Thời gian tới, ông Mattis cùng với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, Tướng Joseph Dunford, cần phải xử lý vấn đề Triều Tiên một cách rất thận trọng và khéo léo.
Cả hai phải đảm bảo với Tổng thống Trump rằng Washington có những phương án quân sự khả thi để ngăn chặn Triều Tiên nếu nước này gây chiến hoặc phóng tên lửa nhằm vào Mỹ hay đồng minh của Mỹ. Đồng thời, họ cũng cần tiếp tục giúp ông Trump hiểu rõ rằng chiến tranh gây thảm họa như thế nào.
Nguy cơ chiến tranh "tăng lên từng ngày"
Thực hư về sức mạnh của vũ khí Triều Tiên còn chưa rõ nhưng tâm trạng lo lắng của nước Mỹ về một cuộc tấn công hạt nhân của Bình Nhưỡng hiện ở mức rất cao. Đầu tháng 1, Hawaii rơi vào hỗn loạn sau khi một nhân viên khẩn cấp ấn nhầm nút báo động giả vì tưởng một tên lửa đang bắn tới.
Trong nhiều bộ phận của chính quyền Mỹ, không khí cũng rất căng thẳng, mối quan ngại về Kim Jong Un ngày càng gia tăng. Không cần phải nhìn đâu xa, điều này thể hiện ở phát ngôn mới đây của Giám đốc CIA Mike Pompeo.
Trên chương trình "CBS This Morning", ông Pompeo nói: "Chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đang tiếp tục được mở rộng, đạt tiến bộ, trở nên uy lực hơn, mạnh mẽ hơn và chắc chắn hơn". Khi được hỏi Triều Tiên còn bao lâu thì có thể tấn công Mỹ, giám đốc CIA nói chỉ "vài tháng" nữa.
Đánh giá trên của lãnh đạo CIA có thể giúp lý giải vì sao mà hồi tháng 12 năm ngoái, Cố vấn An ninh Quốc gia HR McMaster nói rằng nguy cơ chiến tranh với Triều Tiên "đang tăng lên từng ngày".
Một thiết bị được cho là đầu đạn hạt nhân thu nhỏ của Triều Tiên. Ảnh: Reuters. |
Không ai tuyên bố Triều Tiên sẽ tấn công. Nhưng nếu như Kim Jong Un chỉ đơn giản nói với thế giới rằng Bình Nhưỡng đủ khả năng gây chiến, thì nước Mỹ sẽ làm gì? Nếu như ông Kim nói ông ta sẽ thử tên lửa gắn đầu đạn ở đại dương hay ngoài khí quyển, liệu có tổng thống nào của Mỹ để cho điều đó xảy ra?
Giả sử áp lực trừng phạt Triều Tiên lớn đến mức Bình Nhưỡng không còn đủ khả năng tiếp tục phát triển vũ khí, điều này sẽ ngăn Mỹ đưa ra bất kỳ quyết định tấn công nào trong những tháng tới. Nhưng ngay bây giờ thì Lầu Năm Góc không tin vào khả năng này. Trong một lần xuất hiện cùng bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc tháng trước, ông Mattis vẫn khẳng định Triều Tiên là "một mối đe dọa với toàn thế giới".
Ông Mattis khó có thể lặng lẽ như trước
Năm vừa rồi, dễ thấy là cả Mattis và Dunford đã rất nỗ lực để tiết chế sự xuất hiện của họ trước công chúng. Hai ông thận trọng ủng hộ những nỗ lực của Ngoại trưởng Rex Tillerson trong việc tăng cường áp lực ngoại giao lên Triều Tiên thông qua trừng phạt. Nhưng sắp tới, tính cấp bách của vấn đề Triều Tiền có thể sẽ khiến họ phải cứng rắn ra mặt nhiều hơn.
Tư lệnh Thủy quân lục chiến, Tướng Robert Neller, dường như chẳng cảm thấy chút áp lực chính trị nào khi nói ra ý kiến của mình. Tuần trước, ông cảnh báo nước Mỹ và Thủy quân lục chiến rằng chiến tranh với kẻ thù như Triều Tiên "sẽ là một trận chiến vô cùng mạnh mẽ và khốc liệt trên một chiến trường thực sự khắc nghiệt và tất cả mọi người đều phải chuẩn bị tinh thần".
Tuy không trực tiếp đề cập đến những lời hăm dọa gần đây của ông Trump và Kim Jong Un về các "nút hạt nhân" của họ, nhưng Tướng Neller khẳng định chiến tranh với Triều Tiên sẽ là "một trận chiến rất khác".
Phát biểu của Neller trên thực tế có thể là dấu hiệu cho thấy Mattis và Dunford tới đây sẽ tham gia vào những cuộc bàn luận công khai hơn, không chỉ về Triều Tiên mà còn vô vàn vấn đề mà trước đây họ không đề cập nhiều.
Tại phiên điều trần mở rộng tại quốc hội về chi tiêu quốc phòng sắp tới, họ sẽ phải thuyết phục duy trì ngân sách hơn 500 tỷ USD để mua sắm tàu, máy bay và vũ khí mới. Tuần này, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố một bản báo cáo hạt nhân, trong đó kêu gọi phát triển bom hạt nhân “hiệu suất thấp”, động thái chắc chắn sẽ làm các nước Trung Quốc, Nga, Triều Tiên phẫn nộ. Trọng tâm mới trong chiến lược của Tổng thống Trump về việc sẵn sàng đối đầu với Nga, Trung cũng sẽ thu hút sự chú ý.
Một mối quan ngại nữa hiện nay là "cuộc chiến chống khủng bố" có thể bị xao nhãng. Tuần trước, ở Kabul, 3 vụ tấn công thảm khốc nhằm vào một căn cứ địa phương, một bệnh viện và một khách sạn, đã làm dấy lên nghi ngại về năng lực của chính phủ Afghanistan trong việc bảo vệ người dân của mình sau 16 năm có sự bảo trợ của Mỹ. Gần 1 nghìn tỷ USD bỏ ra cho cuộc chiến, gần 2.000 người Mỹ thiệt mạng và hơn 20.000 người khác bị thương. Taliban thì vẫn kiểm soát 40% dân số, tương đương 13 triệu người, tại quốc gia này.
Thêm vào đó, cuộc chiến tranh biên giới kín đáo giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang có nguy cơ lôi kéo sự tham gia của quân đội Mỹ và mở ra thiên đường mới cho khủng bố IS.
Tướng Mattis và Dunford cho rằng việc hạn chế tiếp xúc với truyền thông không chỉ giúp họ được Trump tín nhiệm, mà quan trọng hơn là duy trì được ảnh hưởng của họ với tổng thống.
Tuy nhiên, giới chỉ trích chỉ ra rằng: Việc Mattis và Dunford muốn làm hài lòng một người lúc nào cũng muốn xuất hiện trong các bản tin đồng nghĩa rằng họ không thể tương tác với người dân Mỹ nhiều như những người tiền nhiệm.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis (giữa), Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, Tướng Joseph Dunford (trái) và Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP. |
Nguy cơ các lãnh đạo Lầu Năm Góc không thường xuyên trao đổi với người dân Mỹ trở nên nghiêm trọng hơn khi có khủng hoảng xảy ra.
Tháng 10, khi một nhóm lính đặc nhiệm Mỹ ở Niger bị phục kích dẫn đến cái chết của 4 binh sĩ, đã nổ ra một cuộc tranh luận căng thẳng về vai trò của lực lượng đặc biệt Mỹ trong cuộc chiến chống IS và al-Qaeda. Họ đang mạo hiểm sinh mạng của mình không chỉ ở Iraq, Syria và Afghanistan, mà còn ở Yemen, Libya, Somalia và các vùng miền xa xôi khác.
Nhiệm vụ của các binh sĩ Mỹ tại Niger vẫn chưa được tiết lộ, đang chờ điều tra. Nhưng những nghi vấn về sai sót của quân đội Mỹ trong chiến dịch này và cả những các chiến dịch khác sẽ vẫn còn đó, trong năm thứ hai của nhiệm kỳ Trump.
Khi ngài tổng thống đứng trước Quốc hội, ca ngợi thành công của Mỹ trong cuộc chiến, và rằng nước Mỹ có lực lượng quân đội mạnh chưa từng có, có thể ông ấy đúng. Nhưng sau cùng, nếu không thảo luận minh bạch, làm sao chúng ta biết được những lời ấy là sự thực?