Sau một vòng bảng có phần tẻ nhạt và dễ đoán, giờ là lúc người hâm mộ trên toàn thế giới được sống trong bầu không khí bóng đá đỉnh cao, khi Champions League trở lại với loạt trận lượt về vòng 16 đội.
Hàng loạt ông lớn như Real Madrid, Barca, PSG hay Juventus đều không có được kết quả ưng ý ở trận lượt đi. Chưa bao giờ niềm tin về cuộc lội ngược dòng của những siêu CLB này lại mong manh như bây giờ.
Real và Barca thống trị La Liga
Khi thua Man City, Real Madrid trông như một tập thể rời rạc, bị pha trộn bởi những cá nhân có phong độ lên xuống thất thường, nhưng đều sở hữu điểm chung là không ai ở đỉnh cao. Barca bị Napoli cầm hòa 1-1 vì lệ thuộc quá nhiều vào Lionel Messi. Siêu sao người Argentina gần như không để lại dấu ấn gì khi bị hàng phòng ngự của HLV Gennaro Gatusso khóa chặt. Nếu không có bàn gỡ của Antoine Griezmann, đoàn quân của HLV Quique Setien sẽ còn đối mặt tình cảnh ngặt nghèo hơn nhiều.
Trận El Clasico gần đây một lần nữa thể hiện sự thiếu hụt về chất lượng của hai đội bóng này, dù Real Madrid giành chiến thắng với tỷ số 2-0. Đánh bại đối thủ trong trận cầu "6 điểm" nhưng chỉ một tuần sau, thầy trò HLV Zinedine Zidane lại tự bắn vào chân mình bằng trận thua Real Betis, trả lại ngôi đầu bảng cho kình địch Barca.
Messi bất lực trước hàng phòng ngự của Napoli ở trận lượt đi vòng 16 đội Champions League. Ảnh: Getty Images. |
Một lý do dễ dàng được đưa ra trong khoảng hai năm trở lại đây là Real Madrid và Barca đều đang trong quá trình tái thiết. Đội chủ sân Bernabeu đã sống bằng hơi thở của Cristiano Ronaldo trong gần một thập kỷ và cần giải pháp thay thế khi siêu sao người Bồ Đào Nha rời đi. Eden Hazard, người được kỳ vọng sẽ làm điều này, lại dính chấn thương liên tiếp và vắng mặt số trận nhiều hơn 7 năm anh ở Chelsea gộp lại.
Trong khi đó, Barca được cho là không đi đúng hướng kể từ khi kỷ nguyên của Pep Guardiola kết thúc. HLV Luis Enrique là người gần nhất mang về chức vô địch Champions League cho đội chủ sân Camp Nou. Song, đội bóng này một lần nữa lại tỏ ra bối rối khi phải đối mặt với sự ra đi của Neymar.
Real Madrid và Barca đang dậm chân tại chỗ. Quá trình tái thiết của họ không biết khi nào mới hoàn thành. Thực tế, cả hai cũng chẳng có quá nhiều động lực để làm điều đó, bởi họ luôn được đảm bảo một vị trí trong nhóm dự Champions League cuối mùa. Lực lượng của hai ông lớn này đủ khả năng để chinh chiến tại La Liga. Song, cả Real Madrid và Barca sẽ chấp nhận rời xa Champions League đến khi nào?
Juventus và PSG "khôn nhà dại chợ"
Juventus, đội sở hữu siêu sao Champions League là Cristiano Ronaldo, đã để thua 0-1 trước Olympique Lyon, những người hiện đứng thứ năm ở Ligue 1. Các vấn đề của Juventus đều do chính đội bóng này sinh ra, xuất phát từ ý niệm rằng sự thành công ở Italy là mặc định và hiển nhiên có.
5 chức vô địch Serie A, 4 cúp quốc gia, 2 siêu cúp Italy cùng 2 lần góp mặt tại chung kết Champions League có thể khiến người hâm mộ Juventus tin vào việc đội bóng chuẩn bị nâng chiếc cúp bạc danh giá nhất châu Âu. Tuy nhiên, Max Allegri không nghĩ vậy, và sự chia tay của ông ở mùa giải năm ngoái xảy ra như một lẽ tất yếu.
HLV Maurizio Sarri được bổ nhiệm và mang đến luồng gió mới trong lối chơi của "Bà đầm già" thành Turin. Tuy nhiên, đến lúc này, không ai biết và cũng chẳng ai nói nhiều tới việc chiến lược gia người Italy sẽ giúp Juventus vô địch Champions League bằng cách nào, kể cả khi ông có trong tay Ronaldo.
Cuối cùng là PSG, đội bóng dường như bất khả chiến bại ở Pháp nhưng không khác gì "gà mờ" khi ra đấu trường châu lục. Với đội hình được Transfermarkt định giá hơn một tỷ euro, đội chủ sân Parc des Princes lẽ ra phải làm tốt hơn thế. Nếu thất bại chung cuộc trước Borussia Dortmund, đây sẽ là lần thứ ba liên tiếp gã nhà giàu nước Pháp dừng bước ở vòng 16 đội Champions League. Hệ quả của nó có thể sẽ là cuộc đào thoát của những siêu sao hàng đầu thế giới như Neymar hay Kylian Mbappe.
Dortmund đã chơi thứ bóng đá tấn công giàu năng lượng để đánh bại gã nhà giàu PSG. Ảnh: Getty Images. |
Có một giả thiết được đưa ra là bốn ông lớn đều nghĩ rằng danh tiếng sẽ mang lại thành công. Điều đó khiến họ nảy sinh sự tự mãn trước khi trở nên sa sút và tự đặt mình vào thế khó. Thực tế, họ có quyền nghĩ vậy bởi sự bất bình đẳng trong bóng đá đã tồn tại từ nhiều năm nay mà Man City là một ví dụ tiêu biểu. Gần đây, đội chủ sân Etihad mới phải đối mặt với án cấm thi đấu tại cúp châu Âu hai năm sau những vi phạm về luật công bằng tài chính.
Bóng đá hiện đại là cuộc chơi của tầng lớp giàu có, của những ông trùm dầu mỏ, những nhà tài phiệt hàng đầu thế giới... Một khi các siêu CLB bắt đầu chi tiền tấn để chiêu mộ những siêu sao phù hợp với kế hoạch dài hạn cùng một HLV tài năng, đó là lúc họ gặt hái thành công theo kiểu "ăn xổi" và nhận ra bản sắc của CLB đã bị phai mờ.
Một câu chuyện cổ tích vẫn có thể được viết nên tại Champions League năm nay nếu Atalanta, đội bóng đã đánh bại Valencia với tỷ số 4-1 ở lượt đi, giành chức vô địch. Tuy nhiên, điều đó sẽ chỉ khiến những ông lớn ngày càng tham lam, khao khát thành công và bạo chi hơn để có được nó.
Đó là sự trớ trêu của bóng đá. Ở đây không tồn tại sự bình đẳng. Sẽ luôn có một bên yếu thế hơn, cố gắng lật đổ ách thống trị của những kẻ mạnh. Song, sự thống trị ấy đôi khi sẽ khiến những kẻ mạnh sinh ra tự mãn và cái kết rất có thể sẽ là một thất bại bất ngờ và đầy cay đắng.