Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự tàn ác của chủ nghĩa ngoại lệ

Tất cả chúng ta, trong hầu hết khía cạnh, nhìn chung đều chỉ là những kẻ tầm thường. Nhưng chính sự cực đoan mới thu hút sự chú ý của toàn xã hội.

Hầu như việc chúng ta làm đều chỉ đạt ở mức trung bình. Cho dù bạn có xuất sắc ở một lĩnh vực nào đó, thì bạn vẫn chỉ tàm tạm hay dưới cả mức tàm tạm ở những lĩnh vực khác. Đấy là tính tự nhiên của cuộc sống.

Để trở nên thật sự vĩ đại ở một khía cạnh nào, bạn buộc phải dành ra hàng tấn thời gian và năng lượng cho nó. Bởi vì tất cả chúng ta đều chịu sự hạn chế về mặt thời gian và năng lượng, chỉ một số rất ít trong số chúng ta mới thực sự xuất chúng trong hơn một lĩnh vực, chứ đừng nói là tất cả mọi việc.

Vì vậy, ta có thể nói rằng không có khả năng một cá nhân sẽ thể hiện xuất sắc trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, hay là trong nhiều lĩnh vực của cuộc đời họ. Những doanh nhân đại tài thường dở tệ trong việc xoay sở với cuộc sống cá nhân họ. Các vận động viên đỉnh cao thường nông cạn và ngu ngốc như một cục đá được mổ não vậy. Rất nhiều ngôi sao nổi tiếng có thể cũng mơ hồ về cuộc đời mình chẳng khác gì những người hâm mộ luôn "bám" họ khắp mọi nơi.

Tất cả chúng ta, trong hầu hết mọi khía cạnh, nhìn chung đều chỉ là những kẻ tầm thường. Nhưng chính sự cực đoan mới thu hút sự chú ý của toàn xã hội. Chúng ta đều biết rõ điều này, nhưng ta hiếm khi nghĩ hay nói về nó, và hiển nhiên ta chẳng bao giờ thảo luận xem tại sao điều này có thể lại là một vấn đề.

Việc tiếp cận Internet, Google, Facebook, YouTube, và sở hữu chiếc TV với hơn 500 kênh truyền hình thật là tuyệt cú mèo. Nhưng khả năng chú ý của ta thì có hạn. Ta chẳng thể nào mà xử lý những con sóng thủy triều thông tin cứ luôn lao vào mình. Do đó, thứ duy nhất có thể thu hút sự chú ý của ta là những mẩu thông tin cực kỳ đặc biệt - chiếm 99,999%.

Mọi ngày, mỗi ngày, chúng ta bị nhấn chìm trong những điều thật sự phi thường. Những điều tốt nhất trong những thứ tốt nhất. Những điều dở nhất trong số những thứ dở nhất. Kỳ tích khoa học vĩ đại nhất. Những câu chuyện cười hài hước nhất. Những tin tức đáng quan ngại nhất. Những sự đe dọa đáng sợ nhất. Liên tù tì bất tận...

Cuộc sống ngày nay của chúng ta được lấp đầy với những thông tin từ những thái cực của "đường cong chuông", của kinh nghiệm loài người, bởi vì trong ngành kinh doanh truyền thông thì những thứ ấy mới thu hút sự chú ý và sự chú ý mới mang tới tiền bạc. Đó mới là vấn đề! Phần lớn những thứ khác trong cuộc đời đều nằm tẻ ngắt ở mức chung chung. Phần lớn mọi thứ trong đời sống đều không đặc biệt, thực ra là khá tầm thường.

Cơn lũ thông tin cực đoan này đã tạo điều kiện cho ta tin rằng, sự khác thường mới chính là sự bình thường mới. Và bởi vì tất cả chúng ta đều khá tầm thường trong hầu hết mọi lúc, sự tràn ngập thông tin bất thường khiến ta cảm thấy khá là bất an và tuyệt vọng, bởi vì rõ ràng là chúng ta không đủ tốt đẹp, theo một nghĩa nào đó. Vì thế mà ta càng cần phải cân bằng tâm lý thông qua việc tự cho mình đặc quyền và những thói quen gây nghiện. Chúng ta đối phó theo cách duy nhất mà ta biết: Thông qua việc tự đề cao mình, hay đề cao những người khác.

Một vài người trong chúng ta làm điều này bằng cách tưởng tượng ra kế hoạch làm giàu thần tốc. Những người khác thì xoay sở bằng cách đi đến tận phía bên kia trái đất để cứu giúp những đứa trẻ châu Phi đói ăn. Những người khác nữa thì cố gắng trở thành học sinh xuất sắc và chiến thắng mọi giải thưởng. Một số kẻ xả súng vào trường học. Có những người lại cố làm chuyện ấy với bất kỳ thứ gì có thể nói và thở được.

Điều này trói buộc ta vào nền văn hóa tự cho mình đặc quyền đang ngày một lớn mạnh mà tôi đã nhắc đến ở trên. Thế hệ Y[1] thường bị buộc tội vì sự chuyển dịch văn hóa này, nhưng dường như đó là bởi vì họ là thế hệ sinh ra trong thời đại bùng nổ công nghệ và người ta có thể nhận thấy rõ điều này nhất ở thế hệ Y. Thực tế, khuynh hướng tự cho mình đặc quyền có mặt ở khắp mọi nơi. Và tôi tin rằng nó liên quan tới chủ nghĩa ngoại lệ được định hướng bởi cái truyền thông đại chúng kia.

Vấn đề ở chỗ, sự lan tỏa của công nghệ và marketing đa phương tiện đã làm rối loạn kỳ vọng của mọi người về bản thân mình. Sự tràn lan của những ngoại lệ khiến con người ta cảm thấy bản thân tồi tệ hơn, thấy mình cần phải nghiêm khắc hơn, quyết liệt hơn, tự tôn hơn để được ghi nhận, hoặc trở nên quan trọng.

Khi tôi còn trẻ, nguyên nhân khiến tôi có cảm giác bất an xoay quanh mối quan hệ thân mật bị làm tệ thêm bởi những dẫn dắt lố bịch về sự nam tính được lưu hành trong văn hóa đại chúng. Những câu chuyện tương tự vẫn còn được nhắc đi nhắc lại: Để là một anh chàng hay ho, bạn cần phải tiệc tùng như một thằng cha siêu sao nhạc rock; để được tôn trọng, bạn cần phải được đám phụ nữ hâm mộ; tình dục là thứ giá trị nhất mà một người đàn ông có thể đạt được, và nó đáng hy sinh mọi thứ (kể cả nhân cách) để có được.

Luồng chuyển động bất tận của những cơn sốt ảo trong cộng đồng mạng đè bẹp những cảm xúc sẵn có của chúng ta với cảm giác thiếu an toàn, bằng cách phơi bày bản thân trước những chuẩn mực phi thực tế mà ta không thể sống theo. Chúng ta không chỉ bị khuất phục trước những vấn đề không thể giải quyết, mà còn cảm thấy mình như những kẻ thất bại bởi một động tác tìm kiếm đơn giản trên Google thôi cũng cho ta thấy có đến hàng nghìn người không gặp phải những vấn đề như thế.

Công nghệ giúp giải quyết những vấn đề của nền kinh tế cũ bằng cách mang lại cho ta những vấn đề mới về tinh thần. Internet không chỉ là một nguồn mở về thông tin, nó còn là một nguồn mở về nỗi bất an, nghi ngờ bản thân, và cảm giác tủi hổ.

[1] Thế hệ Y (Generation Y/Millenials/iGen): là những người sinh từ năm 1981 đến 2000, đây là thế hệ tiếp nối thế hệ X (những người sinh từ năm 1965 đến 1980.) Họ nhạy bén và giỏi công nghệ. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, điểm yếu của thế hệ này là thường thiếu kiên nhẫn, bốc đồng và sức chịu đựng khó khăn kém hơn những thế hệ trước.

Mark Manson / Nhà xuất bản

SÁCH HAY

Loan 12 su quan hinh anh

Loạn 12 sứ quân

0

Sau khi Ngô Xương Xí chết, họ Ngô hết người kế vị. Trong nước một ngày không thể không có vua, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, lấy tôn hiệu là Vạn Thắng Vương.

Machiavelli hinh anh

Machiavelli

0

Leonardo và Michelangelo - hai nghệ sĩ tài năng - cùng làm việc trong một tòa nhà. Điều đó cho thấy Florence từng quy tụ nhiều ngôi sao sáng.