Malaysia từng gây khó dễ cho UAE ở trận lượt đi trên sân Bukit Jalil. Các học trò của HLV Tan Cheng Hoe đã trình diễn lối đá pressing rực lửa, khiến đối thủ co mình chống đỡ. Tuy nhiên, UAE không cho phép kịch bản tương tự lặp lại ở trận tái đấu đêm qua.
Đội chủ nhà dồn Malaysia vào góc võ đài rồi tung đòn liên tục. Những tinh túy của một trong những đội tuyển đẳng cấp nhất châu Á lộ diện sau 2 năm chìm khuất bởi những bất ổn hậu trường.
Tuyển UAE có màn hủy diệt Malaysia trên sân nhà. Ảnh: Y Kiện. |
UAE quá mạnh
Tỷ số 4-0 thực ra chưa phản ánh đúng năng lực của UAE. Trong bóng đá, một đội bóng vượt lên dẫn trước, lùi về phòng ngự rồi ghi được 1, 2 bàn vào lưới đối thủ nhờ những pha phản công khi đội bạn phải dồn lên là chuyện bình thường.
UAE ghi 3 bàn trong 10 phút cuối, thời điểm Malaysia phải đẩy cao đội hình và chấp nhận rủi ro. UAE thắng đậm nhờ khai thác tốt yếu tố rủi ro này. Đội chủ nhà được chơi theo ý mình còn Malaysia thì không. Bàn nâng tỷ số lên 2-0 để củng cố chiến thắng, còn bàn 3-0 và 4-0 để “xát muối” vào đối thủ là chính. Đây là những pha lập công mang ý nghĩa hệ quả chiến thuật, hơn là cho thấy sự vượt trội về đẳng cấp.
Cái hay nhất và đáng sợ nhất của UAE thuộc về 80 phút đầu khi đội bóng của Bert van Marwijk dẫn Malaysia 1-0. Suốt khoảng thời gian này, UAE chơi hay đến mức dù chỉ hơn Malaysia 1 bàn, đội chủ nhà không cho thấy cảm giác sẽ bị đối thủ san bằng cách biệt. Khoảng cách 1 bàn trong bóng đá luôn mong manh, nhưng sự mong manh ấy không tồn tại ở sân Zabeel.
UAE áp đặt thế trận và đẩy lùi Malaysia về phần sân nhà ngay sau tiếng còi khai cuộc. HLV Van Marwijk đã nghiên cứu kỹ xu hướng tấn công của Malaysia. Ở trận lượt đi, những pha leo biên nhuần nhuyễn của La'Vere Corbin-Ong và Matthew Davies kết hợp tốc độ của Mohamadou Sumareh và Safawi Rasid đã khiến hàng thủ UAE chóng mặt. Để ngăn chặn cách chơi này, Van Marwijk bố trí hai tiền đạo Fabio Lima và Al Hammadi đứng sâu ở hai đường biên, nhằm “giam” Corbin-Ong và Davies ở phần sân nhà.
Không có các hậu vệ biên hỗ trợ, Sumareh và Safawi bế tắc. Bộ đôi này không tìm được mối liên kết với các cầu thủ nhập tịch như Guilherme de Paula và Liridon Krasniqi, dẫn đến các tam giác phối hợp dễ dàng bị UAE bẻ gãy. Suốt hiệp một, Malaysia chỉ có thể tạt bổng vu vơ. Đây chưa bao giờ là lối đá sở trường của đội khách.
Với ba mũi nhọn Lima - Al Hammadi - Ali Mabkhout trên hàng công, UAE khiến Malaysia không dám đẩy cao đội hình quá vạch giữa sân. Hàng tiền đạo UAE có khả năng phối hợp nhóm cũng như độc lập tác chiến ấn tượng, nhưng cách thức chủ nhà lựa chọn để khoan phá hàng thủ Malaysia còn ấn tượng hơn.
Để ngăn chặn những cầu thủ cao to bên phía UAE, HLV Tan Cheng Hoe đã bố trí Dion Cools, trung vệ cao 1,85 m từng chơi ở Champions League ra sân ngay từ đầu. Song, Dion Cools không phải trung vệ thuần túy. Anh đá hậu vệ biên ở CLB Midtjylland và chưa có thời gian tập luyện cùng Malaysia. Từ chỗ là điểm tựa, Dion Cools trở thành điểm yếu, liên tục bị Al Hammadi và Ali Mabkhout khai thác.
Ali Mabkhout (trái) chơi ấn tượng và lập một cú đúp. Ảnh: Y Kiện. |
Ý đồ tấn công của UAE là sử dụng những đường chuyền vượt tuyến để các tiền đạo lẻn ra sau lưng hậu vệ đối phương. 4/6 bàn thắng UAE ghi vào lưới Ấn Độ ở trận giao hữu đến theo kịch bản này. Lựa chọn của HLV Van Marwijk rất dễ hiểu, ông có trong tay Ali Mabkhout, tiền đạo chớp thời cơ, nhạy bén và chạy chỗ hay bậc nhất châu Á hiện tại. 6 bàn mà tiền đạo thuộc biên chế CLB Al-Jazira ghi ở vòng loại World Cup đều đến từ kịch bản sút một chạm trong vùng cấm.
Trong hệ thống của Van Marwijk, Ali Mabkhout tiếp tục được phát huy điểm mạnh. Anh “mắc võng” trong vùng cấm, hạn chế tranh chấp và liên tục di chuyển tìm khoảng trống. Pha chạy chỗ phá bẫy việt vị của Ali Mabkhout đã nằm trong toan tính khi nó được thực hiện bài bản từ người chuyền đến người dứt điểm.
Cách chơi của UAE cũng cho thấy sự khôn ngoan. Đội chủ nhà cầm bóng nhiều, nhưng không “chuyền quẩn” mà tấn công trực diện, vỗ mặt cặp trung vệ Malaysia. Thay vì đẩy cao cả khối đội hình, UAE sử dụng các cầu thủ khéo léo như những mũi kim nhằm xuyên thủng khoảng trống ở tuyến phòng ngự Malaysia.
Cả 4 bàn của UAE đều đến từ những pha phối hợp chớp nhoáng, thực hiện bởi số đường chuyền tối thiểu, nhưng tốc độ tấn công được đẩy lên tối đa.
Lối đá xuyên phá bằng những đường chuyền nhanh giúp UAE không cần đẩy cao đội hình mà vẫn tạo được thế công áp đảo. Đó là lý do Malaysia không thể phản đòn bởi cả trong phòng ngự lẫn tấn công, UAE đều có quân số đông đảo.
UAE có thể ghi nhiều bàn vào lưới Malaysia, nhưng cách Ali Mabkhout cùng đồng đội “vờn” đối thủ, tựa như mãnh thú đùa giỡn với con mồi trước khi tung đòn kết liễu, mới là chỉ dấu cho thấy đẳng cấp của một đội mạnh. Đến phút 80, UAE chỉ dẫn 1-0 nhưng chẳng có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Malaysia sẽ gỡ hòa. Đội bóng của Tan Cheng Hoe bế tắc, chịu trận và thua như lẽ đương nhiên. Khiến á quân AFF Cup 2018 phải bất lực toàn tập, UAE đã gửi “chiến thư” đầy sức nặng đến những đối thủ còn lại.
HLV Van Marwijk là chiến lược gia giàu kinh nghiệm và thành tích nhất ở bảng đấu này. Đây sẽ là đối thủ đáng gờm với ông Park Hang-seo. Ảnh: Y Kiện. |
Cẩn thận với Van Marwijk
HLV Van Marwijk từng bị sa thải rồi được bổ nhiệm lại ngay sát loạt trận quyết định vòng loại World Cup 2022. Hơn một năm qua, UAE bổ nhiệm rồi lại sa thải 2 HLV tài năng khác là Jorge Luis Pinto và Ivan Jovanovic. Chán nản với các HLV ngoại quốc, UAE từng tính chuyện bổ nhiệm một chiến lược gia bản địa. Sau cùng, ý tưởng này bị Liên đoàn Bóng đá UAE (UAEFA) loại bỏ. Họ tín nhiệm Van Marwijk một lần nữa.
Việc hai lần bổ nhiệm HLV người Hà Lan cho thấy UAE vẫn đánh giá rất cao năng lực của chiến lược gia này. Van Marwijk từng đưa Hà Lan vào chung kết World Cup 2010, giúp Saudi Arabia dự World Cup 2018 rồi giúp Australia có màn trình diễn đáng xem ở vòng bảng World Cup cùng năm. Ông không phải HLV tầm thường dù chưa chắc giỏi bằng Pinto hay Alberto Zaccheroni.
Phẩm chất khiến Van Marwijk trở nên khác biệt có lẽ là năng lực thích nghi. Là một người Hà Lan, Van Marwijk không theo đuổi “ảo mộng” bóng đá đẹp ở UAE mà chủ trương xây dựng lối đá hiệu quả, phù hợp với con người trong tay. Cách sử dụng Ali Mabkhout là một ví dụ, cho thấy Van Marwijk tính toán rất kỹ cách chơi để học trò phát huy điểm mạnh thay vì gò đội tuyển theo lối chơi của ông. Đây cũng là con đường Hà Lan đã đi để giành ngôi á quân World Cup cách đây 11 năm.
Van Marwijk còn cao tay ở cách sử dụng ngoại binh. Cũng nhập tịch 3 cầu thủ như Malaysia, nhưng UAE dụng binh khác hẳn. Chỉ Fabio Lima có suất đá chính bên cạnh 10 cầu thủ bản địa khác. Sang hiệp 2, khi hai cánh Malaysia đã suy yếu do liên tục bị khoét, Caio Canedo, cầu thủ nhập tịch thứ hai, mới được tung vào sân và khuấy đảo hành lang phải của Malaysia.
Nếu HLV Tan Cheng Hoe tung hết cầu thủ nhập tịch vào sân để tìm kiếm chất lượng chơi bóng từ những cá nhân ưu việt thì Van Marwijk dùng người chừng mực, toan tính và cẩn thận hơn. Ông không vội vã dùng hết ngôi sao, mà cân nhắc tùy thời điểm. Cách UAE ép sân Malaysia cũng cho thấy sự lão luyện, không vồ vập, vội vã, mà từng bước đưa đối thủ vào “tròng”.
Tài năng của Van Marwijk và chất lượng dàn cầu thủ sẽ biến UAE thành đối thủ khó chơi với phần còn lại. Đội bóng Tây Á đã có 9 điểm, chỉ còn kém tuyển Việt Nam 2 điểm. Cuộc so tài giữa Việt Nam và UAE ở lượt cuối có thể là chung kết bảng đấu. Khi ấy, thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ được thử lửa với đối thủ tầm cỡ châu lục, đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để tuyển Việt Nam hiểu được mình đứng ở đâu.