Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Sự tham lam của nhà Glazer làm hại Man United

Các ông chủ người Mỹ của Manchester United từng tin rằng họ có thể ngồi hưởng thụ ở Florida và sở hữu một thương hiệu bóng đá thành công cả trong lẫn ngoài sân cỏ.

Bình luận

Cổ động viên Manchester United thường truyền tai nhau về một giai thoại liên quan đến Avram Glazer. Đó là chủ tịch hiện tại của CLB thậm chí không biết Cristiano Ronaldo đến đội bóng năm nào.

Manchester United anh 1

Câu chuyện kể trên sau đó được chứng thực phần nào trong lần Avram Glazer đến nói chuyện ở trường đại học Tulane. "Ronaldo gia nhập CLB của chúng tôi từ năm 16 tuổi", người tiếp quản Manchester United từ năm 2005 nói.

Với nhiều cổ động viên đội chủ sân Old Trafford, sự nhầm lẫn đó cho thấy phần nào sự quan tâm của nhà Glazer đến đội bóng nước Anh. Ronaldo thực tế được Sir Alex Ferguson mua về năm 2003, khi anh 18 tuổi.

Một tháng trước khi siêu sao người Bồ Đào Nha lần đầu cập bến Old Trafford, nhà Glazer mới sở hữu 3% cổ phần Manchester United. Hai năm sau, họ hoàn tất việc mua lại CLB nước Anh.

15 năm tiếp theo, các ông chủ người Mỹ đang sống ở Florida trở thành một phần lịch sử CLB nước Anh. Nhưng họ có thể là phần lịch sử đáng quên của đội bóng này.

Manchester United anh 2

CĐV Man United náo loạn sân Old Trafford để phản đối nhà Glazer ngay trước đại chiến với Liverpool vào tháng 5/2021. Ảnh: Reuters.

Chủ càng giàu, CLB càng chơi kém

Nhà Glazer bỏ ra gần 790 triệu bảng để mua lại Manchester United. Ngày hôm nay, bất kỳ ai muốn mua lại "Quỷ đỏ" phải bỏ ra không dưới 3 tỷ bảng.

Tháng 10/2019, Quỹ Đầu tư công Saudi Arabia (PIF) sẵn sàng trả 3 tỷ bảng để mua lại toàn bộ cổ phần Manchester United. Trong hai thập niên kể từ khi tiếp quản Man United, nhà Glazer coi CLB này như một công cụ kinh doanh siêu lợi nhuận.

Họ thế chấp chính Man United cho các ngân hàng và quỹ đầu tư để lấy tiền mua đội bóng này (CLB đang nợ 439,7 triệu bảng tính đến 30/9/2021). Nhà Glazer muốn khai thác lợi nhuận từ "Quỷ đỏ" trong thời gian dài và từ chối bán CLB khi nhận nhiều đề nghị những năm qua.

Điều này ảnh hưởng gì đến màn trình diễn của Manchester United trên sân cỏ? 9 năm trôi qua kể từ ngày Sir Alex Ferguson giải nghệ, Manchester United ngày càng xa rời hàng ngũ các CLB hàng đầu châu Âu.

Những năm cuối của Sir Alex thực tế đã chứng kiến việc "Quỷ đỏ" lép vế trước Barcelona dù lọt vào chung kết Champions League. HLV Ferguson thỏa hiệp với nhà Glazer và duy trì thành công tương đối trên sân cỏ cho CLB. Ông là vị thần cuối cùng đủ sức bảo hộ cho Man Utd trong thời kỳ Glazer. Và khi Sir Alex lùi bước, bi kịch bắt đầu.

Bất chấp những màn trình diễn tồi trên sân cỏ, tình hình kinh doanh của Manchester United vẫn tốt. Ed Woodward sẽ kết thúc quãng thời gian làm việc ở Old Trafford vào đầu năm tới với nhiều điểm sáng trong cách làm kinh doanh của CLB.

Manchester United vẫn là thương hiệu bóng đá có giá trị cao nhất nước Anh 2021 (nghiên cứu của WTR), luôn đứng tốp 3 thế giới theo định giá của Brand Finance và nhiều tổ chức tài chính khác.

Tuy nhiên, vận hành một CLB bóng đá không đơn giản như quản lý công ty bình thường, nơi lợi nhuận được đặt lên cao nhất. Nhà Glazer từng nghĩ họ có thể ngồi thoải mái ở Florida và nhìn Manchester United "thành công ở cả trong và ngoài sân cỏ" như lời Woodward nói trong mỗi lần tổng kết tình hình kinh doanh.

Thất bại của Ole Gunnar Solskjaer là minh chứng rõ nhất cho thấy chủ sở hữu Man United chỉ quan tâm đến lợi nhuận của CLB. Bất kỳ ông chủ nào thật sự quan tâm đến tình hình đội bóng sẽ sa thải Solskjaer một tháng trước và mời Antonio Conte về dẫn dắt.

Chủ tịch Tottenham Hotspur, Daniel Levy, đã làm điều đó. Các ông chủ của Man City, PSG hay Chelsea thậm chí có thể sa thải HLV sớm hơn. Sự quan tâm từ các tỷ phú UAE, Qatar và Nga là lý do giúp 3 CLB kể trên đạt được những thành công vang dội trên sân cỏ một thập niên qua.

Manchester United anh 3

Avram Glazer (trái) và Joel Glazer thu lợi lớn nhờ việc mua lại Manchester United. Ảnh: Reuters.

Trong cuốn sách Soccernomics, tác giả Simon Kuper cho rằng bóng đá châu Âu là ngành kinh doanh tốn kém và đa số không mang lại lợi nhuận cho các ông chủ. Phần lớn CLB châu Âu dễ rơi vào vòng xoáy thua lỗ khi mọi chuyện đi sai hướng.

Đại dịch vừa qua khiến nhận định này của Kuper rõ ràng hơn. Barcelona chìm trong khủng hoảng vì CLB này không hoạt động như một doanh nghiệp thuần túy. Các hội viên (CĐV) nắm quyền CLB, những người này quan tâm đến thành công trên sân hơn các chỉ số kinh doanh.

Những CLB mạnh nhất châu Âu hiện tại là những đội mà các ông chủ sẵn sàng "đốt tiền" nhiều nhất. Họ là Man City, PSG và Chelsea.

Bayern Munich là một trường hợp đặc biệt của bóng đá Đức, nơi sự lý tính và quản trị chặt chẽ được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, Bundesliga chỉ có mỗi Bayern đủ khả năng cạnh tranh với Man City hay PSG. Những đội còn lại như Dortmund hay Bayer Leverkusen vẫn ở một vị thế thấp hơn.

Tại châu Âu, Arsenal và Manchester United là hai CLB hiếm hoi thường xuyên có lãi nhờ kinh doanh bóng đá trong một thập niên qua. Họ có được điều đó nhờ sự kiệt xuất của những cá nhân (Arsene Wenger hay Alex Ferguson) và ý chí của các ông chủ người Mỹ: Nhà Glazer hay Kroenke chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà CLB mang lại.

Liverpool có thể là một hình mẫu hoàn hảo mà các ông chủ người Mỹ như Glazer hay Kroenke muốn hướng đến. Tuy nhiên, "The Kop" thành công nhờ kết hợp nhiều yếu tố như chiêu mộ được HLV giỏi (Jurgen Klopp), quá thành công trong chuyển nhượng (bán Coutinho giá cao, mua Van Dijk, Mane hay Salah).

John W. Henry, chủ sở hữu Liverpool, cũng được đánh giá quan tâm đến tình hình của CLB nhiều hơn nhà Glazer hay Kroenke. Ông Henry không đối xử với Liverpool như một con bò sữa.

Manchester United anh 4

Sự rời đi của Solskjaer kéo theo nhiều trợ lý và Man United tiếp tục phải đập đi xây lại. Đồ họa: Minh Phúc.

Solskjaer chỉ là một mắt xích

Việc trợ lý số một Mike Phelan chuẩn bị rời Man United cùng Solskjaer cho thấy "Quỷ đỏ" sẽ tiếp tục đập đi xây lại trong thời gian tới. Nhà Glazer và Woodward từng nghĩ việc mời lại Phelan và xây dựng một mô hình quản trị mang hơi hướm của thời kỳ Ferguson có thể giúp CLB trở lại đỉnh cao.

Không thể phủ nhận Solskjaer mang đến nhiều sự tích cực cho Man United 3 năm qua. Sau trận thua Watford 1-4, Bruno Fernandes gần như nài nỉ các CĐV "Quỷ đỏ" đừng chửi bới Ole vì lỗi không chỉ nằm ở HLV. David de Gea cũng nói điều đó khi được hỏi sau thất bại.

"Đôi khi trong bóng đá, lỗi hoàn toàn thuộc về các cầu thủ chứ không phải HLV", thủ môn người Tây Ban Nha nói. De Gea nói không sai. Nhưng nhà Glazer tự giới hạn tham vọng thành tích của họ với Man United thông qua Solskjaer.

HLV người Na Uy chắc ghế và được trao niềm tin chỉ vì giúp CLB dự Champions League, điều sẽ khiến "Quỷ đỏ" làm ăn có lãi. Nếu không có thất bại 1-4 trước Watford, nhà Glazer chưa chắc sa thải HLV người Na Uy lúc này.

Để trở lại đỉnh cao Premier League hay Champions League, các ông chủ người Mỹ hiểu họ phải chi thêm rất nhiều tiền cho Man United. Liệu họ có sẵn sàng khiến túi tiền của mình vơi đi để giúp CLB này đạt thành công trên sân cỏ?

Ở kỳ chuyển nhượng hè 2021, Jadon Sancho, Varane hay Ronaldo mang đến hứa hẹn về một Man United lột xác. Nhưng cho đến lúc này, các CĐV đội chủ sân Old Trafford nhận ra chỉ những cái tên kể trên là không đủ.

Man United có một trung vệ đội trưởng chơi kém và liên tục mắc sai lầm. Họ có những tiền vệ trung tâm hạng B và một đội hình mất cân bằng. Thay thế HLV trưởng là giải pháp đơn giản nhất vào lúc này.

Sự rời đi của Solskjaer có thể khiến mọi thứ ở United tốt lên. Một HLV mới có thể mang đến thay đổi về chiến thuật và bầu không khí cho đội bóng. Nhưng liệu vị chiến lược gia mới có nhận được sự hỗ trợ và quan tâm từ các ông chủ người Mỹ?

Người mới liệu có làm tốt hơn David Moyes, Louis van Gaal hay Jose Mourinho? Đến khi nào nhà Glazer còn tại vị, Man United còn khó trở lại đỉnh cao.

Solskjaer và Ronaldo không phải gốc của vấn đề ở MU

Cuối cùng, Ole Solskjaer phải ra đi, nhưng cuộc mổ xẻ Man Utd vẫn tiếp tục và tất nhiên, khi một chú dê đã lên giàn hiến tế, các "thầy tư tế mạng" sẽ moi móc chú dê tiếp theo.

Solskjaer giải thích hành động vỗ tay sau trận thua Watford Huấn luyện viên người Na Uy bày tỏ sự đồng cảm với các cổ động viên Man United sau trận thua 1-4 ở vòng 12 Ngoại hạng Anh 2021/22.

Solskjaer bị Man United sa thải

Sau khi thua Watford tối 20/11, ban lãnh đạo CLB Manchester United quyết định sa thải HLV Ole Gunnar Solskjær trước thời hạn 3 năm.

Vài cầu thủ MU khóc sau trận thua Watford

Trận thua thứ 5 chỉ trong 7 vòng Premier League gần đây đã vượt quá sức chịu đựng của các cầu thủ Man United.

Cảm ơn và tạm biệt, Solskjaer

Lê bước chân nặng nề trên sân Vicarage Road của Watford, Solskjaer bước đến khu vực dành cho người hâm mộ Manchester United đang giận dữ. Ông giơ cả hai tay lên để xin lỗi.

Tường Linh

Bạn có thể quan tâm