vaccine để khắc chế chủng virus corona mới.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) đối với sự lây lan của virus corona bên ngoài Trung Quốc. Từ cuối tháng 12/2019, đã có hơn 200 ca tử vong và hơn 9.000 bệnh nhân được xác nhận nhiễm chủng virus corona mới tại Trung Quốc, cùng hơn 100 ca được ghi nhận tại nhiều nước trên thế giới. Riêng Mỹ đã phát hiện hơn 10 trường hợp nhiễm bệnh.
"Đây không phải là lúc để xảy ra hoảng loạn tại Mỹ, dù dưới bất kỳ hình thức nào", Trợ lý Bộ trưởng Y tế Brett Giroir trả lời họp báo tại Nhà Trắng ngày 30/1.
"Tình hình hiện trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, dịch có diễn biến phức tạp và nhanh chóng. Thông tin có thể thay đổi bất kỳ lúc nào. Với nguồn lực đang được triển khai, chính phủ đã sẵn sàng và chúng tôi cảm thấy tự tin. Chúng tôi biết rõ cần có những bước đi như thế nào để khống chế dịch bệnh", ông nhấn mạnh.
Tình hình hiện nay ẩn chứa nhiều thách thức cho chính phủ Mỹ. Khả năng truyền nhiễm và mức độc tính của chủng virus corona mới vẫn chưa được làm rõ. Trong khi đó, yếu tố địa chính trị phức tạp tại Trung Quốc cũng như dấu hỏi về mức độ minh bạch thông tin của Bắc Kinh trong ứng phó đại dịch mở ra những rủi ro khó lường.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng y tế có thể cản trở mong muốn từng bước bình thường hóa quan hệ thương mại Mỹ - Trung sau những năm leo thang áp thuế qua lại.
Hành khách đường sắt đô thị tại Hong Kong đều mang khẩu trang đề phòng nhiễm virus corona. Ảnh: Bloomberg. |
Nhà Trắng vẫn tự tin
Trong đợt bùng phát lần này của chủng virus corona mới, nhà lãnh đạo Mỹ lại kín tiếng một cách bất thường. Ngày 29/1, ông đăng lên mạng xã hội Twitter những hình ảnh cuộc họp trong Phòng Tình huống và thông báo ngắn gọn chính phủ Mỹ đang trao đổi sát sao với Trung Quốc về đại dịch.
"Chúng tôi có những chuyên gia giỏi nhất khắp thế giới và họ đang làm chủ hoàn toàn vấn đề 24/7", ông viết.
Theo tiết lộ từ một quan chức cấp cao giấu tên, ông Trump ngại phát ngôn sau khi được các trợ lý cảnh báo rủi ro gây hoang mang dư luận vô cớ. Một số cố vấn trấn an tổng thống rằng đối tác tại Trung Quốc đang rất nỗ lực khống chế dịch bệnh.
Bộ trưởng Y tế và Nhân lực Alex Azar, người đứng đầu nhóm đặc trách ứng phó virus corona, vừa trình cho ông Trump một báo cáo về những tiến triển trong công tác chống dịch bệnh tại Trung Quốc. Đây có thể là nguyên nhân khiến nhà lãnh đạo Mỹ gửi đi thông điệp khá tích cực trên Twitter tuần qua về tình hình dịch bệnh.
Quyền chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney từ đầu tuần đã khởi động các buổi báo cáo thường nhật tập trung vào dịch viêm phổi do chuẩn virus corona mới. Các quan chức Nhà Trắng đã thảo luận đến phương án sơ tán công dân an toàn khỏi Trung Quốc, cũng như nơi tạm cách ly cho họ khi đã hồi hương.
Một số quan chức chính phủ và nghị sĩ Mỹ có bày tỏ quan ngại về mức độ minh bạch thông tin từ phía Trung Quốc trong cuộc chiến với virus corona. Họ cho rằng Bắc Kinh chưa hợp tác và chia sẻ đầy đủ dữ liệu cho phía Mỹ cùng nhiều nước khác nghiên cứu.
Trong khi đó, một số nghị sĩ Mỹ vận động lệnh cấm đi lại đối với người đến từ Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Tom Cotton, một đồng minh thân thiết với Nhà Trắng, nhấn mạnh chính phủ "có nghĩa vụ bảo vệ người dân Mỹ cho đến khi chúng ta hiểu rõ hơn về virus này và đợt bùng phát dịch đã được kiểm soát".
Bộ trưởng Y tế và Nhân lực Mỹ Aleex Azar trả lời họp báo về chiến lược liên bang đối phó bùng phát virus corona. Ảnh: AFP. |
Nhiều hoài nghi về năng lực
Nhiều thành viên đảng Dân chủ cảnh báo những chính sách của Tổng thống Trump đã khiến nước Mỹ "hở sườn" trước đại dịch lần này. Trong đợt cải tổ Hội đồng An ninh Quốc gia năm 2018, chính phủ Tổng thống Trump đã giải tán luôn đội an ninh y tế toàn cầu.
Bình luận ngày 27/1 trên USA Today, cựu phó tổng thống Joe Biden gọi ông Trump là lựa chọn tệ nhất khi nước Mỹ cần một nhà lãnh đạo giám sát ứng phó khủng hoảng. Trong đợt đại dịch Ebola, ông Trump từng kêu gọi Tổng thống Barack Obama ra lệnh cấm đi lại đối với các nước Tây Phi, dù hàng loạt chuyên gia y tế cộng đồng cho rằng lệnh cấm như vậy là không hữu ích.
"Tôi vẫn nhớ cách ông Trump thổi phồng tâm lý sợ hãi và kỳ thị. Ông ấy chỉ trích Tổng thống Barack Obama 'bất tài', rồi công kích chiến lược ứng phó dù chúng tôi có bằng chứng rõ ràng", cựu phó tổng thống Biden nhắc lại.
Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump đã đáp trả ông Biden bằng những phát ngôn của chính cựu phó tổng thống Mỹ vào năm 2009 trong đợt bùng phát dịch cúm A-H1N1 (lây từ lợn). Phó tổng thống Joe Biden khi đó khuyên người trong gia đình không sử dụng tàu điện ngầm hoặc máy bay. Một đại diện Nhà Trắng sau đó nhận định người dân không cần lo sợ đến như vậy.
"Đây chỉ là một ứng viên thất bại tìm cách xây dựng uy tín trong vấn đề mà ông ấy không có chút uy tín nào", người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Matthews đáp trả bài bình luận của ông Biden.
Ron Klain, người từng đứng đầu chiến dịch ứng phó dịch Ebola năm 2014, cũng nhắc lại các bình luận năm 2014 của Tổng thống Trump là "sự bộc phát của tính độc ác, tâm lý bài ngoại và kích động sợ hãi". Ông dẫn lại một nghiên cứu từ Văn phòng Chiến lược Kỹ thuật số Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Obama, cho thấy những dòng tweet của ông Trump thời điểm đó là một trong những động lực thúc đẩy tâm lý sợ hãi vô cớ của công chúng Mỹ đối với Ebola.
"Ông Trump giờ phải tin tưởng vào những chuyên gia trong chính phủ mà ông vốn khinh miệt từ trước đến nay, phải tạm gác lại bản năng khá tệ của mình, lãnh đạo tại Nhà Trắng và hợp tác chặt chẽ với các lãnh đạo và tổ chức nước ngoài. Tất cả những điều này ông ấy đều không làm được trong suốt 1.200 ngày tại chức", Klain nhấn mạnh.
"Nhà Trắng hiểu rõ rủi ro tạo ấn tượng mất kiểm soát tình hình trong trường hợp vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn hoặc phức tạp hơn nhận thức ban đầu. Cái giá về mặt chính trị họ phải trả cho việc phản ứng thái quá là không cao, vì người dân rồi sẽ quên đi. Nhưng rủi ro lại rất lớn nếu họ đánh giá thấp vấn đề", một hạ nghị sĩ giấu tên của đảng Dân chủ nhận định với Washington Post.