Bình luận
Huyền thoại Lothar Matthaus miêu tả trận thua 0-6 trước Tây Ban Nha tại UEFA Nations League là "thất bại toàn diện" của tuyển Đức. Báo Die Welt cho rằng thất bại trên đất Sevilla là "nỗi xấu hổ đến tận xương tủy" với thầy trò Joachim Loew.
Tây Ban Nha không phải đối thủ dễ bị bắt nạt. Thế nhưng, đây không phải "La Roja" hùng mạnh từng khiến nhiều đối thủ phải khiếp sợ như hơn thập niên trước.
Tuyển Đức bị bẽ mặt
Đoàn quân của Joachim Loew sẽ cảm thấy khó chịu sau khi rời Sevilla. Họ trải qua đêm kinh hoàng và nỗi ám ảnh sẽ còn đeo bám lấy các cầu thủ.
Tuyển Đức thật sự bị bẽ mặt bởi đội bóng Tây Ban Nha non trẻ và đang trên hành trình xây dựng lại. Đây không phải là "La Roja" chất lượng được cấu thành bởi dàn cầu thủ thuộc hai đội bóng mạnh nhất thế giới là Barca và Real.
Đội hình Tây Ban Nha nhấn chìm tuyển Đức chỉ có một cầu thủ của Barca. Đó là Sergi Roberto, người thậm chí không phải ngôi sao đẳng cấp thế giới và khiến phần còn lại phải nể sợ. Ở hàng thủ, Sergio Ramos - đã 34 tuổi và khoác áo Real - cũng chỉ chơi được gần hết hiệp một.
Thế nhưng, tuyển Đức vẫn chìm nghỉm ở Sevilla. Họ bị sỉ nhục bởi Ferran Torres, tài năng mới 20 tuổi và chỉ được thi đấu ở Man City vì Sergio Aguero và Gabriel Jesus dính chấn thương, Dani Olmo, người mùa trước vẫn còn khoác áo Dinamo Zagreb.
Cả hai cầu thủ này khuấy đảo hàng thủ tuyển Đức. Torres thậm chí đóng góp hat-trick cho "La Roja". Thậm chí, Alvaro Morata, tiền đạo bị gán mác "chân gỗ" của bóng đá thế giới, cũng có thể làm rung mảnh lưới khung thành Manuel Neuer.
Tuyển Đức chạm đáy thất vọng với thất bại 0-6 trước Tây Ban Nha tại Nations League. Ảnh: Getty. |
So với lúc tuyển Đức gục ngã trước Tây Ban Nha ở chung kết EURO 2008, lực lượng "La Roja" hoàn toàn kém tiếng tăm hơn. Lứa Pau Torres, Eric Garcia, Unai Simon toàn gương mặt trẻ và không ai có số trận thi đấu ở ĐTQG nhiều hơn 50 lần.
Tuy vậy, chính những cầu thủ Tây Ban Nha kém nổi tiếng kể trên lại gieo sâu vào tuyển Đức, đội bóng sở hữu những quân bài giàu kinh nghiệm như Manuel Neuer, Toni Kroos, Ilkay Gundogan.
"Đội bóng nhấn chìm tuyển Đức không phải tên tuổi giàu kinh nghiệm với nhiều siêu sao thế giới trong đội hình, mà đó là ĐTQG với lực lường nòng cốt toàn gương măt trẻ và khao khát tạo dựng tiếng tăm cho chính mình", nhà báo Gabriele Marcotti của ESPN viết.
Tỷ số 0-6 trở thành nỗi sỉ nhục lớn với tuyển Đức. Họ cũng thấm thía cảm giác tuyệt vọng như kiểu "chẳng biết phải đá thế nào trước đối thủ".
Trên sân vận động ở Sevilla, đội bóng của Joachim Loew như quân xanh để đối thủ tập dược. Họ tung ra 2 cú sút, còn chủ nhà có 23 pha dứt điểm. Tuyển Tây Ban Nha có thể ghi nhiều hơn 6 bàn thắng, nếu Neuer không liên tục trổ tài cứu thua. Cả trận, nhà vô địch World Cup 2014 kiểm soát bóng 30%.
Thầy trò Joachim Loew trải qua trận đấu tệ hại nhất từ sau chức vô địch World Cup trên đất Brazil. Thậm chí, lúc tuyển Đức để thua 0-2 trước Hàn Quốc tại vòng bảng World Cup 2018, họ cũng không trình diễn bộ mặt kém cỏi đến vậy.
Trận thua 0-6 trước Tây Ban Nha khiến tuyển Đức chạm đáy thất vọng. Tuy nhiên, sự sỉ nhục này hãy còn tiếp diễn nếu vấn đề cót lõi không được giải quyết. Nhà báo Jonathan Wilson chỉ thẳng chính HLV Joachim Loew là nguồn gốc đẩy "Die Mannschaft" tới vực thẳm.
Tuyển Đức cần sự thay đổi nếu không muốn trượt dài. Ảnh: Getty. |
Ông Loew là vấn đề
Không ai phủi tay với đóng góp của HLV Joachim Loew sau khi đưa "Die Mannschaft" tới chức vô địch World Cup 2014. Mô hình huấn luyện của nhà cầm quân này, và các HLV người Đức khác đã thật sự vượt trội trội so với những đồng nghiệp Tây Ban Nha.
Mùa 2018/19, Juergen Klopp, một người Đức, đưa Liverpool tới chức vô địch Champions League. 12 tháng sau, trong số 4 HLV góp mặt ở vòng bán kết của giải đấu, có 3 người mang quốc tịch Đức. Tuy vậy, HLV Joachim Loew, được cho là đã hết thời, lại làm bẽ mặt những đồng hương.
Trước Tây Ban Nha, ông tạo ra đội tuyển thi đấu chậm chạp, thiếu tinh tế, vô tổ chức trong quá trình chuyển đội trạng thái sang phòng ngự. Thất bại của tuyển Đức trước Tây Ban Nha tại Nations League cho thấy triết lý của HLV Joachim Loew đang lỗi thời và đi ngược với xu thế phát triển của bóng đá hiện đại.
Không phải cầu thủ, người nhận trách nhiệm cao nhất sau trận đấu ở Sevilla là nhà cầm quân 60 tuổi.
Suốt thập kỷ qua, bóng đá Đức không ngừng sản sinh ra những tài năng. Thế nhưng, họ chỉ có thể vô địch World Cup 2014. Vấn đề nằm ở HLV Joachim Loew, người được cho là vẫn chưa biết cách tạo ra hệ thống phù hợp với năng lực cầu thủ.
Tại Confederations Cup 2017, tuyển Đức lên ngôi với dàn cầu thủ trẻ tiềm năng. Điều đó mang tới hy vọng cho HLV Joachim Loew. Thế nhưng, những điều chỉnh về sơ đồ chiến thuật sau đó của thuyền trưởng khiến gã khổng lồ châu Âu trượt dài.
Tuyển Đức từng chơi tốt với sơ đồ 4 hậu vệ. Tuy vậy, ông Joachim Loew lại bất ngờ chuyển sang hệ thống 3 trung vệ, làm triệt tiêu sự sáng tạo ở tuyến trên. Bóng đá Đức gần đây cũng không có cầu thủ nào chơi tốt trong vai trò "wing-back" (hậu vệ cánh dâng cao).
Thay đổi này khiến lối chơi tuyển Đức bị xáo trộn và mất đi tính hiệu quả. Đã vậy, ông Joachim Loew còn loại Jerome Boateng và Mats Hummels, hai trung vệ hàng đầu của bóng đá Đức, với mong muốn cải tổ đội hình. Kết quả là hàng thủ "Die Mannschaft" trở nên mỏng manh và bị những Morata, Ferran Torres làm bẽ mặt.
Cũng theo Jonathan Wilson, tuyển Đức không hề phù hợp với phong cách sử dụng các tiền vệ pressing "1 kèm 1". Tuy nhiên, HLV Joachim Loew lại áp dụng ý tưởng trên cho các cầu thủ, vốn chỉ tập trung và đá với nhau không tới 10 trận trong một năm.
"Ông Loew đang lạc lối và mất sự kết nối với các cầu thủ", nhà báo người Anh viết.
Tuyển Đức đang tụt lùi và cuộc khủng hoảng còn tiếp diễn nếu HLV Joachim Loew tiếp tục ngồi ghế chỉ đạo. Nhà cầm quân này đã chơi đủ lâu và gặt hái được đỉnh cao cùng ĐTQG. Có lẽ, tới lúc chiến lược gia 60 tuổi cần ra đi và nhường ghế cho người đồng nghiệp trẻ và mang triết lý hiện đại hơn, như Ralf Rangnick.
Bóng đá Đức đang có thế hệ những cầu thủ tài năng. Tuy nhiên, họ sẽ lãng phí Timo Werner, Kai Havertz, Leroy Sane, nếu còn đặt niềm tin vào người quản lý liên tục có những thay đổi vô ích trong thập kỷ qua và đáng lẽ nên rời bỏ công việc từ 4 năm trước.