Cậu bé Paiter Surui bản địa Amazon. Ảnh: Rainforest Rescue. |
Một trong những biện pháp nhiều triển vọng nhất để cung cấp phần bù đắp bằng tiền đó là bằng cách tính đến giá trị của các dịch vụ mà hệ sinh thái rừng cung cấp - biện pháp này đã đạt được nhiều bước tiến lớn kể từ khi Thomas Graedel và những người cùng chí hướng với ông tiên phong thực hiện.
Bên cạnh việc trở thành lá phổi của Trái Đất, rừng còn là hệ thống lọc nước cho hành tinh này, đóng một vai trò hàng đầu trong việc cung cấp cho con người chúng ta và cả thế giới tự nhiên, nguồn nước sạch. Một cái cây trưởng thành trong một khu rừng ôn đới có thể hấp thụ, lọc sạch, rồi giải phóng khoảng 100 gallon nước mỗi ngày, còn một cái cây trong một khu rừng mưa có lẽ có thể sản xuất được gấp đôi.
Rừng Amazon sở hữu một hệ thống lọc nước rất lớn, đến mức người ta cho rằng nó chiếm tới 15% lượng nước uống của Trái Đất.
Các khu rừng cũng giúp ngăn chặn lũ lụt và xói mòn; một nghiên cứu phát hiện ra rằng các loại cây được trồng dọc những con suối đổ ra biển giúp làm tăng sản lượng cá trong các khu vực nuôi cá và tăng sản lượng hàu trong các khu vực nuôi hàu, bởi vì lá cây rụng làm tăng nồng độ acid trong nước và thúc đẩy sự tăng trưởng của các sinh vật phù du là thức ăn của các loài động vật biển.
Biện pháp trả tiền quản lý rừng cho các cộng đồng đã mang lại những kết quả ấn tượng và ý tưởng này hiện được nhân rộng trên toàn cầu; theo một đánh giá gần đây, các chương trình như vậy đã chi trả khoảng 36 tỷ USD mỗi năm. Phân tích về một chương trình ở Mexico cho thấy chương trình này đã làm giảm khoảng 38% tỷ lệ chặt phá cây rừng.
Ở California, người ta đã chính thức hóa một “tiêu chuẩn rừng nhiệt đới”, trong đó nêu chi tiết các biện pháp quản lý rừng mưa Amazon hiệu quả đã được áp dụng và cho phép các chính quyền sở tại và toàn quốc chứng minh được rằng họ tuân thủ các biện pháp trên được bán điểm tín chỉ carbon cho các công ty ở California.
Việc bảo tồn rừng già và trồng cây mới phải kết hợp với việc khai thác rừng, trồng rừng, và các kế hoạch thanh toán - và chúng ta có đủ tự tin rằng nếu mọi việc diễn ra đúng như vậy, các khu rừng ở khắp nơi trên thế giới đều sẽ phát triển tốt. Những thiệt hại đã xảy ra đều có thể được phục hồi.
Ví dụ, sau khi trở thành thuộc địa của Mỹ, hơn một nửa diện tích đất rừng của New England bị phát quang để làm đất canh tác; nhưng giờ đây, khi hầu hết trang trại ở đây đều đã bị bỏ hoang, 80% khu vực này một lần nữa lại được bao phủ bởi rừng.
Chúng ta có thể cho rằng Amazon là một vùng đất nguyên thủy, chỉ có những bộ lạc nhỏ sinh sống, nhưng trên thực tế từ hàng nghìn năm nay đã xuất hiện nhiều xã hội lớn cư trú trong đó, và các xã hội này đã phát quang nhiều diện tích đất rừng để lấy đất canh tác cũng như tàn phá nhiều loại cây để lấy đất trồng và thu hoạch các loại cây phỉ, cọ, cao su và cacao. Rừng Amazon ngày nay tươi tốt theo một cách khác xa so với thời kỳ trước khi diễn ra những sự can thiệp như vậy.
Carolina Levis, một trong những nhà nghiên cứu đằng sau phát hiện này, nhấn mạnh rằng hiện tượng này cho thấy “sự tác động của con người có thể làm giàu thêm cho rừng Amazon”. Đó chính là điều mà nhiều cộng đồng bản địa đang sinh sống ở Amazon đang làm hiện nay, qua đó có những sự đóng góp quan trọng vào công cuộc bảo tồn khu vực này.
Liên minh Ceibo là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập bởi thành viên của các cộng đồng bản địa người Kofan, Siona, Secoya, và Waorani sinh sống ở Amazon thuộc lãnh thổ của Ecuador. Tổ chức này phản đối việc phát quang đất rừng để chăn nuôi gia súc và khai thác dầu cọ và cao su.
Trong bài viết có sức truyền cảm mãnh liệt đăng tải trên tờ The Guardian với tiêu đề “Đây là thông điệp của tôi gửi tới thế giới phương Tây - Nền văn minh của các bạn đang sát hại sự sống trên Trái Đất”, nhà đồng sáng lập Liên minh Ceibo là Nemonte Nenquimo, người được vinh danh trong danh sách 100 Nhân vật có ảnh hưởng nhất năm 2020, đã viết:
“Trong suốt tất cả những năm tháng qua, các vị chỉ biết bóc lột, bóc lột và bóc lột đất đai của chúng tôi mà không có đủ dũng khí, hay sự hiếu kỳ, hay lòng tôn trọng để tìm hiểu về chúng tôi. Để tìm hiểu xem chúng tôi nhìn thấy gì, hay suy nghĩ và cảm nhận gì, hay biết gì về sự sống trên Trái Đất này”.
Cuối cùng, công việc của Liên minh Ceibo đang góp phần sửa chữa lại sai lầm nghiêm trọng này. Nenquimo là người dẫn đầu vụ kiện thắng chính phủ Ecuador vì đã vi phạm các quyền của bộ lạc của bà trong việc ngăn chặn các hoạt động khai thác dầu trong lãnh thổ của họ ở Amazon.
Hiện nay, Nenquimo và liên minh của bà đang hợp tác với Amazon Frontlines, một tổ chức quốc tế bao gồm các nhà hoạt động vì môi trường, các luật sư, nhà khoa học về rừng, và các nhà nhân loại học, để soạn ra những chiến lược pháp lý bổ sung nhằm bảo vệ quyền lợi của các bộ lạc bản địa sinh sống trong các khu rừng trên cương vị người quản lý những mảnh đất đó.
Nhiều cộng đồng người bản địa sinh sống trong các khu rừng cũng đang hợp tác với một tổ chức quốc tế khác là Liên minh Rừng mưa để tìm hiểu các biện pháp canh tác bền vững trong các khu rừng mưa dựa theo các cách làm cổ xưa để bảo tồn sự đa dạng sinh học, đồng thời làm việc trong các vị trí bảo tồn rừng khác.
Theo báo cáo của liên minh này, các đối tác bản địa của họ đã kiếm được 191 triệu USD thông qua công việc này. Họ đang góp phần chứng minh rằng bảo tồn rừng là biện pháp ưu việt cả về kinh tế và môi trường.