Bình luận
Ole Solskjaer làm việc ở Man Utd đúng theo mẫu hình của huấn luyện viên (HLV) quản trị bao trùm như truyền thống ở Anh nói chung và dấu ấn đậm đầy của Sir Alex Ferguson nói riêng. Điều đó có thể biện minh một chút cho hiệu quả công việc của ông khi nhiều lĩnh vực được chuyên môn hóa sâu cho đội ngũ trợ lý. Nhưng nó cũng không đủ để chỉ ra ông có năng lực để dẫn dắt câu lạc bộ (CLB) tầm vóc như Man Utd, nơi mà nhiều mối quan hệ ngoài sân cỏ là rất phức tạp.
Vấn đề không chỉ ở Solskjaer
Cái cách các cầu thủ Man Utd biểu hiện trên sân gần đây không khỏi khiến khách quan nghi ngờ họ muốn đẩy Ole Solskjaer rời Old Trafford càng sớm càng tốt. Họ muốn sự thay đổi, cách tiếp cận khác, nhưng thực chất bản thân họ cũng mù mờ trong việc ai sẽ là người kế tục.
Những người giỏi và phù hợp đều đã và đang có chỗ. Người rảnh rỗi và nhiều uy tín như Zidane vẫn còn là dấu hỏi lớn khi thực sự ông chưa nắm câu lạc bộ thiếu chiều sâu đội hình bao giờ.
Tuy nhiên, đó là khía cạnh của các cầu thủ. Ở cương vị của Solskjaer thì sao? Những quyết định nhân sự của ông có vẻ như đều không đủ tính thuyết phục. Đơn cử như quyết định thay người ở phút 90+1 khi đang bị Watford dẫn bàn. Ai lại thay người ở thời điểm mà đội bóng cần tính liên tục nhất, và cả quyết định không trọng dụng Dony van de Beek. Tất cả để lại những dấu hỏi quá lớn về tầm ảnh hưởng (chứ chưa vội nói đến năng lực) của Solskjaer.
Cuối cùng, Solskjaer cũng bị MU sa thải. Ảnh: Reuters. |
Đơn cử như trường hợp của Bruno Fernandes. Thực tế, với nhiều cổ động viên Man Utd, Fernandes là viên kim cương và đúng là anh đã nhiều lần gánh vác mọi trọng trách nặng nề nhất trong đội bóng. Dấu ấn của anh lên Man Utd là cực lớn và không ai được phép phủ nhận. Lúc này, hình dung Man Utd thiếu Fernandes không khác gì việc Man Utd của thời vàng son với Sir Alex Ferguson không có Paul Scholes.
Nhưng Solskjaer có hay không một thỏa hiệp trước tầm ảnh hưởng của Bruno Fernandes? Đồng ý là Fernandes chơi số 10 rất hay nhưng không có nghĩa anh chỉ chơi được ở vị trí số 10. Fernandes chơi số 8 không hề dở chút nào. Và ngay cả ở đội tuyển quốc gia, anh cũng chưa phải là số 10 bất khả xâm phạm.
Vậy lý do gì mà Solskjaer sẵn sàng điều chuyển mọi tiền vệ khác trong các thử nghiệm hệ thống của mình, nhưng riêng với Bruno Fernandes thì không. Đóng đinh Fernandes vào chỗ số 10 bất biến ấy, coi như Solskjaer cũng đóng đinh các ý tưởng của mình vào thế cờ rất bí.
Đầu mùa giải, đã có tin đồn Solskjaer muốn chơi một tiền vệ trụ, tức là rất có thể đưa Man Utd chơi 4-3-3. Nếu đúng như vậy, Man Utd hoàn toàn có thể chơi hệ thống 3 số 6-8-10 hoặc một số 6 và 2 số 8 linh động. Nhưng vấn đề là Man Utd không mua một tiền vệ trụ đủ sức đơn thương độc mã cầm trịch tuyến giữa.
Họ mua Jadon Sancho và mang Cristiano Ronaldo trở lại. Và khi Ronaldo đã có xu hướng chơi như một số 10 hơn là tiền đạo (xu hướng này đã bộc lộ từ khi anh chơi ở Juve), sự chồng chéo giữa CR7 và Bruno Fernandes khiến Man Utd rất khó có thể kéo bóng lên.
Khi Man Utd khó kéo bóng lên, hai tiền vệ trụ trong 4-2-3-1 của họ cũng phải dâng nhiều hơn. Điều đó kéo theo cả hàng thủ cũng phải tịnh tiến. Việc bung và toang bắt đầu từ đó. Nhưng nó không hoàn toàn là vấn đề chiến thuật mà cơ bản nằm ở yếu tố dung hòa mối quan hệ giữa HLV và cầu thủ. Solskjaer dường như lép vế trước các ngôi sao trong đội hình của mình.
Chính vì điều đó, có kha khá ý kiến chủ quan cho rằng sự góp mặt của Ronaldo làm Man Utd yếu đi. Ngay cả giới phân tích ở Anh cũng có vài người đánh giá việc CR7 góp mặt trên sân chỉ đơn thuần là do giới chủ CLB muốn hình ảnh hơn là chuyên môn.
Mỗi người mỗi quan điểm, bàn đúng - sai rất khó. Nhưng vượt trên tất cả, chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng CR7 vẫn còn những giá trị chuyên môn cực lớn và anh hoàn toàn có khả năng dẫn dắt Man Utd hồi sinh. Cơ bản là sử dụng anh thế nào, sử dụng các vệ tinh quanh anh ra sao. Đó là việc của HLV trưởng.
Nhưng nói Solskjaer là gốc rễ vấn đề của Man Utd, thì không công bằng cho ông lắm, dù chúng ta đều nhận thấy năng lực huấn luyện của Solskjaer còn hạn chế. Và quy vấn đề sang Ronaldo lại càng sai lầm.
Ban lãnh đạo MU sẽ đau đầu tìm người kế nhiệm Solskjaer. Ảnh: Reuters. |
Khó tìm người đưa MU trở lại
Vấn đề gốc rễ của Man Utd là họ hoàn toàn lạc lối kể từ khi Sir Alex Ferguson từ giã sự nghiệp cầm quân. Họ từng có người nghĩ thay cho tất cả, thực hiện thay cho tất cả và cơ bản nhấn có đủ ân-uy áp đặt mọi ngôi sao trong đội hình. Khi chỗ dựa vĩ đại ấy không còn nữa, họ mất phương hướng là chuyện đương nhiên.
Và khi cần giải quyết câu chuyện ở ghế huấn luyện của Solskjaer, bản thân cả bộ sậu lãnh đạo sau 5 tiếng họp hành vẫn phải đợi ông chủ Glazer đưa ra phán quyết. Chỉ thị của Glazer là gì? Người kế tục theo thứ tự ưu tiên là Zidane, Erik ten Hag, Pochettino và Brendan Rodgers.
Bản thân chỉ thị ấy đã cho thấy cách hiểu về bóng đá của Glazer rất khác. Zidane rảnh rỗi và có thể coi là ưu tiên số một: Đúng. Erik ten Hag có thể rời Ajax để tới CLB có thương hiệu và nguồn đầu tư lớn hơn: Đúng.
Nhưng Man Utd dùng cách gì để giành Pochettino của PSG nếu như không phải chính PSG sa thải HLV của mình vì họ không hài lòng? Còn Rodgers? Đó là người dù sao cũng từng huấn luyện Liverpool, đối thủ không đội trời chung. Một ngày là Liverpool, vĩnh viễn không thể là Man Utd. Rodgers có thể nhận việc, nhưng được chấp nhận bởi cộng đồng Man Utd hay không lại là chuyện khác.
Vấn đề thượng tầng ở Man Utd đã được nói đến quá nhiều, nhưng không nên chỉ nghĩ người Mỹ ngoài tiền ra không quan tâm đến danh hiệu. Danh hiệu chính là tiền và nó sẽ mang lại nhiều tiền hơn nữa. Họ còn hiểu điều đó hơn chúng ta rất nhiều.
Nhưng họ nghĩ theo cách rất “American biz”, tức là “ở Man Utd, chúng tôi có công thức từng mang lại hiệu quả (công thức Ferguson). Giờ chúng tôi chỉ cần lắp đúng con người vào đúng vị trí công việc, chắc chắn nó sẽ vận hành”.
Bóng đá không đơn thuần như vậy, nó phức tạp hơn rất nhiều. Và chính cái vòng quay kiểu Mỹ này đã khiến những HLV đến rồi đi, từ Moyes đến Van Gaal, từ Mourinho rồi Solskjaer. Mỗi HLV đều mua - sắm và để lại đội hình thập cẩm. Người sau cùng phải biến cái tạp pí lù ấy trở thành món ngon và muốn có món ngon, người ta cần đầu bếp siêu hạng chứ không phải giám đốc nhà hàng tài ba.
Đó là lý do vì sao Klopp từng nhận xét về Man Utd là “công viên Disney của người lớn” sau khi từ chối lời mời của Woodward. Và ai sẽ đủ dũng cảm để nhận Man Utd lúc này đây khi họ hiểu tới Man Utd bây giờ không phải chỉ để tiến hành kế hoạch lâu dài, mà ban đầu là phải dọn dẹp đống đổ nát của bao nhiêu năm không định hướng đang dồn lại, tích tụ lại ngày một lớn dần.
Vấn đề của Man Utd không phải chỉ ở Solskjaer, càng không phải ở Ronaldo, Pogba, Fred hay Maguire. Vấn đề cốt lõi của họ là hướng nhìn của những người đứng đầu. Nếu có hướng nhìn tốt, tự khắc mọi thứ sẽ đi vào quỹ đạo trật tự mong muốn không chóng thì chầy.