Tuần trước, WHO cho biết hai chuyên gia - một chuyên gia về sức khỏe động vật và một nhà dịch tễ học - sẽ bắt đầu làm việc vào hôm 11/7. Tuy nhiên, đến tối 12/7, vẫn không có thông tin về tên của các chuyên gia, lịch trình của chuyến đi và chương trình nghị sự của họ ở Trung Quốc, theo South China Morning Post.
Chính quyền Trung Quốc không đưa ra tuyên bố nào về họ và truyền thông Trung Quốc cũng không đưa tin về sự xuất hiện của họ. Không có tổ chức nào ở Trung Quốc, bao gồm cả Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, xác nhận rằng họ đã hoặc sẽ trao đổi với các chuyên gia của WHO.
Theo AP, hai chuyên gia này đã ở Bắc Kinh vào ngày 11-12/7.
Nhiệm vụ của họ là hợp tác với các quan chức y tế và các nhà khoa học Trung Quốc để chuẩn bị cho một nhóm đặc nhiệm quốc tế lớn hơn do WHO đứng đầu đến đây vào một ngày chưa được công bố.
Chuyến đi này được xem là một cách để mang lại sự minh bạch và tinh thần hợp tác hơn cho việc tìm kiếm nguồn gốc của virus corona trên động vật.
Một kỹ sư với mô hình virus corona bằng nhựa tại cơ sở công nghệ sinh học Sinovac ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP. |
Chuyến đi được chuẩn bị sau một nghị quyết đưa ra vào tháng 5 tại Hội đồng Y tế Thế giới, cơ quan ra quyết định của WHO. Nghị quyết được Trung Quốc ủng hộ này kêu gọi WHO xác định nguồn gốc của virus corona.
Ông Yanzhong Huang, một nhà nghiên cứu quản trị y tế toàn cầu, cho biết một cuộc điều tra minh bạch của WHO có thể là cơ hội để tổ chức này “xây dựng lại danh tiếng và cho thấy WHO là một chủ thể trung lập có thẩm quyền trong quản trị y tế toàn cầu”.
Nhưng “ai sẽ tham gia phái đoàn quốc tế (sắp tới), họ sẽ đến đâu, kế hoạch điều tra là gì đều phụ thuộc vào các cuộc đàm phán”, ông nói. Ông cũng nói thêm rằng ngay cả tuyên bố của WHO vào tuần trước rằng Vũ Hán sẽ là điểm khởi đầu của cuộc điều tra cũng tùy thuộc vào đàm phán hoặc phải được quyết định bởi phía Trung Quốc.
Một số nhà quan sát cho biết cuộc điều tra phần nhiều phụ thuộc vào mức độ được tiếp cận dữ liệu để điều tra các kịch bản khác nhau, bao gồm cả suy đoán có liên quan đến phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Daniel Lucey, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh tại Trung tâm Y tế Đại học Georgetown, cho biết việc được tiếp cận dữ liệu phòng thí nghiệm sẽ không nhất thiết cung cấp được cái nhìn sâu sắc vì nhóm chuyên gia không chứng kiến “các hoạt động hàng ngày” và cũng sẽ không thể dập tắt sự nghi ngờ của người Mỹ về nơi này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuần trước cho biết việc Trung Quốc mời các chuyên gia của WHO đến để “thảo luận về việc tìm nguồn gốc virus dựa trên cơ sở khoa học” là một phần “sự đóng góp của Trung Quốc cho hợp tác y tế công cộng toàn cầu với vai trò là một quốc gia có trách nhiệm”. Nhưng ông cũng đề xuất rằng các cuộc điều tra tương tự sẽ cần phải diễn ra trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Mỹ.