Bình luận
Hồi giữa tuần trước, Đức bị Thổ Nhĩ Kỳ cầm hòa 3-3 ở trận giao hữu dù tung ra đội hình mạnh nhất. Sau khi kết thúc trận đấu, Lothar Matthaus không tiếc lời chỉ trích Loew trên Bild.
Ông nói: "Một lần nữa Loew lại mắc lỗi chiến thuật bằng việc thay người, khiến tuyển Đức đánh rơi chiến thắng. Tôi cũng vô cùng ngạc nhiên khi thấy nhiều cầu thủ như Nico Schulz được chơi cho tuyển quốc gia dù toàn phải dự bị ở CLB. Đây chính xác là lý do tại sao chẳng có người Đức nào bật tivi lên xem tuyển thi đấu nữa".
Chỉ vài ngày sau, Đức lại hòa tiếp Thụy Sĩ 3-3. Lần này là trong khuôn khổ UEFA Nations League 2020. Đây là trận hòa thứ 3 của Đức. Họ chỉ thắng nổi đúng Ukraine ở lượt trước, còn lại bị Thụy Sĩ và Tây Ban Nha cầm hòa.
Đức đang là cái bóng của chính mình. Ảnh: Reuters. |
Ở thời điểm lẽ ra phải vươn mình trở thành đội tuyển đủ sức đè bẹp phần còn lại với hiệu ứng từ Bayern Munich, những gì "Die Mannschaft" để lại đang là nỗi thất vọng.
Loew quẫn trí
Mọi điểm yếu của Đức đều phơi bày trong trận hòa trước Thụy Sĩ. Bất chấp sở hữu đội hình mạnh hơn hẳn, Đức hoàn toàn bị Thụy Sĩ đè ra uy hiếp khung thành với những pha tấn công vào phía sau hàng phòng ngự.
Hàng thủ với 2 hậu vệ biên chuyên dâng cao là Klostermann và Gonsens liên tục phải chịu những cú đấm từ các cầu thủ tấn công không xuất sắc từ Thụy Sĩ. Hệ quả là hàng công với những cái tên đắt giá như Timo Werner, Kai Havertz và Serge Gnabry không đủ lực để gánh lại hàng phòng ngự thủng lỗ chỗ ấy.
Sự gãy đổ về hệ thống chiến thuật này không xuất phát từ chất lượng của các cầu thủ Đức. Nền bóng đá có Bayern Munich vô địch Champions League, còn RB Leipzig vào tới bán kết chắc chắn phải sản sinh ra những cầu thủ giỏi.
Loew đang hết thời? Ảnh: Reuters. |
Cách huấn luyện của HLV Loew mới là thứ đang khiến Đức gặp vấn đề.
Sau những thất bại liên tiếp tại World Cup 2018 và UEFA Nations League 2018/19, Loew đang nỗ lực để thay đổi diện mạo của đội tuyển. Ông liên tục thử nghiệm khi gò Đức chơi từ 3 hậu vệ theo đúng xu thế đến 4 hậu vệ như truyền thống suốt hơn 10 năm qua.
Kết quả tại vòng loại EURO 2020 có thể khiến nhà cầm quân này nhẹ lòng khi Đức đứng đầu bảng, vượt trên kình địch Hà Lan. Song khi phải đối đầu những đối thủ máu mặt tại Nations League, Đức bắt đầu lộ rõ điểm yếu khi không thể chỉ sử dụng hàng công để giải quyết trận đấu.
Sự thiếu nhất quán trong quan điểm phát triển đang khiến Đức chững lại. Sau trận hòa 3-3 ở thế rượt đuổi trước Thụy Sĩ, Lothar Matthaus gần như hét lên trên tờ Bild khi nói "Đừng thử nghiệm nữa Loew!".
Trong bóng đá, việc thay đổi để tìm ra hướng đi mới luôn cần thiết. Song Loew, ở năm thứ 14 dẫn dắt ĐT Đức, đang không còn là người thích hợp để làm điều đó nữa.
Những đối thủ của tuyển Đức lúc này không còn lạ gì cách vận hành chiến thuật cơ bản của Loew. Đó vẫn sẽ luôn là những pha chồng biên liên tục kết hợp với cầu thủ tấn công luôn chủ động tìm kiếm khoảng trống trong vùng cấm.
Sự già cỗi và thiếu đổi mới trong cách vận hành chiến thuật của Loew khiến Đức dần bị bắt bài. Nhà cầm quân này không còn là người đủ minh mẫn lẫn liều lĩnh để tạo ra khác biệt. Năm 2010, sau khi Michael Ballack chấn thương, Loew đã đặt cược vào hàng tiền vệ mới toanh với những cái tên như Sami Khedira hay Mesut Oezil và gặt hái thành công rực rỡ.
Giờ đây, ông không còn tạo ra điểm nhấn nào như thế nữa. Và cho dù có cố gắng thay đổi như thế nào, Đức của Loew vẫn sẽ mang màu sắc của 6-7 năm trước, chứ không phải thứ bóng đá của hiện đại.
Áp lực bủa vây Loew
Tính đến lúc này, Loew đã giữ chức thuyền trưởng ĐT Đức 14 năm. Trong số những đội tuyển hàng đầu, chỉ Uruguay với Oscar Tabarez là có thời gian gắn bó tương đương Đức với Loew.
Tại UEFA Nations League 2018/19, Đức của Loew đứng bét bảng sau Hà Lan và Pháp. Lẽ ra, nhà cựu vô địch World Cup phải xuống hạng dưới chơi cùng xứ Wales, Serbia, nhưng cơ chế mới của UEFA Nations League cho phép Đức "trụ hạng" để đá tiếp mùa giải sau. Đây được coi là sự ưu ái khiến Đức đỡ mất mặt hơn là phát kiến của UEFA.
Chiến thắng ở vòng loại EURO 2020 không khiến áp lực đặt lên vai Loew giảm bớt. Dĩ nhiên, những CĐV Đức không kỳ vọng đội bóng con cưng chỉ dừng ở mức vượt qua vòng loại.
Họ muốn thấy những màn trình diễn đè bẹp đối thủ. Sau những năm tháng liên tiếp tạo ra điều kỳ diệu cùng những thế hệ tài năng xuất hiện như nấm sau mưa, những CĐV không còn hài lòng với các màn trình diễn điểm 6 của Đức nữa.
Người mang vinh quang về cho Đức là Loew hay Hansi Flick? Ảnh: Getty. |
Nhiều CĐV trung thành của ĐT Đức đang hoài nghi Loew. Họ đặt câu hỏi liệu thành công suốt hơn 10 năm qua của "Die Mannschaft" có thực sự là công lao của chiến lược gia này. Hay ông chỉ kế thừa lại những con người của Juergen Klinsmann và hưởng lợi từ những lời hiến kế sáng suốt của trợ lý tài năng Hansi Flick.
Một thành viên của tuyển Đức từng chia sẻ với The Athletic: "Nếu không có Flick, Đức sẽ không vô địch World Cup 2014. Ông ấy tư vấn Loew dùng nhiều bóng chết hơn, khi nhận thấy Đức ghi 5 bàn từ tình huống cố định trong các giải lớn từ năm 2006 đến 2012.
Flick linh cảm với khí hậu nóng ẩm khó chịu tại Brazil, đội bóng từ châu Âu như Đức sẽ gặp nhiều bất lợi trong các tình huống mở. Ông tìm đến Freiburg, đội bóng có tỷ lệ ghi bàn từ bóng chết cao hơn trung bình. Flick mời về Lars Vossler, trợ lý tại Freiburg, đến buổi chia sẻ ý tưởng về tập luyện bóng chết trong đội tuyển".
Kết quả là Đức ghi 5 bàn từ tình huống cố định tại Brazil, trong đó có 4 bàn từ các pha phạt góc. Bàn còn lại là trong chiến thắng 1-0 trước Pháp ở tứ kết. Đức trở thành nhà vô địch và cũng là đội ghi nhiều bàn từ bóng chết nhất giải đấu, nhờ Flick chứ không phải Loew.
Flick rời Loew ngay sau khi World Cup 2014 kết thúc để trở thành giám đốc thể thao của ĐT Đức. Thời gian này cũng trùng khớp với việc "Die Mannschaft" đi xuống. Họ có thêm kỳ EURO 2016 chơi nổi bật trước khi chỉ còn là cái bóng của chính mình từ đó tới nay.
Trong thế hệ những cầu thủ Đức liên tục gây sốc trên thị trường chuyển nhượng với những mức giá khủng, "Die Mannschaft" lại đang thi đấu trồi sụt và không xứng với danh vọng ấy.