Phân khúc sữa đặc có đường một thời khuynh đảo thị trường trước khi bước vào giai đoạn được xem là bão hòa. Cụ thể, năm 2009, thị trường sữa đặc có Vinamilk (gồm 2 nhãn hàng Ông Thọ, Ngôi Sao Phương Nam) và Friesland Campina Việt Nam (Dutch Lady) là Cô Gái Hà Lan, Hoàn Hảo, Trường Sinh. Sau đó, thị trường có thêm Daily, sản phẩm của công ty cổ phiếu sản xuất Tân Việt Xuân (Vixumilk). Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất ngoại và nội địa xuất hiện.
Ở thời kỳ đỉnh cao, lượng sữa đặc do các công ty trong nước sản xuất đạt 312 triệu hộp/năm, các công ty nước ngoài sản xuất tại Việt Nam đạt 92 triệu hộp/năm. Tốc độ tăng trưởng trung bình của dòng hàng sữa đặc là 10%/năm.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2009-2014, tốc độ tăng trưởng chỉ khoảng 3%/năm, thấp nhất trong các chủng loại sữa. Nguyên nhân là phần lớn người tiêu dùng thành thị đã chuyển qua dùng sữa tươi thay cho sữa đặc.
Sau thời điểm gần như bão hòa, sữa đặc lại bước vào giai đoạn phát triển và cạnh tranh. |
Khảo sát từ công ty chứng khoán Habubank (Habubank Securities), thị trường sữa đặc có đường đang bước vào giai đoạn bão hòa. CAGR (tỷ suất sinh lời) là 3%, một tỷ lệ quá thấp để hấp dẫn Vinamilk (đơn vị nắm 79% thị phần sữa đặc đường) và Dutch Lady (đơn vị nắm giữ 21% thị phần sữa đặc có đường) tiếp tục đẩy mạnh đầu tư.
Lý do mà đơn vị này đưa ra là người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng thành thị bắt đầu nhận thức được sữa đặc có đường không tốt cho sức khỏe, và hiện nay, sữa đặc chỉ phổ biến ở thị trường nông thôn.
Lý giải này hoàn toàn có cơ sở. Bởi theo báo cáo thường niên của Vinamilk, những năm trở lại đây, đặc biệt nhất là năm 2013, sữa đặc có đường đã không còn là cái tên nằm trong danh mục 21 sản phẩm cho thị trường nội địa và 3 sản phẩm mới cho thị trường xuất khẩu. Sữa đặc cũng không nằm trong 8 sản phẩm nằm trong chương trình quảng cáo và truyền thông về giáo dục của Vinamlik trong năm 2014 này.
Tuy nhiên, đáng chú là ngày 13/1/2014, Vinamilk đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao giấy phép đầu tư nhà máy sữa tại Campuchia cùng với đối tác là công ty Angkor Dairy Products Company Limited (tại Đặc khu kinh tế Phnom Penh, với diện tích gần 30.000m2 và vốn đầu tư 23 triệu USD). Dự kiến khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ đạt công suất một năm trên 19 triệu lít sữa nước, 64 triệu hũ sữa chua và 80 triệu hộp sữa đặc.
Động thái của nhà sản xuất Vinamilk là giữ vững thị phần đã có, thậm chí có thể sẽ mở rộng thêm thị phần khi Friesland Campina Việt Nam buông lơi phân khúc sữa đặc có đường. Có thể thấy, thị trường chỉ có hai đối thủ cạnh tranh chính, ít tốn kém chi phí marketing, quảng cáo... nên vẫn có thể đạt lợi nhuận từ phân khúc này, đặc biệt là thị trường nông thôn rộng lớn.
Tính toán của nhà phân phối
Sau thời gian im ắng với những nhận định bão hòa hay thị trường sữa đặc có đường đang đối mặt với nguy cơ bị khai tử, thì một số nhãn hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hà Lan xuất hiện, như Nestlé Lait concentré sucré 397g, Carrefour - Lait concentre sucre 397g, F&B, La Rosée... Sự ra mắt của cream đặc có đường Brothers (Trung Nguyên) cũng đánh dấu sự trở lại của nhãn hàng này. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh lẫn tốc độ phát triển của mặt hàng này đạt tới đâu thì vẫn còn chờ diễn biến của thị trường.
Hiện tại, dù chưa có con số thống kê chính thức về sự tăng trưởng của phân khúc sữa đặc có đường, nhưng tại các siêu thị như Co.op mart, Metro, Big C... người tiêu dùng cũng không khó để nhận thấy sự đa dạng cũng như sự làm mới đồng loạt của các nhãn hàng sữa đặc có đường.
Cụ thể, Vinamilk có Ông Thọ đỏ, Ông Thọ trắng, Ngôi Sao Phương Nam lon và hộp giấy (1 lít) giá dao động 19.000 - 63.000 đồng/hộp; Dutch Lady với các dòng sữa đặc Trường Sinh, Dutch Lady cao cấp, dinh dưỡng hằng ngày (Daily Nutrition)... giá dao động 27.000-54.000 đồng/hộp; ngoài ra, còn có sự góp mặt Daily (Vixumilk).
Mới đây, thị trường cũng đã xuất hiện thêm sự dòng sữa đặc F&B (Singapore) đã có mặt ở các hệ thống bán lẻ Việt Nam thông qua đơn vị nhập khẩu và phân phối là Công ty TNHH Hùng Dũng, đơn vị có 5 năm kinh nghiệm nhập khẩu và phân phối hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Một số nhà nhập khẩu sữa đặc có đường cho hay, một trong những lý do khiến họ tạm dừng phân phối sữa đặc tại Việt Nam phải kể đến đầu tiên là lợi nhuận.
Theo đại diện công ty TNHH TM Thực phẩm Hoa Sen, đơn vị từng nhập khẩu và phân phối độc quyền các loại sữa của Thai Dairy Industry (công ty lớn nhất về sữa tại Thái Lan), thời điểm năm 2010, sữa đặc có đường hiệu Orchid lon trọng lượng 380 gr của Thai Dairy được xem là sản phẩm đầu tiên Hoa Sen chính thức phân phối tại Việt Nam có giá thành rất cạnh tranh, chất lượng vượt trội.
"Chúng tôi đã được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt, nhưng đến nay đã gần 4 năm, Hoa Sen đã không còn nhập khẩu sản phẩm này do lợi nhuận không cao, trong khi DN còn phải chịu nhiều khoản khác liên quan đến các dịch vụ hậu cần, vận chuyển về Việt Nam", Hoa Sen chia sẻ.
Mặc dù vậy, cũng không ít doanh nghiệp vẫn nhập khẩu và mở rộng hệ thống phân phối tại thị trường Việt Nam đối với dòng sữa đặc có đường. Điển hình, công ty TNHH Quốc tế Mavi (Mavi) đang kinh doanh sữa đặc có đường thương hiệu La Rosée (Tea Pot - Thái Lan). Theo đại diện Mavi, sản phẩm đang được bán rất chạy ở Buôn Ma Thuộc, Khánh Hòa, Phú Yên, khoảng 250 thùng/tháng.
Hiện đơn vị đang đẩy mạnh hệ thống phân phối tại miền Đông Nam bộ cũng như tìm đại lý phân phối ở khu vực này với những hình thức ưu đãi như: không áp doanh số và hỗ trợ các chương trình khuyến mãi trong 3 tháng đầu tiên cho các đại lý.
Ngoài lý do ý thức người tiêu dùng còn một nguyên nhân khác. Theo tiết lộ từ đại diện của Mavi là sữa đặc có đường luôn có mức chiết khấu thấp hơn sữa bột và sữa tươi, thường dao động dưới 20%. Đây được xem là lý do khiến ngày càng có nhiều đại lý ít mặn mòi với mặt hàng này.